Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai các biện pháp để xử lý nợ xấu, nỗ lực sử dụng nguồn lực để xử lý rủi ro song nợ xấu vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng.
Ngày 2/8, tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm “Xử lý nợ xấu – Thực trạng và giải pháp”.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chỉ đạo rất quyết liệt và Quốc hội đã làm việc hết sức tích cực để thông qua và ban hành rất nhiều các luật liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mới đây nhất, từ ngày 1/8, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực.
Trước đó, ngày 1/7, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)… đã có hiệu lực.
Đi cùng đó hàng loạt các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn triển khai các luật mới cũng đã được các cơ quan liên quan trong đó có Ngân hàng Nhà nước ban hành.
“Như vậy có thể thấy, hành lang pháp lý đang dần từng bước được hoàn thiện”, TS. Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài, tình hình kinh tế - xã hội trên toàn cầu và các nước trong khu vực vẫn còn nhiều bất ổn. Điều này kéo theo hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác xử lý nợ nấu.
Trước tình hình đó, các TCTD đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nỗ lực sử dụng nguồn lực để xử lý rủi ro, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tiếp tục có xu hướng gia tăng. Nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các TCTD.
Bên cạnh đó, việc Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tạo ra khoảng trống pháp lý, không có cơ chế cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm, chính quyền địa phương và cơ quan công an không có cơ sở pháp lý hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây.
Theo báo cáo của các TCTD, tính đến cuối tháng 6/2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 4,56%. Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD chiếm tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ.
Đối với khối cho vay tiêu dùng, tình trạng nợ xấu khá đáng lo ngại. Xuất hiện những hội nhóm lôi kéo, bày cho nhau cách bùng nợ, chây ì trả nợ… trên mạng xã hội. Dù bản thân các đơn vị cho vay đã có những biện pháp và sự vào cuộc của cơ quan chức năng song công tác thu hồi nợ đối với nhóm khách hàng này vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, dù các bên đã thực hiện rất quyết liệt, hoạt động thi hành án vẫn còn nhiều vướng mắc, rất nhiều nội dung tranh chấp phức tạp. Do đó, cần thiết phải nêu rõ thực trạng, từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn.
“Ngành Ngân hàng đang rất trăn trở. Đứng trên mọi góc cạnh, cần phải hiểu, chia sẻ với các TCTD”, TS. Nguyễn Quốc Hùng.
Mặt khác, TS. Nguyễn Quốc Hùng cũng chỉ ra rằng, quy định pháp luật có những điểm chưa được đồng bộ, dẫn tới việc tuân thủ các quy định pháp luật, chấp hành các cam kết trong hợp đồng tín dụng của người dân chưa được đảm bảo.
“Hình như khung pháp lý phần nào đó đang bảo vệ người đi vay hơn người cho vay”, TS. Nguyễn Quốc Hùng đặt vấn đề.
Có thể nói, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng.
Thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã có nhiều kiến nghị về vấn đề này lên các cơ quan quản lý bộ, ban, ngành như Bộ Tư pháp, Toà án Nhân dân tối cao, Tổng Cục thi hành án…. Đã có nhiều ý kiến của Hiệp hội được tiếp thu, lưu ý, xem xét, có văn bản trả lời.
Và tọa đàm hôm nay, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng là cơ hội để các bên liên quan thẳng thắn trao đổi chia sẻ, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu trong bối cảnh hiện nay.
Bởi vậy, TS. Nguyễn Quốc Hùng đề nghị đại diện các TCTD tích cực tham gia ý kiến, phản ánh đầy đủ các vướng mắc xảy ra trong thực tiễn tại đơn vị mình đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị xác đáng.