(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 10/11, Trung tâm Phát triển và hội nhập phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức Tọa đàm “Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2023 – Triển vọng và Thách thức”.
Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính |
Ưu tiên ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn
Phái biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thương, Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập cho biết, ngày 25/10/2022 vừa qua, Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội đã được Bộ Tài chính công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến. Câu chuyện về lập, thực hiện dự toán ngân sách luôn là chủ đề được quan tâm nhằm hướng tới việc lập dự toán ngân sách bám sát tình hình thực tế. Tọa đàm là sự kiện thường niên, nhằm tạo ra diễn đàn thảo luận, góp ý cho Dự thảo Dự toán NSNN hàng năm. Đây là cơ hội để các chuyên gia và các cá nhân, tổ chức quan tâm tới quản lý ngân sách nhà nước chia sẻ quan điểm về dự toán NSNN năm 2023 nhằm đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng và minh bạch ngân sách.
Chia sẻ về tình hình thu chi ngân sách năm 2022, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết căn cứ tình hình thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện nhiệm vụ NSNN 9 tháng đầu năm, ước thực hiện tổng thu NSNN là 1.614,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP, thuế phí đạt 13,9%. Tổng chi NSNN là 2.035,4 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% so với dự toán. Bội chi NSNN là 421,3 nghìn tỷ đồng, bằng 4,5% trong đó bội chi cho các nhiệm vụ thuộc Chương “sụtrình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 vào khoảng 0,41% GDP.
Sang năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại, một số quốc gia đối mặt với nguy cơ suy thoái; giá dầu và nhiều mặt hàng như lương thực, nguyên liệu đầu vào tiếp tục ở mức cao tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, biển đổi khí hậu... vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Trong nước, bên cạnh nền tảng phục hồi kinh tế từ năm 2022, chúng ta vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức từ các vấn đề nội tại nền kinh tế như năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh chưa cao; thị trường tài chính, thị trường vốn chịu ảnh hưởng bởi diễn biến phức tạp của thị trường thế giới...
“Dự toán NSNN năm 2023 được xây dựng với 4 mục tiêu: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; Tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phsi hoạt động khu vực sự nghiệp công lập” – ông Nguyễn Minh Tân cho biết.
Căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%, CPI bình quân 4,5%, tăng trưởng kinh ngạch xuất khẩu khoảng 8% và giá dầu thô 70 USD/thùng, Dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 0,4% so với thực hiện năm 2022. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%.
Về chi NSNN, dự toán chi năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán năm 2022 trong đó chi thường xuyên là 1.172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022, chi trả nợ lãi là 102,9 nghìn tỷ đồng giảm 0,8%, chi đầu tư phát triển là 726,7 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1%, các khoản chi còn lại là 74,3 nghìn tỷ đồng.
Bội chi NSNN là 455,5 nghìn tỷ đồng tương đương 4,42% GDP, nợ công đến cuối năm 2023 chiếm khoảng 44 – 45% GDP.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo thực hiện Dự toán NSNN
Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, để đảm bảo thực hiện Dự toán NSNN năm 2023, Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ưu tiên giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chủ động triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tếxã hội, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng.
Quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất để đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường công tác quản lý thu.
Tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN gắn với các mục tiêu về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, bảo đảm tính bền vững, an ninh, an toàn tài chính quốc
Nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị gắn với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.
Tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính kết hợp chuyển đổi số quốc gia đồng bộ, toàn diện, xây dựng chính phủ điện tử; tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng tính công khai, minh bạch.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Khoa Tài chính công – Học viện Tài chính nhận xét Dự toán NSNN năm 2023 đã có đánh giá và định hướng cơ bản về thay đổi thu chi NSNN, có thuyết minh thay đổi các khoản thu chính, có đánh giá và so sánh với ước thực hiện năm 2022. Dự toán có sự thay đổi cơ cấu chi tiêu theo hướng tích cực hơn, giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tăng tỷ lệ chi đầu tư và có thuyết minh giải pháp thực hiện dự toán.
Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức như vấn đề giải ngân đầu tư công chậm trong khi chi đầu tư tăng thêm 38% so với năm 2022. Ông Vũ Sỹ Cường lưu ý tránh tình trạng đầu năm giải ngân chậm, dồn vào cuối năm dẫn đến dòng vốn vào nền kinh tế bị ảnh hưởng.
“Tốc độ tăng chi đầu tư và chi thường xuyên trong 20 năm qua có xu hướng giảm, Về cơ cấu, chi thường xuyên trung ương giảm, chi thường xuyên của địa phương tăng lên do phân cấp, phân quyền. Chi đầu tư ở Trung ương có xu hướng tăng lên do tập trung nhiều hơn cho các dự án lớn, có tác động lớn đến kinh tế xã hội. Đây là điểm tích cực” – ông Vũ Sỹ Cường nhận xét.
Còn theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Văn phòng Quốc hội - Dự toán thu được đặt ra dựa trên cơ sở bám sát tăng trưởng kinh tế và lạm phát, trong tình hình kinh tế năm 2023 có nhiều khó khăn, Việt Nam vừa kiểm soát được COVID-19 và vẫn tiếp tục thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi, miễn giảm giãn thuế dẫn đến tác động đến số thu ngân sách. Về bội chi năm 2023 là 4,42% nhưng loại trừ bội chi theo chương trình phục hồi kinh tế xã hội thì bội chi chỉ có 2,89%, đảm bảo cân đối theo định hướng giảm bội chi.
Một số ý kiến chuyên gia cho rằng Dự toán thu quá thận trọng, dự toán thu ít thì dự toán chi cũng ít, dẫn đến chúng ta không chủ động công tác chi tiêu. Tuy nhiên, TS. Bùi Đặng Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBTCNS Quốc hội khóa XIV cho biết, bên cạnh con số Dự toán, chúng ta có kịch bản thu chi ngân sách trong trường hợp thu cao hoặc thu thấp để chủ động chi ngân sách.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ NSNN, Bộ Tài chính cho biết, Dự toán thu gồm các khoản thu bền vững, khoản thu phát sinh (có thể có hoặc không tùy theo tình hình thực tế hàng năm). Việc xây dựng Dự toán thu bám sát các khoản thu cốt lõi và qua theo dõi thu NSNN 10 năm nay, bình quân các khoản thu cốt lõi tăng trưởng 8-10% mỗi năm. Việc tính toán Dự toán lường trước mọi yếu tố để chủ động chi tiêu NSNN, tránh tình trạng đưa ra Dự toán thu cao nhưng lại không thực hiện được thì gây khó cho chi NSNN.
Đánh giá chung về Dự toán NSNN năm 2023, các chuyên gia đều cho rằng Dự toán cơ bản tích cực, đảm bảo nhiệm vụ duy trì bộ máy nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.