Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của giới đầu tư chuyên nghiệp đang ở mức cao nhất 20 năm

Quỳnh Dương| 22/05/2022 15:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Khảo sát của Bank of America (BofA) mới đây cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của các nhà quản lý quỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001 trong bối cảnh tâm lý thận trọng bao trùm khi thị trường đang đối mặt với nhiều rủi ro lớn.

Tờ Bloomberg trích dẫn khảo sát vào đầu tháng 5 của BofA cho thấy, tỷ trọng tiền mặt của các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang đạt mức cao nhất kể từ tháng 9/2001. Cuộc khảo sát được thực hiện với 288 nhà quản lý quỹ với tổng giá trị tài sản 872 tỷ USD. 

Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của các nhà quản lý quỹ hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2001 

Theo đó, giới đầu tư đã bán tháo các loại tài sản và tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đầu tư khi không đặt nhiều kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu và lo ngại lạm phát kỷ lục. BofA lưu ý thêm, mức độ lo ngại lạm phát tại Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2008.

Bên cạnh việc tăng tỷ trọng tiền mặt trong tài khoản, giới đầu tư cũng chuyển hướng dòng tiền sang nhóm cổ phiếu chăm sóc sức khỏe và tiêu dùng, đồng thời, giảm bớt quan tâm đối với nhóm cổ phiếu công nghệ. Ngoài ra, các tài sản của châu Âu và các thị trường mới nổi cũng không còn được yêu thích.

Mặt khác, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đang cực kỳ thận trọng và tính đến “rủi ro đuôi” (tail risk), có thể hiểu là những sự kiện rất hiếm gặp với hậu quả tàn khốc. Họ coi việc các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ là rủi ro chính. Thêm vào đó là suy thoái toàn cầu và lạm phát.

Tháng 3, lạm phát ở Mỹ tăng lên mức kỷ lục 40 năm khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng tới 8,5%. Tháng 4, lạm phát đã chậm lại một chút, nhưng vẫn ở mức cao bất thường với CPI tăng 8,3%.

Hầu hết các nhà quản lý trên thế giới vẫn đang kỳ vọng vào một sự sụt giảm hơn nữa của thị trường chứng khoán. Cuộc thăm dò của BofA cũng cho thấy, “vị thế bán” đối với các cổ phiếu công nghệ của Mỹ đang ở mức lớn nhất kể từ tháng 8/2006. Cổ phiếu công nghệ đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt bán tháo gần đây trong bối cảnh lo ngại về lợi nhuận khi lãi suất tăng.

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã mất hơn 18%. Các chuyên gia của BofA cảnh báo, S&P 500 có thể sẽ tiếp tục giảm trong 6 tháng tới. 

Michael Hartnett, Giám đốc chiến lược đầu tư BofA nhận định, thị trường sẽ dành phần lớn thời gian của năm nay để trải qua "cú sốc lạm phát", "cú sốc lãi suất" và "cú sốc suy thoái", những cú sốc dẫn đến biến động mạnh và thua lỗ. Các động thái tiêu cực có thể kết thúc vào tháng 10/2022, khi S&P sẽ ổn định tại mốc 3000 điểm, tức là so với mức hiện tại, chỉ số này có thể giảm thêm khoảng 25%.

Hartnett cũng không hề lạc quan khi nhắc đến cổ phiếu công nghệ. Ông tin rằng, nhiều cổ phiếu công nghệ đầu cơ sẽ vẫn còn ở trong vùng tiêu cực trong hai năm tới ngay cả khi S&P 500 chạm đáy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tỷ trọng tiền mặt trong danh mục của giới đầu tư chuyên nghiệp đang ở mức cao nhất 20 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO