Tuần từ ngày 13-17/4: Lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các phiên

P.V| 20/04/2020 12:23
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thống kê tổng hợp về kinh tế - tài chính tuần từ ngày 13-17/4 vừa được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam công bố cho biết, lãi suất giao dịch trên thị trường liên ngân hàng duy trì xu hướng giảm qua từng phiên.

Cụ thể, lãi suất bằng đồng VND trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục giảm qua hầu hết các phiên ở tất cả các kỳ hạn so với tuần trước. Chốt phiên cuối tuần vào ngày 17/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: kỳ hạn qua đêm là 1,72% (-0,25 điểm%); 1 tuần là 1,95% (-0,37 điểm %); 2 tuần là 2,15% (-0,42 điểm %); 1 tháng là 2,63% (-0,24 điểm %).

Với các giao dịch bằng đồng USD, lãi suất cũng trong xu hướng giảm ở các kỳ hạn qua tất cả các phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần qua, lãi suất USD liên ngân hàng đứng ở mức: kỳ hạn qua đêm là 0,33% (-0,31 điểm %); 1 tuần là 0,52% (-0,37 điểm %); 2 tuần là 0,77% (-0,23 điểm %) và 1 tháng là 1,10% (-0,17 điểm %).

Trên thị trường ngoại tệ, tuần qua, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ qua các phiên. Chốt phiên cuối tuần ngày 17/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.241 VND/USD, tăng trở lại 20 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Tỷ giá mua giao ngay vẫn được NHNN niêm yết ở mức 23.175 VND/USD. Tỷ giá bán được giữ nguyên niêm yết ở mức 23.650 VND/USD.

Tỷ giá liên ngân hàng ít biến động trong tuần vừa qua. Kết thúc phiên ngày 17/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.440 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Còn tỷ giá trên thị trường tự do tuần qua chỉ biến động nhẹ qua các phiên. Chốt phiên ngày 17/4, tỷ giá tự do không thay đổi ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.620 – 23.720 VND/USD.

Trên thị trường mở. Tuần qua, NHNN tiếp tục giảm chào thầu trên kênh cầm cố xuống mức 15.000 tỷ đồng, đều với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất chào thầu giữ ở mức 3,5%. Chỉ có 1 tỷ đồng trúng thầu trên kênh này, trong tuần có 20.837 tỷ đồng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 20.836 tỷ đồng ra thị trường qua kênh cầm cố trong tuần vừa qua, đưa khối lượng lưu hành trên kênh này giảm xuống mức 4.657 tỷ đồng.

NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giữ nguyên ở mức gần 147.000 tỷ đồng. Khối lượng này sẽ bắt đầu đáo hạn từ ngày 20/04/2020.

Với thị trường trái phiếu. Tuần qua Kho bạc Nhà nước huy động thành công 500/3.500 tỷ đồng TPCP gọi thầu (tỷ lệ trúng thầu 14%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm huy động được 300/1.500 tỷ đồng gọi thầu, kỳ hạn 15 năm huy động được 100/1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 100/500 tỷ đồng.

Lãi suất phát hành từng kỳ hạn lần lượt là 2,28%/năm; 2,63%/năm và 3,10%/năm – đồng loạt tăng 0,1% so với phiên trước đấu thầu trước. Vùng lãi suất đặt thầu thấp nhất giảm từ 0,4- 0,6%, trong khi vùng lãi suất đặt thầu cao nhất tăng từ 0,2 – 0,6% tùy từng kỳ hạn so với tuần trước đó.

Tuần từ ngày 13-17/4 cũng là tuần thứ 3 liên tiếp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục khởi sắc, tuy biên độ tăng của các chỉ số vẫn chỉ ở mức khiêm tốn. Chốt phiên cuối tuần ngày 17/4, VN-Index đứng ở mức 789,60 điểm, tăng 31,66 điểm (+4,18%) so với phiên cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,28 điểm (+4,03%) lên 110,46 điểm; UPCOM-Index tăng 1,53 điểm (+3,02%) lên mức 52,16 điểm. Thanh khoản thị trường tương đương tuần trước đó với giá trị giao dịch đạt hơn 4.900 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh với giá trị hơn 1.258 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Trong tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo kinh tế thế giới suy thoái năm 2020, phục hồi khá mạnh trong năm sau. Cụ thể, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ suy giảm 3,0% trong năm 2020. Nguyên nhân được đưa ra là do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, hiện đang lây lan trên hầu hết các quốc gia và chưa có phương pháp điều trị.

Các nước phát triển chịu sự suy thoái mạnh nhất khoảng 6,1%. Trong đó, các cường quốc kinh tế lớn như Mỹ, Đức, Anh và Nhật Bản suy giảm lẩn lượt ở mức 5,9%; 7,0%; 6,5%; và 5,2%. Các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển được dự báo ít tiêu cực hơn, GDP của nhóm này chỉ suy giảm nhẹ 1,0% trong năm 2020. Điểm sáng của khu vực này là hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo tăng trưởng nhẹ trong năm 2020, lần lượt ở mức 1,0% và 1,9%.

IMF dự báo sang năm 2021 GDP toàn cầu hồi phục khá mạnh ở mức 5,8%. Các nước Mỹ, Đức, Anh, Nhật đều ghi nhận tăng trưởng dương, lần lượt ở mức 4,7%; 5,2%; 4,0%; 3,0%. Trung Quốc một lần nữa được dự đoán tích cực với mức tăng trưởng ấn tượng 9,2% trong năm sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuần từ ngày 13-17/4: Lãi suất liên ngân hàng giảm ở hầu hết các phiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO