(thitruongtaichinhtiente.vn) - Công nghệ thông minh giúp tối ưu hóa mọi quy trình, phương thức sản xuất, góp phần thúc đẩy giảm chi phí sản xuất, quản lý và điều hành, nâng cao hiệu quả và cải thiện năng suất lao động, nhờ đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sự bùng nổ của internet đã xuất hiện các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh phi truyền thống (công ty/cửa hàng trên facebook, ...) cũng như sự bùng nổ về số lượng và thời gian tức thời của các giao dịch tài chính.
Tại hội nghị chuyên đề Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tổ chức sáng ngày 15/12 bên lề Diễn đàn Cấp cao công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, nhiều ý kiến chuyên gia đề xuất việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa thông minh nhằm thúc đẩy năng suất ngành tài chính, ngân hàng cũng như nâng cao hiệu quả trong quản lý các hoạt động tài chính mới trên nền tảng internet.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam cho rằng, khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống ở khu vực và trên thế giới sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới vào năm 2025. Việc quản lý cho vay tiêu dùng, cho vay thế chấp, cho vay doanh nghiệp SME hoặc thậm chí cho vay thẻ tín dụng… sẽ được số hóa hoàn toàn và áp dụng các mô hình chấm điểm tín dụng mới. Bên cạnh đó, các hoạt động thanh toán sẽ thực hiện qua ví điện tử.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam. Ảnh: Minh Hoàng |
Theo bà Dương, các ngân hàng sẽ nhận thấy sự cần thiết phải đổi mới tư duy chiến lược từ “hạn chế bị ảnh hưởng” sang “chủ động đổi mới” và công nghệ mới hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo đột phá, đáp ứng được nhu cầu ngày càng phức tạp của khách hàng. Tuy nhiên, phương án chuyển đổi ngân hàng số được lựa chọn tùy thuộc vào xu hướng thị trường, định hướng chiến lược phát triển.
Về một số vướng mắc mà các ngân hàng tại Việt Nam gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số, bà Phương cho rằng một số ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới. Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng gặp thách thức về chiến lược công nghệ thông tin.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH FPT Smart Cloud cho biết, một số ngân hàng hàng đầu thế giới đang hoạt động tại Việt Nam đã tự động hóa quy trình khởi tạo khoản vay thông qua việc trích xuất thông tin cần thiết từ ảnh chụp giấy tờ, phân loại và tự động hoàn hiện hồ sơ trên hệ thống theo quy trình. Từ đó khách hàng có thể rút ngắn 80% thời gian chờ đợi. Nhiều ngân hàng Việt Nam cũng đã chú trọng áp dụng tự động hóa trong quy trình hoạt động của mình.
Sơ đồ tự động hóa quy trình khởi tạo khoản vay của một ngân hàng. Ảnh chụp màn hình |
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Quang Vinh, Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, sự bùng nổ của internet, smartphone đã làm thay đổi hành vi mua hàng, có tới 40% khách hàng châu Á thích digital banking và có tới 50% số khách hàng ở tuổi dưới 40 thích digital banking. Tuy nhiên, ông Vinh cũng dẫn phân tích của McKinsey chứng minh việc ra đời của digital banking sẽ tạo ra những rủi ro đáng kể với tác động từ 30 - 50% đối với lợi nhuận, tùy thuộc vào điểm xuất phát và cách phản ứng với các xu hướng này.
Ông Vinh cho rằng, khi ứng dụng công nghệ số để đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ thì vai trò giám sát càng trở nên quan trọng. Để giảm thiếu các nguy cơ tiềm ẩn, các doanh nghiệp đã số hóa việc giám sát trải nghiệm khách hàng trên các kênh để đảm bảo sự đồng nhất và liền mạch. Một trong những giải pháp được áp dụng hiện nay là chăm sóc khách hàng tự động bằng trí tuệ nhân tạo AI (Cyber-Callbot) cơ bản đáp ứng được nhu cầu này.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ sử dụng máy (bot) tương tác tự động với người dùng qua kênh tổng đài thoại, được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) bao gồm: Tổng hợp tiếng nói, nhận dạng tiếng nói và xử lý ngôn ngữ tự nhiên Tiếng Việt. Giải pháp này đáp ứng được 2 yếu tố giám sát hiệu quả mà nhân viên không thể thực hiện được trọn vẹn một cách đầy đủ, kịp thời.