​Tín dụng chính sách góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội

P.V| 27/08/2022 10:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, đến nay, các chương trình tín dụng chính sách do NHNN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đạt trên 83.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 31% trên tổng dư nợ 26 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Ngày 26/8/2022, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội.

Hội nghị có sự tham dự của: bà Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN); ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội…

web.jpeg-2.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, bà Lê Thị Đức Hạnh - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) TP Hà Nội cho biết, trong 20 năm qua, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính đến ngày 31/7/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua 4 tổ chức chính trị - xã hội là 12.480 tỷ đồng với 253.863 khách hàng đang vay vốn tại 7.082 Tổ tiết kiệm và Vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,6% trên tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội.

Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ là 334 tỷ đồng, đến nay, Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội đang có dư nợ tại 17 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt 12.778 tỷ đồng với gần 254 nghìn khách hàng đang vay vốn, tăng 12.444 tỷ đồng (gấp 38,3 lần) so với thời điểm nhận bàn giao. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm là 10.179 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 80%; dư nợ các chương trình tín dụng phục vụ đời sống, sinh hoạt là 2.599 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20%.

Trong 20 năm, thông qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh NHCSXH Thành phố đã giải ngân cho trên 580.000 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 630.000 lao động, hỗ trợ xây dựng 11.375 ngôi nhà cho hộ nghèo…

"Những kết quả đạt được trong 20 năm qua cho thấy tín dụng chính sách xã hội đã thực sự đi vào cuộc sống", bà Lê Thị Đức Hạnh nhấn mạnh.

508439.jpg

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà đánh giá cao kết quả công tác của NHCSXH nói chung và NHCSXH TP Hà Nội nói riêng trong suốt giai đoạn vừa qua.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc cho biết, thời gian qua, đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tín dụng quan trọng, có tác động lớn đến hệ thống chính sách giảm nghèo như: chính sách tín dụng đối với hộ cận nghèo, chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo và gần đây nhất NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

"Việc ban hành các chính sách này đã tạo nên một hệ thống chính sách giảm nghèo đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng (từ hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đến hộ mới thoát nghèo), góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ và cho biết thêm: "Đến nay, dư nợ của các chương trình do NHNN trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã đạt trên 83.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 31% trên tổng dư nợ 26 chương trình tín dụng chính sách đang triển khai tại NHCSXH".

Ngoài ra, NHNN luôn tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH ổn định nguồn vốn thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách như: (i) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng nhà nước duy trì tiền gửi 2% hàng năm tại NHCSXH để ổn định nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách; (ii) Tái cấp vốn để NHCSXH có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID – 19; (iii) Khuyến khích các ngân hàng đầu tư trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh.

NHNN cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1630/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 về Kế hoạch triển khai Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tạo sự kết nối, vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội với công cuộc giảm nghèo bền vững, góp phần thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tăng cường vai trò của chính quyền địa phương, vừa ủy thác cung ứng vốn cho vay, vừa giám sát để nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Kết quả là nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang NHCSXH hiện chiếm tỷ trọng gần 10% tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.

"Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội; phối hợp với các Bộ, ngành hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đồng thời thông qua chức năng quản lý Nhà nước về chính sách tiền tệ và hoạt động tín dụng ngân hàng, tiếp tục đồng hành cùng TP Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nói chung, hoạt động tín dụng ngân hàng và hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói riêng trên địa bàn", Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng đề nghị Ban Đại diện Hội đồng quản trị thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo NHCSXH trên địa bàn hoàn thành tốt các chương trình tín dụng chính sách được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ NHCSXH được giao để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, các chương trình tín dụng chính sách xã hội của Trung ương và thành phố đã được triển khai kịp thời và có hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. Thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH Thành phố và các quận, huyện, thị xã, các Sở, ngành, cơ quan liên quan, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND các cấp cùng Chi nhánh NHCSXH Thành phố cần tập trung bám sát định hướng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, của Hội đồng quản trị và NHCSXH cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong từng giai đoạn; tiếp tục tập trung thực hiện tốt mô hình tổ chức và phương thức hoạt động tín dụng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng hoạt động Ban đại diện, Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; nâng cao chất lượng công tác ủy thác cho vay qua tổ chức chính trị xã hội các cấp…

Cũng tại hội nghị, UBND TP Hà Nội tặng bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho cho 40 tập thể, 59 cá nhân và 1 hộ gia đình vay vốn có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
​Tín dụng chính sách góp phần thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO