Hoạt động ngân hàng

TP. Hồ Chí Minh: Hơn 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay giai đoạn 2022-2023

Nguyễn Đức Lệnh 26/02/2024 - 07:51

Thực hiện cơ chế này, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí lãi vay để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng, mà còn góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết 43 giao cho ngành Ngân hàng và phát huy vai trò nguồn lực chính sách để đạt mục tiêu hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Nghị quyết 43/2022/QH15 là Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội và thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 giai đoạn 2022- 2023. Trong đó giao cho ngành Ngân hàng 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Ở góc độ địa phương, góc độ thực thi chính sách trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và tiếp cận trực tiếp việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội trên địa bàn trong lĩnh vực ngân hàng, sau 2 năm thực hiện, ngành Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những kết quả quan trọng đáng ghi nhận.

Tổ chức triển khai thực hiện trách nhiệm, nghiêm túc và đầy đủ cơ chế chính sách của Quốc hội, của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và của UBND thành phố liên quan đến hoạt động ngân hàng. Trong đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện tốt cơ chế chính sách về lãi suất; về cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; về cho vay hỗ trợ 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHTW. Trong quá trình này, theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, báo cáo, phản ánh và kiến nghị NHTW kịp thời; làm tốt công tác thông tin truyền thông và đối thoại chính sách thông qua chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp để người dân, doanh nghiệp trên địa bàn nắm bắt chính sách, tiếp cận thuận lợi chính sách hỗ trợ, từ đó đưa cơ chế chính sách của NHTW, Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị quyết 43 của Quốc hội đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả.

Thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết 43 giao cho ngành Ngân hàng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh với nội dung thực hiện tốt cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng và lãi suất trên địa bàn; giữ ổn định thị trường tiền tệ và giảm lãi suất tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì phục hồi và tăng trưởng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, riêng trong năm 2023 lãi suất điều hành của NHTW giảm liên tục, tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất chung trên thị trường (cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay, với mức giảm từ 2- 3%). Kết quả này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, chi phí vay vốn, giảm giá thành để tăng trưởng và phát triển, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, đúng với yêu cầu nhiệm vụ giao tại các nghị quyết.

Thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết 43, với nội hàm hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua việc thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp; miễn giảm lãi suất và cho vay hỗ trợ 2% lãi suất. Theo đó, trong 2 năm (2022 - 2023) các TCTD trên địa bàn đã hỗ trợ cho hơn 1,1 triệu khách hàng (doanh nghiệp; hộ kinh doanh và hợp tác xã) được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay. Trong đó 700 nghìn khách hàng được cơ cấu lại nợ, với dư nợ đạt 327 nghìn tỷ đồng và hơn 420 nghìn khách hàng được miễn giảm lãi suất, với tổng dư nợ đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng. Thực hiện cơ chế này, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ vay, giảm chi phí lãi vay để duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo lập dòng tiền và trả nợ vay ngân hàng, mà còn góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ Nghị quyết 43 giao cho ngành Ngân hàng và phát huy vai trò nguồn lực chính sách để đạt mục tiêu hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Tổ chức triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 của NHNN. Kết quả, sau 2 năm thực hiện, tổng doanh số cho vay hỗ trợ 2% lãi suất trên địa bàn đạt 84,5 nghìn tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, dư nợ cho vay hỗ trợ này đạt: 18.685 tỷ đồng, với 428 khách hàng được hỗ trợ thuộc các nhóm ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; hàng không, vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; lập trình máy tính và hoạt động liên quan; thực hiện dư án xây dựng nhà ở xã hội; tổng số tiền đã hỗ trợ lãi suất (số lũy kế) đạt 439,76 tỷ đồng.

Nếu đặt trong mối liên hệ so sánh với cả nước, dư nợ cho vay hỗ trợ 2% lãi suất trên địa bàn chiếm tỷ trọng 37%; tổng số khách hàng được hỗ trợ chiếm 19% so với cả nước, trong khi đó số tiền đã hỗ trợ lãi suất chiếm tỷ trọng 35%.

Ở góc độ địa phương những kết quả tổ chức và thực hiện chính sách nêu trên có ý nghĩa rất lớn do đã phản ánh chủ trương trúng, đúng và hiệu quả của chính sách, của nghị quyết. Đặc biệt là sự phù hợp, kịp thời và mang tính dự liệu, dự báo rất cao nếu đặt trong bối cảnh tác động ảnh hưởng của đại dịch và những phát sinh khó đoán định, khó lường từ tình hình kinh tế địa chính trị trên thế giới trong 2 năm qua.

Những kết quả về ổn định kinh tế vĩ mô, về tăng trưởng kinh tế xã hội; về môi trường đầu tư… gắn liền với hệ thống giải pháp, nhiệm vụ về sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ cơ chế chính sách đến các nguồn lực tài chính đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 đặt ra.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Hơn 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay giai đoạn 2022-2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO