Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2019: Duy trì xu hướng tích cực

Hải Yến| 05/11/2019 21:50
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chiều ngày 5/11/2019, buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 đã được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, về tình hình kinh tế-xã hội (KT-XH), trong bối cảnh các tổ chức quốc tế đều cho rằng nền kinh tế thế giới đang xuất hiện hiện tượng "4 thấp", đó là tăng trưởng thấp, thương mại-đầu tư thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp, điều này sẽ có thể dẫn đến "trì trệ kéo dài" và sẽ chuyển sang "suy thoái", các tổ chức quốc tế tiếp tục nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam.

 Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019

Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019

Chính phủ thống nhất đánh giá, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng tiếp tục xu hướng tích cực, với những điểm nổi bật như:

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển khá, khẳng định cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang phát huy hiệu quả tích cực. Lâm nghiệp phát triển ổn định (sản lượng gỗ khai thác tăng 4,6%); chăn nuôi bò và gia cầm phát triển tốt (đàn bò tăng 2,4%, gia cầm tăng 11,5%).

Khu vực công nghiệp tiếp tục có bước phát triển mạnh (IIP tăng 9,5%); ngành chế biến, chế tạo, sản xuất phân phối điện tăng mạnh (lần lượt tăng là 10,8% và 9,9%); đặc biệt ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau nhiều năm tăng trưởng âm (tăng 1,2% cùng kỳ năm trước giảm 2,3%). Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng cao so với cùng kỳ (sắt, thép tăng 42,8%; xăng, dầu tăng 33,2%; tivi tăng 16,4%; điện thoại thông minh tăng 16%).

Thị trường thương mại ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao đạt 11,8%. Thu hút khách quốc tế tiếp tục tăng khá, đạt gần 14,5 triệu lượt người, tăng 13% so với cùng kỳ (tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát và giữ ở mức thấp. CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ; CPI tháng 10/2019 tăng 2,79% so với tháng 12/2018 và tăng 2,24% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt trên 217 tỷ USD, tăng 7,4%. Khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%; tỷ trọng xuất khẩu của khu vực trong nước chiếm 30,7% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu đạt 7 tỷ USD.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữ đà phát triển tốt; vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 70,5%. Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34,9 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ.

Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là ở khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cùng với kết quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Cả nước có 68.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 33,8%. Các lĩnh vực về văn hoá, xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt chúng ta đã tổ chức rất tốt Ngày vì người nghèo (17/10), đẩy mạnh phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thông qua Chương trình này đã ủng hộ cho Quỹ vì người nghèo 877 tỷ đồng.

Một số vấn đề tồn tại, hạn chế

Dịch tả lợn châu Phi có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp trong năm 2019; đồng thời nhiều mặt hàng nông sản giá xuống thấp; xuất khẩu nông sản tăng về sản lượng nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm.

Chỉ số IIP 10 tháng tăng 9,5%, thấp hơn mức tăng 10,3% cùng kỳ năm 2018, động lực tăng trưởng này có dấu hiệu giảm tốc.

Xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 10 tháng đầu năm ước tăng 7,4%, song thấp hơn mức tăng 21,8% của 10 tháng năm 2017 và 15,3% của 10 tháng năm 2018.

Mặc dù đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhưng tỷ lệ thực hiện và tốc độ tăng giải ngân vốn đầu tư công vẫn ở mức thấp nhất trong giai đoạn 2015-2019 (vốn Trung ương giảm 19,3% so với cùng kỳ, Bộ Giao thông vận tải giảm 31,9%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm 56,0%...). Một vấn đề khác cần phải rất lưu ý trong thời gian tới và phải thúc đẩy là tổng số vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm giảm 15,2% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư kinh doanh bị đánh giá là chậm được cải thiện, sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có 26.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh; 34.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ giải thể, tăng 34,8% và 13.500 doanh nghiệp giải thể…

Phát sinh nhiều vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Về nhiệm vụ thời gian tới, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp cụ thể trên các lĩnh vực kinh tế vĩ mô, tiền tệ và tín dụng, giải ngân vốn đầu tư công, nông nghiệp, công nghiệp – thương mại, giao thông vận tải, du lịch và dịch vụ, văn hóa, xã hội, môi trường, xây dựng pháp luật và cải cách hành chính, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nỗ lực với quyết tâm cao nhất từ nay đến cuối năm, kiên định với những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để phấn đấu hoàn thành 12 chỉ tiêu kinh tế-xã hội Quốc hội giao (dự kiến, có 5 chỉ tiêu vượt).

Quan trọng là cần phải giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như hiện nay, thậm chí hơn nữa; điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới; tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô và phải được vận dụng một cách khéo léo, linh hoạt. Đồng thời, cần sớm xây dựng các phương án ứng phó với những tình huống xấu của kinh tế thế giới có thể xảy ra, không để bị động bất ngờ; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường. Do đó, cần sớm nghiên cứu xây dựng phương án kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, xuất khẩu.

Các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố cần phải quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh cải cách hành chính; tiếp tục cắt, giảm điều kiện đầu tư kinh doanh một cách thực chất hơn nữa, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Sang năm 2020, chúng ta cần phải làm việc mạnh mẽ việc này hơn nữa, trên tất cả các lĩnh vực; đây phải trở thành một cuộc cách mạng thực sự để Việt Nam chúng ta trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn, một đất nước đổi mới sáng tạo và có tính cạnh tranh cao.

 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tình hình kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2019: Duy trì xu hướng tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO