Doanh nghiệp

Tổng tài sản hợp nhất của 17 “ông lớn” trong Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2,36 triệu tỷ đồng

Hoàng Hà 08/07/2024 - 19:16

Riêng tổng tài sản của PVN đã hơn 1,01 triệu tỷ đồng (là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng).

19-tap-doan-tong-cong-ty-nha-nuoc_668bac77716c5.png

Năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) được thành lập theo Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ nhằm thực hiện chủ trương tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong quản lý doanh nghiệp nhà nước của các bộ, địa phương.

Theo đó CMSC trực tiếp làm đại diện chủ sỡ hữu vốn Nhà nước tại 19 doanh nghiệp bao gồm: 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - PLX); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin - TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Cùng 11 tổng công ty là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Vietnam Railways); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Sau 5 năm về “siêu ủy ban”, 19 "ông lớn" Nhà nước đã có những thay đổi đáng kể. Theo báo cáo của CMSC, đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty tăng từ gần 1,06 triệu tỷ đồng (năm 2018) lên hơn 1,15 triệu tỷ đồng (năm 2022); tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2,36 triệu tỷ đồng lên 2,49 triệu tỷ đồng.

Tính riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,87 triệu tỷ đồng, chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018); tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 đã công bố của 17/19 tập đoàn, tổng công ty thuộc CMSC trừ MobiFone và VEC, trong năm 2023, tổng tài sản hợp nhất của 17 “ông lớn” này là hơn 2,36 triệu tỷ đồng, trong đó, riêng tổng tài sản của PVN đã hơn 1,01 triệu tỷ đồng (là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng).

Tổng doanh thu thuần hợp nhất của 17/19 doanh nghiệp đạt khoảng 1,76 triệu tỷ đồng, trong đó, PVN đóng góp 516.911 tỷ đồng, EVN gần 500.719 tỷ đồng, Petrolimex hơn gần 274.000 tỷ đồng và Vinacomin hơn 141.800 tỷ đồng. Ngoài ra, Vietnam Airlines, VNPT, Vinachem, Vinataba, ACV,… cũng mang về doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tổng lợi nhuận trước thuế của 17/19 doanh nghiệp đạt khoảng 70.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế khoảng trên 45.600 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của PVN chiếm phần lớn, với 56.389 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (chiếm gần 80%) và 40.278 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (chiếm 88%). Trong năm 2023, doanh thu của PVN giảm gần 8% so với năm 2022, còn lợi nhuận trước thuế và sau thuế giảm lần lượt 26% và 29% so với cùng kỳ.

Ngoài PVN thì ACV là doanh nghiệp còn lại có lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng, đạt 10.492 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khác báo lãi trước thuế nghìn tỷ có Vinacomin (8.000 tỷ đồng), SCIC (5.650 tỷ), VNPT (4.660 tỷ), VRG (4.114 tỷ), Petrolimex (3.947 tỷ), Vinachem (3.749 tỷ), Vinalines (2.126 tỷ), Vinataba (1.864 tỷ).

Chiều ngược lại, hai “ông lớn” EVN và Vietnam Airlines lại tiếp tục báo lỗ trước thuế tổng cộng 30.928 tỷ đồng và lỗ sau thuế 32.404 tỷ đồng, bằng hơn một nửa lợi nhuận của 17 doanh nghiệp thuộc CMSC. Trong đó, EVN ghi nhận lỗ sau thuế 26.772 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD) dù doanh thu đạt kỷ lục 500.719 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước. Đây là năm thua lỗ thứ hai liên tiếp của EVN, trước đó năm 2022 tập đoàn này đã lỗ sau thuế 20.747 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ liên tiếp, lãnh đạo EVN cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh. Với 2 năm liên tiếp lỗ nặng, hiện nay, EVN đang lỗ lũy kế hơn 41.800 tỷ đồng.

Đối với Vietnam Airlines, dù mức lỗ trong năm 2023 (lỗ sau thuế 5.632 tỷ đồng) đã giảm khoảng một nửa so với mức lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng của năm 2022 nhưng đây đã là năm thua lỗ thứ tư liên tiếp của hãng hàng không này. Tính đến ngày 31/12/2023, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên tới 41.057 tỷ đồng.

Tương tự, dù ghi nhận có lãi trong năm 2023, song một số doanh nghiệp do CMSC đại diện chủ sở hữu vẫn lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng như Vinafood 2 lỗ lũy kế 2.778 tỷ đồng, Vietnam Railways lỗ lũy kế 2.080 tỷ đồng, VIMC lỗ lũy kế 1.402 tỷ đồng, Vinacafe lỗ lũy kế 1.090 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tài sản hợp nhất của 17 “ông lớn” trong Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 2,36 triệu tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO