Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) sau 10 năm triển khai đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung để ngày càng bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong quá trình này, hoạt động truyền thông chính sách góp phần giúp người dân hiểu rõ ý nghĩa, sự cần thiết sửa đổi và các nội dung cơ bản của Luật BHTG; từ đó củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách BHTG cũng như hoạt động ngân hàng; thúc đẩy hệ thống các TCTD ngày càng phát triển bền vững.
Truyền thông chính sách nói chung có mục đích đưa thông tin về chính sách đến người dân, thuyết phục thay đổi nhận thức và hành vi đúng pháp luật. Đây cũng là kênh để các cơ quan chức năng liên quan lấy ý kiến nhân dân và các bên liên quan khi xây dựng chính sách mới, điều chỉnh chính sách hiện tại. Nhận thức rõ vai trò của truyền thông chính sách sẽ giúp Chính phủ, các bộ ban ngành liên quan và các nhà truyền thông có chiến lược phù hợp, xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), truyền thông rộng rãi việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG nhằm quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cũng như chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành luật, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực BHTG; từ đó đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Từ góc độ người dân, truyền thông chính sách pháp luật ngay từ khâu dự thảo được coi là phương thức cơ bản để người dân được "hưởng dụng quyền dân chủ của mình". Do đó, việc truyền thông từ bước dự thảo Luật giúp tạo điều kiện để người dân – người gửi tiền, chuyên gia, các tổ chức tham gia BHTG… được thể hiện vai trò trung tâm, đảm bảo dân chủ, phát huy quyền của nhân dân. Từ đó, có cơ sở tạo sự đồng thuận cao trong xã hội đối với các nội dung liên quan đến vấn đề sửa đổi, bổ sung Luật BHTG thông qua tương tác đa chiều giữa người dân – người gửi tiền, các TCTD, tổ chức BHTG - BHTGVN, cơ quan chủ trì soạn thảo – NHNN và các bộ, ban ngành liên quan nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ và thực chất hơn nữa yêu cầu thực tiễn cuộc sống; nâng cao chất lượng và tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực BHTG tại Việt Nam.
Xuất phát từ những yêu cầu, mục đích trên, về phía BHTGVN - cơ quan thực thi chính sách BHTG - đã chú trọng xây dựng kế hoạch tuyên truyền hỗ trợ, thúc đẩy sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Từ năm 2020, các sự kiện tuyên truyền về hoạt động của BHTGVN và chính sách BHTG đều được lồng ghép nội dung thể hiện kết quả triển khai Luật BHTG, những bất cập phát sinh trong thực thi Luật cũng như tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực BHTG, tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình cơ cấu lại các TCTD, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính – ngân hàng. Qua đó, BHTGVN đã ghi nhận được những phản hồi chính sách từ đối tượng thụ hưởng (người gửi tiền, tổ chức tham gia BHTG và các tổ chức, cá nhân có liên quan). Đồng thời, các đối tượng được tuyên truyền đã nhận thức rõ vai trò của chính sách BHTG, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN; sự cần thiết và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.
Nội dung tuyên truyền đi sâu đánh giá các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực BHTG. Đặc biệt là những nội dung kiến nghị, đề xuất thiết thực tiến tới sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sau khi BHTGVN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng và các cơ quan liên quan.
Trên cơ sở thực tiễn triển khai chính sách BHTG, BHTGVN đề xuất đối với các nội dung chính sách dự kiến được sửa đổi, bổ sung trong Luật BHTG như: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; Bổ sung quyền, nghĩa vụ của BHTGVN; Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; Quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Song song với đó, hình thức tuyên truyền phù hợp rất quan trọng để từng đối tượng dễ tiếp cận như người dân - người gửi tiền, các TCTD. Đồng thời, việc phối hợp với các cấp chính quyền và các bộ - ban - ngành liên quan, các tổ chức hành nghề về pháp luật (như Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam), đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn... đã góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên.
Để người dân - người gửi tiền và các đối tượng công chúng khác có thể đóng góp cho việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cần thúc đẩy việc trình Chính phủ để đưa dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. Từ đó, truyền thông chính sách là cầu nối khuyến khích các bên quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG, cùng chung tay thúc đẩy hoạt động BHTG phát triển, tiệm cận với thông lệ quốc tế, đưa chính sách BHTG ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống.