(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong lịch sử của Đảng ta có một Hội nghị mang tầm vóc của một Đại hội thành lập Đảng - Đó là Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì tại Hồng Kông, Trung Quốc vào mùa xuân năm 1930.
Năm 1929 ở Việt Nam liên tiếp có ba tổ chức cộng sản ra đời. Vì vậy ngày 27/10/1929, Quốc tế Cộng sản đã gửi thư cho các nhóm cộng sản Đông Dương, nêu rõ: Nếu không có một Đảng cộng sản độc nhất trong lúc vận động quần chúng thợ thuyền và nông dân ngày càng phát triển, đó là một nguy hiểm lớn cho tương lai tối cận của cách mạng Đông Dương. Nhiệm vụ quan trọng hơn hết và tuyệt đối cần kíp của tất cả những người cộng sản Đông Dương là sáng lập một Đảng cách mạng của giai cấp vô sản và ở Đông Dương chỉ có Đảng ấy là tổ chức cộng sản mà thôi.
Người đại diện cho Quốc tế Cộng sản thực hiện sứ mạng lịch sử ấy là Nguyễn Ái Quốc. Sau này nhờ nhiều tài liệu trong nước và quốc tế, đặc biệt là nhờ có một báo cáo của Nguyễn Ái Quốc ngày 18/2/1930 gửi Quốc tế Cộng sản, chúng ta biết được Người đã thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào. Theo đó, từ Xiêm (Thái Lan), Người quyết định đến Hồng Kông, chắp nối liên lạc với những người cộng sản Việt Nam, triệu tập và tổ chức Hội nghị. Nguyễn Ái Quốc viết:.. một đồng chí từ Hồng Kông tới Xiêm và tin cho tôi biết tình hình Hội An Nam Thanh niên cách mạng bị tan rã, những người cộng sản chia thành nhiều phái…, lập tức tôi đi Trung Quốc, tới đó vào ngày 23/12.”
Ký họa Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 2-1930. (Nguồn ảnh: baoapbac.vn) |
Tham gia Hội nghị có đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, chi bộ của những người cộng sản Việt Nam ở nước ngoài. Đông Dương Cộng sản liên đoàn mới thành lập chưa kịp cử đại biểu dự. Trong điều kiện bí mật, lại ở trên đất khách quê người cho nên Hội nghị đã phải tiến hành trong nhiều ngày, khi thì tổ chức tại một căn phòng của gia đình công nhân nghèo, khi thì họp ở một số địa điểm khác ở bán đảo Cửu Long thuộc Hồng Kông, Trung Quốc. Trong những ngày lịch sử đó Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra thảo luận những vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam. Trước hết với tư cách là đại diện của Quốc tế Cộng sản, Người đã đưa ra mục đích, nhiệm vụ quan trọng của Hội nghị cần phải hoàn thành, thể hiện trong “năm điểm lớn” là: (1) Bỏ mọi thành kiến xung đột cũ, thành thật hợp tác để hợp nhất các nhóm cộng sản ở Đông Dương; (2) Định tên là Đảng Cộng sản Việt Nam; (3)Thảo Chính cương và Điều lệ sơ lược của Đảng; (4) Định kế hoạch thực hiện việc thống nhất trong nước; (5) Cử một ban trung ương lâm thời.
Sau khi thông qua chương trình và nội dung, Hội nghị đã thảo luận và thông qua những văn kiện quan trọng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo, đó là:
Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nhiệm vụ chính của nó là đánh đuổi đế quốc làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, đánh đổ phong kiến đem lại ruộng đất cho nông dân; thành lập chính phủ công, nông, binh, thực hiện các quyền tự do dân chủ và tổ chức ra quân đội công nông.
Sách lược vắn tắt của Đảng đã khẳng định vai trò của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đảng là đội tiền phong của giai cấp công nhân, tập hợp được đông đảo lực lượng của giai cấp công nhân để đủ sức lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Đảng đoàn kết với giai cấp nông dân đánh đổ phong kiến. Đảng cũng chủ trương đoàn kết với phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới và liên hệ với giai cấp vô sản quốc tế, nhất là với giai cấp công nhân Pháp.
Điều lệ vắn tắt của Đảng nêu rõ mục đích của Đảng lập ra là để lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh đuổi đế quốc xâm lược, thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều lệ cũng quy định những tiêu chuẩn của người đảng viên, đó là tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa cộng sản, tin theo đường lối và chương trình hoạt động của Đảng và Quốc tế Cộng sản, phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng nước ta và cách mạng thế giới.
Chính những văn kiện chính thức nói trên đã làm nên ý nghĩa lịch sử của Hội nghị mùa xuân năm 1930. Bằng việc đồng lòng nhất trí với những nội dung đó, các nhóm cộng sản ở Việt Nam đã thống nhất thành một Đảng và các văn kiện do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo thông qua tại Hội nghị đã trở thành Cương lĩnh đầu tiên cuả Đảng ta. Đó cũng là lý do để nói rằng Hội nghị đó mang tầm vóc một Đại hội của Đảng ta.
Trong Báo cáo ngày 18/2/1930 gửi Quốc tế Cộng sản sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc đã viết: Chúng tôi đã cùng nhau vạch ra cương lĩnh và chiến lược theo đúng đường lối của Quốc tế Cộng sản. Các đại biểu sẽ tổ chức ra một ban trung ương lâm thời gồm 7 ủy viên dự bị. Các đại biểu đã quay trở về Việt Nam vào ngày 8/2/1930.
Sau này nhớ lại sự kiện lịch sử này, Bác Hồ kể lại: Sau thắng lợi của Hội nghị mùa xuân Canh Ngọ 1930 đó, Người đã tổ chức “đãi” các đại biểu dự một bữa cơm vừa tiết kiệm, vừa linh đình.