Thuế GTGT đối với thư tín dụng: Tìm giải pháp hài hòa lợi ích của các bên

Ngô Hải - Bùi Trang| 11/05/2021 17:10
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 11/5, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tọa đàm với chủ đề: Thuế giá trị tăng với hoạt động thư tín dụng.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, Thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán. Trong nhiều năm qua, các tổ chức tín dụng vẫn thực hiện đầy đủ theo quy trình này.

Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương: Thư tín dụng L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010, do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT. Theo đó, các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp.

“Tại Toạ đàm hôm nay có đại diện Tổng Cục thuế, đại diện Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và đông đảo các doanh nghiệp tham gia trực tuyến, tôi tin rằng, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp tháo gỡ và có những đề xuất cụ thể cho hoạt động thư tín dụng”, Phó Chủ tịch VCCI nói.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI

Thư tín dụng – nghiệp vụ lưỡng tính cần bóc tách

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, nội dung chỉ đạo tại văn bản số 1606/TCT-DNL nói trên chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành Ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Nghiệp vụ L/C là cam kết thanh toán/bảo lãnh của ngân hàng, nếu người mua không thanh toán đúng hạn thì ngân hàng phải cho vay bắt buộc. Vì vậy, về bản chất, L/C được coi là hình thức cấp tín dụng. Phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế GTGT của khách hàng đối với L/C như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, UK, EU…

Tại Việt Nam, theo Luật các TCTD 2010 (Khoản 14 Điều 4 và Khoản 3 Điều 98) thì cấp tín dụng gồm: Cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận; Tại Khoản 11 Điều 2 Thông tư 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về “qui định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” thì “Cấp tín dụng là việc TCTD.... Bảo lãnh ngân hàng, Cam kết phát hành dưới hình thức thư L/C...”.

"Do vậy, khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD quy định: “Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc; thẻ ngân hàng...; Thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của ngân hàng”, được hiểu là trong cung ứng dịch vụ thanh toán có loại hình L/C chứ không phải L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán", ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, bản chất của L/C là "lưỡng tính": Vừa là hình thức cấp tín dụng – ngân hàng đóng vai trò là ngân hàng phát hành/xác nhận L/C..., vừa là hoạt động thanh toán - ngân hàng đóng vai trò là người cung cấp các dịch vụ thanh toán mà không cam kết thanh toán.

Trong khi đó, Thẻ tín dụng cũng là nghiệp vụ "lưỡng tính" như vậy, vừa có tín dụng, vừa có thanh toán và được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư hợp nhất số 14/VBHN-BTC, phí liên quan cấp tín dụng (thẻ tín dụng) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và phí không liên quan tới tín dụng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Luật các TCTD có hiệu lực từ năm 2011, đến nay đã 10 năm, việc rà soát, thống kê các hoạt động L/C trong khoản thời gian dài như vậy là bất cập. Thuế GTGT là thuế gián thu, ngân hàng thu hộ khách hàng. Những khách hàng đến nay có thể còn hoạt động nhưng nhiều khách hàng giải thể, phá sản. Số liệu có ngân hàng còn lưu nhưng cũng nhiều ngân hàng, chi nhánh đã chia tách, sáp nhập nên để nắm bắt là vô cùng khó khăn.

“Hiệp hội Ngân hàng cũng yêu cầu các hội viên báo cáo nhưng đến nay cũng chưa nắm bắt hết số liệu”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Chưa có sự thống nhất trong nhận thức và thực thi giữa các cơ quan Thuế

Tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế nhấn mạnh nếu nói văn bản số 1606 của Tổng cục thuế yêu cầu các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C bất kể có bảo lãnh hay không có bảo lãnh đều phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011 là chưa đúng.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế

Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng quá trình rà soát việc thực hiện Luật thuế GTGT và các pháp luật liên quan đối với nghiệp vụ thư tín dụng cho thấy sự không thống nhất trong nhận thức cũng như sự thực thi. Cơ quan thuế, ngân hàng mỗi nơi thực hiện một khác. Do đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương rà soát xem các ngân hàng đang thực hiện như thế nào để hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định pháp luật.

Là người tham gia xây dựng Luật Thuế GTGT ngay từ ngày đầu, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, trong các Luật Thuế GTGT năm 1997, Luật Thuế GTGT 2008 đều khẳng định các hoạt động cho vay, hoạt động tạo lập vốn, cho vay, bảo lãnh… đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Và tại Công văn 11754/BTC-CST ngày 6/9/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT đối với khoản thu dịch vụ cấp tín dụng bảo, lãnh cũng quy định L/C là một hình thức tín dụng.

Trong quá trình theo dõi quản lý doanh nghiệp, ông Phụng cho biết, các TCTD có năng lực quản trị tốt (Vietcombank, VietinBank…) ngay từ năm 2010 đã xác định rõ: nghiệp vụ nào thuộc tín dụng (bảo lãnh) thì không nộp thuế GTGT, còn nghiệp vụ nào là dịch vụ thông thường (nhận thông báo, phát hành thông báo) thì các TCTD đã kê khai nộp thuế GTGT.

