(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Văn phòng Quốc hội để nghe báo cáo một số nội dung, đề án thuộc Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; cùng các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, trợ lý lãnh đạo Quốc hội.
Hình ảnh tại buổi làm việc |
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã cho ý kiến trực tiếp về các nội dung của các đề án và dự thảo các nghị quyết, trong đó nhấn mạnh các vấn đề rà soát các quy định hiện hành, đánh giá việc tổ chức thực hiện, làm rõ sự cần thiết.
Nhấn mạnh đây là những nội dung có tính ứng dụng cao, các lãnh đạo Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tập trung để hoàn thành các nội dung, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, cách thức thể hiện rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính kế thừa tiếp tục phát huy các quy định đã và đang được thực hiện tốt, chỉ sửa đổi các nội dung đủ chín đủ rõ, cập nhật bổ sung các nội dung mới phù hợp với cảnh mới, tình hình mới, tập trung làm nổi bật những cải tiến, đổi mới cụ thể, nhất là những cải tiến, đổi mới đã được áp dụng rất hiệu quả thời gian qua để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung.
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay đã có nhiều đổi mới, cải tiến nổi bật cần được khẳng định và thể hiện rõ như: sự chuẩn bị từ sớm, từ xa các nội dung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; việc đề cao vai trò của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách và Ủy ban chủ trì thẩm tra; Chủ tịch Quốc hội trực tiếp họp, làm việc nhiều lần, qua nhiều vòng chuẩn bị, chỉ đạo sát sao, kỹ lưỡng; đổi mới cách thức xin ý kiến Bộ Chính trị; sự phối hợp hết sức chặt chẽ giữa Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ, giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, giữa các cơ quan của Quốc hội và cơ quan của Chính phủ, thậm chí Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ làm việc trực tiếp, trao đổi rất kỹ lưỡng về nội dung; đổi mới cách thức viết nghị quyết giám sát, nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội...
Hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng có rất nhiều đổi mới, họp ngày họp đêm, vì công việc chứ không theo chương trình, xong nội dung nào có kết luận cụ thể về nội dung đó làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện...
Vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng nhân dân cũng có rất nhiều đổi mới: lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết hoạt động của Hội đồng nhân dân; hay việc mời Hội đồng nhân dân tham dự các phiên họp chuyên đề, phiên họp giám sát tối cao của Quốc hội... không chỉ gắn kết hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, lan toả những đổi mới của Quốc hội đến với Hội đồng nhân dân các cấp mà còn thể hiện sự ghi nhận, khẳng định vị thế, vai trò của Hội đồng nhân dân. Hay đổi mới trong công tác dân nguyện của Quốc hội với việc định kỳ xem xét vấn đề này tại phiên họp hằng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung để giải quyết dứt điểm các nội dung này. Chủ tịch Quốc hội lưu ý trên cơ sở đánh giá kết quả tổ chức thực hiện Nội quy kỳ họp hiện hành, Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung, bám sát các nội dung lớn, cập nhật những nội dung mới, sửa những gì chưa phù hợp, bảo đảm tính kế thừa.
Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ một số nội dung của quy chế hoạt động chưa được thực hiện tốt trong thực tiễn, do đó cần bám sát quy định hiện hành để có đánh giá, rà soát, trên cơ sở kế thừa các nội dung đã có tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sửa đổi những điểm hạn chế bất cập, bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình mới.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Việc lãnh đạo Quốc hội làm việc với Văn phòng Quốc hội để nghe báo cáo về các đề án, nghị quyết là hết sức cần thiết. Đây là khâu quan trọng để lãnh đạo Quốc hội nắm được tiến độ công việc đã và đang triển khai, các việc cần làm trong thời gian tới. Chủ tịch Quốc hội đã cho ý kiến định hướng, chỉ đạo, quan điểm cụ thể về những vấn đề chính, quan trọng và còn ý kiến khác nhau về phạm vi, nội dung, tiến độ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận Văn phòng Quốc hội là cơ quan chủ trì tham mưu, xây dựng 2 Đề án và 3 Nghị quyết, thời gian qua đã có sự cố gắng, nỗ lực trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội để tập trung hoàn thiện các dự thảo.
Cho biết các nội dung như trong sửa đổi Nội quy kỳ họp, nhiều nội dung mới đã được thực hiện từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua các kỳ họp thường kỳ và kỳ họp bất thường cho thấy hiệu quả thực tiễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng khi trình Quốc hội, xin ý kiến đại biểu Quốc hội sẽ nhận được nhiều sự đồng thuận.
Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý tiếp tục rà soát bảo đảm việc trình bày các điều khoản nội dung cô đọng, súc tích, rõ ràng, có bảng so sánh những nội dung mới, những nội dung sửa đổi so với bản cũ; nhấn mạnh chỉ sửa đổi những nội dung “đã chín, đã rõ”, đồng thời tiếp tục kế thừa và phát huy những nội dung thực hiện tốt qua các nhiệm kỳ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Văn phòng Quốc hội tích cực, khẩn trương, tập trung trong quý III/2022, cao điểm tháng 7 và tháng 8 để có tính toán cân đối thời gian hợp lý, khoa học, khả thi tiến độ công việc, không thể kéo dài thêm nữa để hoàn thiện các tờ trình, dự thảo văn bản để trình xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, tiến hành thẩm tra các nội dung, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét quyết định theo đúng thẩm quyền đối với từng nội dung bảo đảm chất lượng tốt nhất.