(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tổng số tiền đăng ký cho vay (gói tín dụng ưu đãi) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2021 là 312.000 tỷ đồng và đến thời hiện nay đã giải ngân được 121.024 tỷ đồng cho 13.672 khách hàng.
Hoạt động của ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh 6 tháng đầu năm 2021 và giải pháp thực hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đạt kết quả tốt.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã triển khai tổ chức thực hiện tốt thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng, lãi suất trên địa bàn thông qua các hoạt động như hội nghị triển khai phổ biến công tác tín dụng của ngân hàng trung ương; văn bản chỉ đạo; kiểm tra giám sát chuyên đề về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tổng dư nợ hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn đến nay đạt gần 1,199.936 tỷ đồng, cho gần 398.936 khách hàng. Trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 183.038 khách hàng với dư nợ đạt 218.589 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 131.426 khách hàng với dư nợ đạt 11.370 tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho 84.372 khách hàng với doanh số đạt 969.977 tỷ đồng.
Do tác động của đại dịch và thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thông qua tổ chức triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp đã gặp khó khăn, không tổ chức hội nghị đối thoại và ký kết trực tiếp cho doanh nghiệp vay vốn tại các quận, huyện. Tuy nhiên, thay vào đó, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tổ chức hoạt động này thông qua việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi theo kế hoạch của chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tổng số tiền đăng ký cho vay (gói tín dụng ưu đãi) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn năm 2021 là 312.000 tỷ đồng, đến thời hiện nay đã giải ngân được: 121.024 tỷ đồng cho 13.672 khách hàng.
Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh tổ chức tốt công tác phối hợp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Trong đó, phối hợp với các sở ngành, quận huyện và các hiệp hội ngành nghề để nắm bắt thông tin phản ánh từ doanh nghiệp; nắm bắt danh sách doanh nghiệp có khó khăn về vốn. Qua kênh phối hợp này đến nay đã tiếp nhận 790 trường hợp được gửi về từ các sở, ngành (Sở Công Thương, Sở Du lịch và Ủy ban Nhân dân 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức, từ đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước), đã có kết quả xử lý 778 trường hợp.
Đối với việc nắm bắt thông tin phản ánh của doanh nghiệp và xử lý thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp qua đường dây nóng, thư điện tử; qua mạng đối thoại doanh nghiệp của chính quyền thành phố với doanh nghiệp, đã xử lý được 133 phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân (80 qua đường dây nóng và 53 qua email). Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được làm tốt, đảm bảo thực hiện đúng chủ trương chính sách và nhiệm vụ địa phương của ngành Ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh luôn nhận thức rõ việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19, không chỉ là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân vượt khó, duy trì, ổn định và phát triển mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ của ngành Ngân hàng thành phố, đồng thời thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của ngân hàng trung ương.
Để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch còn diễn biến phức tạp, gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn và các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất một số giải pháp cần hành động quyết tâm.
Theo đó, tiếp duy trì và thực hiện tốt giải pháp nền tảng theo kế hoạch đã đề ra, vừa phòng chống dịch, vừa duy trì hoạt động bảo đảm an toàn sức khỏe cán bộ nhân viên ngân hàng, khách hàng và cùng cộng đồng phòng chống dịch hiệu quả; vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng an ninh, an toàn và hiệu quả. Duy trì hoạt động thông suốt trong điều kiện giãn cách xã hội.
Tiếp tục thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm cơ chế chính sách về tín dụng; về lãi suất, phí…của ngân hàng trung ương và chất lượng dịch vụ cung ứng, gắn với mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt để phòng chống dịch với tinh thần chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân trên địa bàn thành phố trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Cùng với đó thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; ngành ngân hàng thành phố và các tổ chức tín dụng trên địa bàn thường xuyên đổi mới quy trình, thủ tục giao dịch, ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng, giảm chi phí về thời gian, chi phí đi lại…cho khách hàng, doanh nghiệp và tổ chức; thực hiện tốt cải cách hành chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng với nội hàm, nâng cao chất lượng dịch vụ, hiệu quả quản lý, cung cấp và chăm sóc khách hàng tốt, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân; xử lý và tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt chủ trương cải cách hành chính của ngân hàng trung ương; Nghị quyết 02 của Chính phủ và chỉ thị 02 của UBND TP. Hồ Chí Minh về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.