Hiện tại, cơ quan thuế và các ngân hàng đang cùng nhau xem lại, phần nào gắn với tín dụng thì khoanh lại không phải nộp, phần nào gắn với thanh toán thì nộp thuế GTGT. Các ngân hàng đều đang phối hợp mở lại sổ sách, dữ liệu để phân tích hoạt động L/C.

Ông Nguyễn Văn Phụng cũng khẳng định, không có chuyện hồi tố, vấn đề là xử lý như thế nào cho đúng luật.

Ngân hàng kiến nghị: Phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán không chịu thuế GTGT

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng hoạt động của ngân hàng chủ yếu ở 3 mảng: Tiền gửi, cấp tín dụng và dịch vụ thanh toán. Trong 3 hoạt động trên thì chỉ có cung ứng dịch vụ thanh toán là phải nộp thuế.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam

Về dịch vụ thanh toán cũng đưa ra là thanh toán trong nước và thanh toán quốc tế và chỉ khác nhau ở việc nói rõ các hình thức cụ thể. Nếu mà nói như trên thì không thể quy ngay thư tín dụng là hình thức dịch vụ thanh toán mà chỉ là một phương thức công cụ trong đó.

Bà Phùng Nguyễn Hải Yến cũng thông tin về đánh giá tác động của công văn số 1606/TCT-DNL. Theo bà, đối với khách hàng, ngân hàng đã có khảo sát thì thấy rằng, hiện tại khách hàng giao dịch với ngân hàng qua các biểu phí và như thế việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn và giải thích bổ sung thuế GTGT cho khách hàng là không khả thi.

Bên cạnh đó còn là thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi. “Các khoản thu liên quan đến thư tín dụng các TCTD đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT do quy định lại thuế suất là rất khó”, bà Phùng Nguyễn Hải Yến nói.

Đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn. Phạt kê khai sai và Tiền chậm nộp không có nguồn phù hợp để thực hiện…

Từ đó, bà Hải Yến cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước thống nhất bảo lãnh thanh toán của TCTD trong phương thức thanh toán L/C mà TCTD đóng vai trò ngân hàng phát hành thư tín dụng thuộc hoạt động cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ/có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C).

Tọa đàm trực tuyến - Ảnh chụp màn hình

Theo đó, bà Hải Yến kiến nghị: "Các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế GTGT".

Phát biểu tại buổi tọa đàm, đại diện của VietinBank cho rằng, trong trường hợp cam kết có ký quý 100%, sẽ chịu thuế GTGT bởi vì nó không liên quan đến dịch vụ tín dụng. Tuy nhiên, thực tế đấy là 2 nghiệp vụ riêng: Một là phát hành L/C riêng, hai là tài sản đảm bảo của khách hàng ở ngân hàng riêng.

Dù trường hợp khách hàng có tài sản đảm bảo tại ngân hàng 100%, ký quỹ bằng tiền gửi tại ngân hàng 100% vẫn tồn tại rủi ro. Bởi cam kết có thể phát hành một số tháng và trong quá trình họ bảo lãnh ký quỹ tại ngân hàng, có thể do cơ quan thuế xác định khách hàng thiếu thuế thì cơ quan thuế yêu cầu nghĩa vụ nộp thuế hoặc các cơ quan tòa án yêu cầu nguồn thu đó không hợp pháp. Và họ có quyền yêu cầu ngân hàng trích nguồn tiền đó để truy thu thuế hoặc phong tỏa tài khoản chờ vụ án kết thúc.

"Như vậy ngân hàng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đến hạn thanh toán L/C và ngân hàng vẫn phải thanh toán, bắt buộc khách hàng phải nhận nợ. Vì vậy, cho nên về phía ngân hàng thì vẫn đề nghị cứ có cam kết bảo lãnh sẽ thuộc đối tượng không chịu thuế chứ không phân biệt giữa ký quỹ hay không ký quỹ", đại diện của VietinBank đề nghị.

Đại diện khối doanh nghiệp phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Phạm Bích Hồng, Giám đốc điều hành kiêm Kế toán trưởng Công ty May 10 cho biết, trong hoạt động của các doanh nghiệp như May 10, thanh toán L/C là một trong những phương thức thanh toán mà doanh nghiệp hay lựa chọn. Tuy nhiên, với hoạt động L/C thì phần thuế VAT sẽ đánh vào doanh nghiệp chứ không đánh vào người tiêu dùng cuối cùng bởi người tiêu dùng không dùng L/C. Nếu như ngân hàng có kê khai thuế để nộp thì đến doanh nghiệp lại kê khai để được khấu trừ thuế đầu vào nên về bản chất Nhà nước sẽ không gia tăng được nguồn ngân sách ở đó nếu quyết định áp thu thuế GTGT đối với L/C thanh toán.

"Ngân hàng Nhà nước và Tổng Cục thuế nên thống nhất về mặt câu chữ để hỗ trợ doanh nghiệp. Cùng với đó, đại diện May 10 khiến nghị cơ quan quản lý nhà nước giảm thủ tục về kê khai đầu ra, đầu vào cho doanh nghiệp. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí kê khai", bà Phạm Bích Hồng đề nghị.

Tìm giải pháp hài hòa lợi ích của các bên

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng LC là hoạt động “lưỡng tính” vừa mang tính chất tín dụng, vừa mang tính chất thanh toán. Bản chất tín dụng của LC là không thể phủ nhận. L/C mang bản chất là bảo lãnh trung gian giữa người mua và người bán, để đảm bảo hợp đồng được thực hiện.

Về mặt cơ sở pháp lý, ông Bắc cho rằng, nếu chỉ trích dẫn khoản 15, Điều 4 Luật TCTD các 2010 là chưa đầy đủ, mà cần phải trích dẫn thêm, ví như: khoản 4, Điều 14; khoản 3, Điều 98… cũng tại Luật các TCTD 2010 thì mới hiểu đầy đủ bản chất của nghiệp vụ L/C.

Chiếu theo các điều luật thì Luật các TCTD 2010 không phủ nhận bản chất “lưỡng tính” của L/C. Như vậy, bản chất của L/C không thay đổi, các pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn theo mạch cũ cho rằng L/C có hai bản chất: Vừa là cấp tín dụng, vừa là thanh toán.

Trên thực tế, khi Bộ Tài chính có Công văn 11754/BTC-CST, các TCTD vẫn thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về thuế đối nghiệp vụ L/C.

Từ các phân tích trên, đại diện của Ngân hàng Nhà nước đề nghị không truy thu thuế L/C từ năm 2010. Bởi nếu thực hiện theo Công văn 1606 sẽ tăng gánh nặng cho ngân hàng; việc tìm lại khách hàng sau 10 năm sẽ không khả thi vì nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc không còn giao dịch với khách hàng; truy thu thuế lại khách hàng từ 10 năm trước sẽ tạo áp lực lên việc kê khai và điều chỉnh thuế của khách hàng; truy thu thuế và tiền phạt (nếu có) sẽ tăng gánh nặng cho ngân hàng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn phức tạp...

Tại buổi tọa đàm, ông Bắc cũng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và các tổ chức tín dụng, Thống đốc NHNN đã chỉ đạo các Vụ, Cục tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế. Qua tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế thì phần lớn các nước trên thế giới không thu thuế với L/C, một số nước thu thuế trực thu…

“Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh để hu hút đầu tư nước ngoài. Nếu áp dụng một cái không giống ai sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài. Do vậy, các bên cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích các bên”, ông Bắc đề nghị.

Theo bà Trúc Nguyễn, đại diện cho Nhóm Công tác các Ngân hàng nước ngoài, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) kiến nghị, không áp dụng thuế GTGT trên dịch vụ L/C, phương thức này phù hợp thông lệ quốc tế được áp dụng trên thế giới hiện nay. 34/37 quốc gia trong khu vực OECD đều không tính thuế GTGT trên thư tín dụng. Không đánh thuế phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam. Nó cũng tạo điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, định hướng chiến lược phát triển kinh tế hiện nay.

Đồng thời, bà Trúc Nguyễn cũng kiến nghị không áp dụng hồi tố, khi luật thuế chưa rõ, khi luật thuế thay đổi nên áp dụng ngay lúc thời điểm luật thuế được ban hành. Thuế GTGT là thuế gián thu, việc truy tìm lại các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung do dịch bệnh là gánh nặng cho toàn ngành kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, tạo nên căng thẳng kinh tế xã hội.

Đối với NSNN, thuế GTGT sẽ không ảnh hưởng gì về tổng quan, vì thuế GTGT đầu vào và đầu ra trên nguyên tắc cấn trừ đầu vào đầu ra do đó tạo ra một loại thế sẽ là gánh nặng cho ngành ngân hàng và toàn ngành kinh tế.

"Tôi cho rằng vấn đế đánh thuế hay không đánh thuế cần phải được nghiên cứu kỹ. Chúng ta nên tham khảo thông lệ quốc tế về vấn đề này", bà Trúc Nguyễn nhấn mạnh.

Để tháo gỡ khó khăn cho ngân hàng và doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng đề nghị, cần khẩn trương có hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện thuế GTGT đối với nghiệp vụ L/C theo hướng làm rõ các hoạt động L/C có liên quan cấp tín dụng không phải thu thuế GTGT, các hoạt động L/C chỉ có dịch vụ thanh toán sẽ chịu thuế GTGT nhằm tạo điều kiện tạo thuận lợi cho ngân hàng và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thuế GTGT đối với thư tín dụng: Tìm giải pháp hài hòa lợi ích của các bên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO