(thitruongtaichinhtiente.vn) - Kinh tế Việt Nam đi qua năm 2022 đầy thách thức. Trong bối cảnh đó, để duy trì sự ổn định về tài chính - tiền tệ, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính nhận định, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt cũng như nguồn lực sẵn sàng can thiệp, điều quan trọng không kém là sự kiên định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đối với mục tiêu ổn định vĩ mô. Sự kiên định tạo nên uy tín, niềm tin và đó cũng là một dạng nguồn lực.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính - Học viện tài chính |
Phóng viên: Nhìn lại những kết quả kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2022, ông có đánh giá như thế nào? Theo ông, đâu là những điểm sáng của kinh tế Việt Nam đã đạt được?
TS. Nguyễn Đức Độ: Trong năm 2022, Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép. Một mặt, nền kinh tế đã có bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với tốc độ tăng trưởng GDP trong 9 tháng đầu năm đạt 8,83%, cả năm đạt 8,02%, cao hơn so với mục tiêu đề ra. Mặt khác, Việt Nam cũng thành công trong việc kiềm chế lạm phát ở mức thấp, với CPI năm 2022 tăng 3,15%. Đây là con số thấp hơn nhiều so với các nước khác, mặc dù nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và chịu tác động mạnh mẽ từ việc giá cả năng lượng và nguyên vật liệu trên thế giới tăng cao.
Kết quả này đạt được là nhờ chính sách tiền tệ và tài khóa đã thành công trong việc kiểm soát chi phí đẩy. Trong khi NHNN nỗ lực ổn định tỷ giá trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã mạnh dạn giảm thuế xăng dầu. Đây cũng chính là điểm khác biệt trong chính sách kiểm soát lạm phát của Việt Nam và các nước khác.
Phóng viên: Trong bức tranh chung năm 2022, đâu là những điểm cần cải thiện để kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển ổn định hơn trong năm 2023, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho đến nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn và thị trường xuất khẩu. Một khi kinh tế thế giới có biến động mạnh, kinh tế Việt Nam cũng dao động theo. Nhưng đây là yếu tố khách quan và chúng ta không thể tác động.
Tuy nhiên, với một nền kinh tế dựa vào vốn, để đạt được sự phát triển ổn định, các chính sách tài khóa và tiền tệ cần tập trung, ưu tiên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thể hiện qua việc ổn định tốc độ tăng cung tiền, tín dụng cũng như lạm phát, lãi suất, tỷ giá. Sự ổn định của các biến số này sẽ khuyến khích các kế hoạch kinh doanh dài hạn, có tính bền vững, thay cho các kế hoạch kinh doanh ngắn hạn mang tính đầu cơ và tạo ra các dao động kinh tế, tài chính không cần thiết.
Phóng viên: Dưới góc nhìn chuyên gia, ông có đánh giá như thế nào về những đóng góp của ngành Ngân hàng trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch?
TS. Nguyễn Đức Độ: Nhiệm vụ chính của các NHTW là ổn định giá cả, đồng thời trong phạm vi cho phép, có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn. Thời gian qua, NHNN đã đảm nhiệm khá tốt nhiệm vụ ổn định vĩ mô, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như cơ cấu nợ, giảm lãi suất…. Những giải pháp này đã giúp người dân và doanh nghiệp giảm bớt được chi phí tài chính, đồng thời duy trì khả năng tiếp cận nguồn vốn trong giai đoạn khó khăn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ cần có liều lượng phù hợp với thời hạn cụ thể. Các chính sách hỗ trợ, nếu kéo dài có thể bị lạm dụng và gây bất ổn vĩ mô, từ đó lại tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ bên ngoài, đặc biệt là các đợt điều chỉnh tăng lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), trong những tháng cuối năm 2022, NHNN có những đợt điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, tăng biên độ tỷ giá… Ông nhận định như thế nào về sự chủ động và linh hoạt của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá…?
TS. Nguyễn Đức Độ: Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn về thương mại nhưng mức độ mở cửa về tài chính vẫn còn thấp. Đây là điều kiện để Việt Nam có thể kiểm soát được cả lãi suất và tỷ giá ở một mức độ nào đó mà không cần phải thả nổi như một số nước.
Thời gian qua, ảnh hưởng của các biến số như lãi suất, tỷ giá trên thế giới đến Việt Nam có phần không nhỏ mang tính tâm lý đầu cơ, chứ không hẳn là do các mất cân đối mang tính nền tảng. Trong bối cảnh đó, để duy trì sự ổn định về tài chính, tiền tệ, bên cạnh sự chủ động, linh hoạt cũng như nguồn lực sẵn sàng can thiệp, điều quan trọng không kém là sự kiên định của NHNN đối với mục tiêu ổn định vĩ mô. Sự kiên định tạo nên uy tín, niềm tin và đó cũng là một dạng nguồn lực.
Phóng viên: Ông có dự báo như thế nào về những thách thức kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong năm 2023? Để vượt qua những khó khăn, thách thức, cần có những giải pháp như thế nào từ Chính phủ, các bộ, ngành và từ chính các doanh nghiệp?
Đối với các doanh nghiệp nghiệp bất động sản, năm 2023 cũng sẽ là năm khó khăn |
TS. Nguyễn Đức Độ: Năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm không dễ dàng đối với kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể kéo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại. Tiếp theo là áp lực về lạm phát gia tăng. Các khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng là thách thức lớn. Trong khi đó, dư địa để NHNN nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế gần như không còn. Chính sách tài khóa gặp vấn đề về giải ngân đầu tư công.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ không lớn, hiện tượng găm giữ ngoại tệ sẽ giảm dần và NHNN có thể mua USD và bơm thêm VND ra thị trường, từ đó giảm áp lực lên lãi suất.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản, năm 2023 cũng sẽ là năm khó khăn. Các doanh nghiệp khó có thể chờ đợi các gói giải cứu từ Chính phủ, mà sẽ phải chủ động giải quyết vấn đề nợ nần của chính mình bằng cách đàm phán với các trái chủ để cơ cấu nợ hay bán các tài sản để đảm bảo khả năng thanh toán.
Khi các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, ngành Ngân hàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nợ xấu bất động sản có thể gia tăng. Về vai trò của NHNN, tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết nhất hiện nay là phải sớm kiểm soát được lạm phát. Nếu để xảy ra tình trạng lạm phát cao, lãi suất sẽ tăng theo, tín dụng sẽ bị thu hẹp và những điều này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!