Sáng ngày 30/3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”. Hội thảo do Ban Khoa học của Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương (NHTW) phối hợp cùng các Chi đoàn: Viện Chiến lược Ngân hàng, Thời báo Ngân hàng, Vụ Thanh toán, Hiệp hội Ngân hàng và Sở Giao dịch tổ chức.
Dự hội thảo, về phía Đoàn khối các cơ quan trung ương có: đồng chí Nguyễn Thành Công, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban phong trào Đoàn khối các cơ quan trung ương.
Về phía lãnh đạo các đơn vị, vụ, cục Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có các đồng chí: Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện chiến lược NHNN; Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN; đĐoàn Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin NHNN; Trần Trung Thượng, Phó Tổng biên tập Thời báo ngân hàng; Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm đào tạo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Về phía Đoàn Thanh niên NHTW có các đồng chí: Trần Long, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đoàn Thanh niên NHTW; Đào Minh Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí Thư Đoàn Thanh niên NHTW; Nguyễn Trung Anh, Bí Thư Chi đoàn Thanh niên Vụ Thanh toán.
Các diễn giả khách mời của hội thảo đến từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Công ty CP Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY).
Dự hội thảo còn có các đồng chí đoàn viên đại diện các cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn NHTW.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Bí Thư Đoàn Thanh niên NHTW Đào Minh Thắng cho biết: Đoàn Thanh niên NHTW đã xác định công tác đoàn và phong trào thanh niên gắn với các nhiệm vụ chuyên môn là một trong những công tác trọng tâm xuyên suốt nhiệm kỳ 2022-2027.
Thực hiện Chương trình công tác Đoàn, hưởng ứng tháng Thanh niên năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”, được sự đồng ý của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, Đoàn thanh niên Ngân hàng Trung ương tổ chức buổi hội thảo khoa học với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng”.
Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh ngành Ngân hàng luôn phải đối mặt với những cú sốc, bất định đến từ thị trường tài chính tiền tệ trong nước và thế giới. Từ đó, nhu cầu nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức mới rất cần thiết, đặc biệt đối với các đoàn viên thanh niên là chuyên viên tham mưu chính sách. Hoạt động hội thảo khoa học là hoạt động thường xuyên, liên tục có tính định kỳ của Đoàn NHTW, đồng thời là một diễn đàn khoa học vừa giúp đoàn viên thanh niên có thể trao đổi kiến thức mới, kiến thức chuyên môn cũng như cơ hội để thể hiện khả năng diễn thuyết, trình bày, đặt câu hỏi và lắng nghe để hoàn thiện kỹ năng phục vụ công việc chuyên môn và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị mà Ban lãnh đạo NHNN và các đơn vị đã giao.
Đặc biệt, nội dung về chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là nội dung cần thiết, trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành Ngân hàng trong thời gian tới. Trong đó, kinh tế số là xu hướng tất yếu mang lại cơ hội phát triển vượt bậc cũng như những rủi ro, thách thức nếu không thể nắm bắt và nguy cơ tụt hậu so với kinh tế thế giới. Đoàn viên là thế hệ trẻ, thế hệ tiên phong, có khả năng nắm bắt thông tin công nghệ tốt nhất. Vì vậy phải là lực lượng tiên phong, xung kích trong ngành Ngân hàng để nắm bắt xu thế chuyển đổi số.
Chia sẻ tại Hội thảo, Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hoà cho biết: Trong chiến lược Khoa học công nghệ của Chính phủ ban hành, tiêu chí đặt ra là đến năm 2030, 40% các đơn vị, ngành, lĩnh vực phải có đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng đã tiên phong trong nhiều lĩnh vực nên đã thống nhất mức độ đổi mới sáng tạo từ nay đến năm 2030 đạt được tối thiểu là 80%. Điều này cho thấy sự kỳ vọng lớn về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với ngành Ngân hàng.
Tại Hội thảo, Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán Nguyễn Trung Anh trình bày tham luận với chủ đề “Vai trò của Ngân hàng Trung ương trong chuyển đổi số ngành Ngân hàng”. Theo đó, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt với thay đổi nhanh hiện nay, công nghệ đột phá và đổi mới sáng tạo là mệnh lệnh chiến lược để các tổ chức tài chính tồn tại, cạnh tranh hiệu quả.
Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán Nguyễn Trung Anh cho biết, trong 2 năm qua, lĩnh vực công nghệ ngân hàng đã có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên, ngành Ngân hàng cũng hứng chịu một số tác động từ số hóa sâu rộng như: rủi ro an ninh mạng (Cyber risk) gia tăng; rủi ro bất ổn tài chính, bảo vệ người tiêu dùng; giảm sử dụng tiền mặt, giảm giao dịch kênh vật lý; đòi hỏi đối xử chính sách, yêu cầu quy định quản lý đối với những vấn đề mới.
Dẫn kết quả Khảo sát 2020 của EIU, 66% giám đốc ngân hàng cho rằng, các công nghệ mới sẽ tiếp tục ảnh hưởng lớn đến ngành Ngân hàng trong 5 năm tới so với 42% năm 2019. Để chuyển đổi số thành công, các ngân hàng cần triển khai công nghệ mới nhằm tái định hình các mảng kinh doanh, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện năng lực quản lý rủi ro, đơn giản hóa cách thức tạo lập quan hệ khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và khai phá những thị trường mới.
Bí thư Chi đoàn Vụ Thanh toán Nguyễn Trung Anh nhấn mạnh, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu của các tổ chức tín dụng mà cả của NHTW. Từ đó, yêu cầu mới đặt ra cho NHTW là nâng cao khả năng trong điều hành chính sách tiền tệ, ổn định tài chính thông qua ứng dụng dữ liệu, công nghệ số, mô hình kinh doanh, tài sản; đồng thời xây dựng khuôn khổ pháp lý cân bằng giữa đổi mới sáng tạo với cạnh tranh bình đẳng, ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng.
Ưu tiên của NHTW trong kỷ nguyên số:
Xây dựng và nâng cấp hạ tầng CNTT truyền thống (legacy): NHTW cần có chiến lược xây dựng, nâng cấp hạ tầng CNTT bền bỉ, linh hoạt để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.
Tăng cường khả năng đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật: NHTW cần xây dựng những biện pháp mới để nhận diện, bảo vệ hệ thống ngân hàng khỏi các mối đe dọa, tấn công mạng.
Nghiên cứu tiền kỹ thuật số của NHTW (CDBC): sáng kiến mới trong ngành tài chính – ngân hàng trên thế giới để tăng cường khả năng truyền dẫn chính sách tiền tệ, kiểm soát nền kinh tế, đảm bảo vai trò của NHTW cũng như thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới.
Tăng cường khả năng quản trị, kiểm soát rủi ro, kiểm soát nội bộ: Quản trị tốt giúp NHTW đảm bảo tính toàn vẹn và ổn định hệ thống tiền tệ - tài chính quốc gia.
Tăng cường khả năng tuân thủ, giám sát: NHTW cần tăng cường khả năng kiểm tra, giám sát an toàn hoạt động, giám sát vi mô - vĩ mô để đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng.
Với tham luận “Đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong hoạt động của ngân hàng thương mại”, Giám đốc Ngân hàng số TPBank Trần Hoài Nam cho rằng, chiến lược chuyển đổi số - sáng tạo số toàn diện tại TPBank bao gồm 4 trụ cột chính: sản phẩm và dịch vụ; mô hình kinh doanh, tổ chức và vận hành quy trình và cuối cùng là quản trị rủi ro.
Trong đó, công nghệ là “chất xúc tác” quan trọng để chuyển đổi số toàn diện. Cần ứng dụng “Đúng” và ”Đủ” nền tảng công nghệ mới; đầu tư và tối ưu hạ tầng; chuyển đổi số một cách có lộ trình và theo trải nghiệm khách hàng, mục tiêu kinh doanh, tự chủ trong xây dựng và quản trị phát triển các công nghệ lõi.
Ngoài ra, đại diện TPBank nhấn mạnh, thay đổi tư duy con người là “chìa khóa” của chuyển đổi số thành công. Theo đó, định hướng chuyển đổi số sáng – sáng tạo số cần đến từ cấp lãnh đạo cao nhất và lan tỏa cho toàn bộ nhân viên. Từng cá nhân trong ngân hàng đều là các mắt xích quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số. Cần xây dựng đội ngũ quản lý công tác chuyển đổi số chung và lực lượng chuyên trách cho từng Khối Nghiệp vụ. Đồng thời, xây dựng và thúc đẩy văn hóa sáng tạo, liên tục cập nhật các khóa học nền tảng về ngân hàng số và chuyển đổi số vào hệ thống đào tạo, đưa đổi mới số trở thành KPI tới từng cá nhân, đặc biệt là các lãnh đạo.
Đại diện TPBank cũng giới thiệu về các sản phẩm - dịch vụ của ngân hàng trên nền tảng hệ sinh thái số như ChatPay, Nickname (chọn tên riêng hoặc Nickname làm số tài khoản), FacePay, VoicePay, MeZone... nhằm tăng trải nghiệm khách hàng nhờ tính năng chuyển tiền độc đáo, tính tương tác cao, thú vị và độc nhất.
Trong tham luận “Đổi mới sáng tạo - Thực tiễn từ hoạt động của VNPay”, Phó Tổng Giám đốc VNPAY Nguyễn Hữu Phúc đã trình bày tổng quan về xu hướng thanh toán không tiền mặt tại thị trường Việt Nam. Trong đó, 56% người tiêu dùng mang ít tiền mặt hơn và 68% người tiêu dùng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt; 58% khách hàng tin rằng sử dụng thanh toán không tiền mặt sẽ giảm thiểu khả năng lây nhiễm, 50% khách hàng đánh giá việc sử dụng tiền mặt sẽ thuận tiện hơn.
Hiện nay, mức độ tăng trưởng của các loại thanh hình thanh toán không tiền mặt đang phát triển nhanh chóng với 6 hình thức thanh toán số phổ biến, đó là: QR Code (55%), ví điện tử (51%), thanh toán chạm bằng điện thoại (50%), thanh toán chạm bằng thẻ (49%), thanh toán từ/đút chip qua thẻ (48%), thanh toán online bằng thẻ (45%). Có thể thấy, thanh toán số đã trở nên rộng rãi và phổ biến trong đời sống người dân.
Đặc biệt, VNPAY đang tích cực triển khai và cải tiến hệ thống POS hiện đại. Tại Việt Nam, hiện có 4 loại thiết bị POS đó là: POS truyền thống; Mobile POS; SmartPOS và SoftPOS. Trong đó, SoftPOS là ứng dụng độc lập, không cần phần cứng chuyên dụng như máy POS thông thường. Nhìn thấy tiềm năng SoftPOS, VNPAY đã tiến hành xây dựng đội ngũ nghiên cứu và thực hiện công nghệ này. Việc áp dụng công nghệ SoftPOS, số hóa hoàn toàn, kỳ vọng sẽ mang lại công nghệ vượt trội cho người dân Việt Nam, đặc biệt là các điểm kinh doanh nhỏ lẻ ở vùng sâu, vùng xa.
Như giải pháp thanh toán qua thiết bị POS thông thường, SoftPOS cũng có 5 chức năng chính là: thanh toán thẻ không tiếp xúc; tra cứu lịch sử giao dịch; xóa giao dịch; kết toán giao dịch và thêm tính năng hóa đơn điện tử. Trong một quy trình thanh toán, chỉ cần nhân viên bán hàng mở ứng dụng SoftPOS; nhập số tiền thanh toán; yêu cầu chạm thẻ; khách hàng ký tên và nhận kết quả giao dịch qua hóa đơn điện tử.
Với sự linh hoạt và số hóa hoàn toàn, SoftPOS có thể triển khai tại cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ; triển khai thanh toán khi giao hàng; triển khai thanh toán trên phương tiện giao thông công cộng; triển khai thanh toán khi xếp hàng với những lợi ích ưu việt là chi phí thấp do không phải đầu tư thiết bị phần cứng; thanh toán không tiếp xúc tạo trải nghiệm nhanh, an toàn; tiết kiệm hóa đơn giấy do dùng 100% hóa đơn điện tử. Đặc biệt, có thể tích hợp vào ứng dụng, giải pháp khác nhau tạo thành giải pháp tổng thể cho doanh nghiệp.
Đến nay, VNPAY là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam và thứ 22 trên thế giới đạt chứng chỉ an toàn bảo mật (PCI CpoC) cho giải pháp chấp nhận thanh toán thẻ không tiếp xúc.
Sau phần trình bày tham luận, các đoàn viên đã được nghe những chia sẻ hữu ích đến từ lãnh đạo một số vụ, cục, đơn vị của NHNN.
Điểm chung của các chia sẻ đều khẳng định, thanh niên là nòng cốt, nhân tố quan trọng hàng đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Vì thế, thanh niên ngành Ngân hàng cần không ngừng học tập, nghiên cứu, cập nhật kiến thức, hiểu biết về công nghệ mới để thấu hiểu, đánh giá tác động của công nghệ đối với ngành Ngân hàng và lĩnh vực công việc mình phụ trách. Đẩy mạnh học tập, nâng cao trình độ, năng lực để ứng dụng dữ liệu và công nghệ số trong hoạt động quản lý, điều hành, xây dựng cơ chế, chính sách của đơn vị…
Kết thúc Hội thảo, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hoà đã hoan nghênh và đánh giá cao việc Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương tổ chức buổi hội thảo mang tính thời sự, hiệu quả và chuyên nghiệp.
“Với tư cách là đơn vị quản lý hoạt động khoa học trong ngành, tôi khuyến khích Đoàn Thanh niên tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa những hội thảo khoa học như thế này và sẵn sàng hỗ trợ cho Đoàn Thanh niên đẩy mạnh các hoạt động này”, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hoà nhấn mạnh.