Ma trận TOWS là một công cụ được phát triển bởi giáo sư người Mỹ của Trường Đại học Harvard - ông Heinz Weirich. Mô hình này là biến thể từ mô hình SWOT. Sự khác biệt chính giữa hai mô hình này là: trong khi mô hình SWOT thì nhấn mạnh vào yếu tố đến từ bên trong trước tiên đó là điểm mạnh và điểm yếu thì mô hình TOWS lại đặt các yếu tố bên ngoài là: thách thức và cơ hội lên trước.
Kinh tế thế giới (KTTG) trong 6 tháng đầu năm tiếp tục gặp khó khăn, khi nền kinh tế lớn tại châu Âu và Bắc Mỹ rơi vào suy thoái, lĩnh vực sản xuất suy giảm hoặc phục hồi yếu; trong khi cuộc xung đột Nga- Ukaraine vẫn chưa có hồi kết .
Ở trong nước, kinh tế Việt Nam đạt được một số kết quả tích cực: hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt, giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh khi chính phủ tiếp tục ban hành nhiều chính sách, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn đối mặt với nhiều khó khăn hơn khi rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu.
Bài viết sau đây sử dụng Ma trận TOWS để nhận diện các thách thức, cơ hội bên ngoài cùng với đó là đánh giá các yếu tố nội tại của ngành Ngân hàng để đề xuất các giải pháp trong hoạt động của ngành trong thời gian tới.
Tổng quan ma trận TOWS
Ma trận TOWS là một công cụ được phát triển bởi giáo sư người Mỹ của Trường Đại học Harvard - ông Heinz Weirich.
Mô hình này là biến thể từ mô hình SWOT. Sự khác biệt chính giữa hai mô hình này là: trong khi mô hình SWOT thì nhấn mạnh vào yếu tố đến từ bên trong trước tiên đó là điểm mạnh và điểm yếu thì mô hình TOWS lại đặt các yếu tố bên ngoài là: thách thức và cơ hội lên trước để từ đó thấy được một bức tranh toàn cảnh của môi trường mà doanh nghiệp đang hoạt động, sau đó là đánh giá những điểm mạnh và điểm yếu của tổ chức; những gì nó đã làm tốt và những gì còn chưa tốt. Từ đó có thể đưa ra được những giải pháp và chiến lược phù hợp.
Mô hình TOWS không chỉ là áp dụng ở tầm vĩ mô cho quốc gia, các bộ ngành, mà ở tầm thấp hơn là các tập đoàn tổng công ty, kế đến là áp dụng ở dưới đơn vị cấp dưới đó là các chi nhánh, các phòng ban và cuối cùng mô hình này cũng có thể áp dụng cho từng cá nhân trong việc định hướng sự phát triển của bản thân.
Đặc biệt sự kết hợp từng cặp các nhân tố theo thứ tự là: S (điểm mạnh) - 0 (cơ hội), O (cơ hội) - W (điểm yếu), S (điểm mạnh) - T (nguy cơ) và T (nguy cơ) -W (điểm yếu) tạo ra một ma trận bốn nhóm giải pháp:
Thứ nhất, nhóm giải pháp tấn công được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm mạnh (S) kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm cơ hội bên ngoài (O) để hình thành nên các giải pháp tận dụng thế mạnh để đón bắt các cơ hội bên ngoài
Thứ hai, nhóm giải pháp phòng thủ được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm mạnh (S) kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) để hình thành nên các giải pháp tận dụng thế mạnh để hạn chế các thách thức bên ngoài.
Thứ ba, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp tấn công được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm cơ hội (O) kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) để hình thành nên các giải pháp chống lại điểm yếu thông qua khai thác cơ hội.
Thứ tư, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp phòng thủ được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm yếu (W) kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) để hình thành nên các giải pháp giảm điểu yếu để né các thách thức bên ngoài.
Bốn nhóm giải pháp này tạo nên một sự khác biệt so với cách xác định giải pháp truyền thống là: đánh giá thực trạng phân tích nguyên nhân và từ nguyên nhân chính là giải pháp. Việc xác định nhóm giải pháp theo cách truyền thống không đánh giá được hai yếu tố còn lại là cơ hội và thách thức, do vậy thiếu tính toàn diện trong việc đánh giá nguyên nhân và xác định giải pháp, đồng thời cách xác định giải pháp theo cách này thường mang tính cảm tính.
Xác định các yếu tố liên quan đến cơ hội, thách thức, điểm mạnh và điểm yếu của ngành Ngân hàng trong giai đoạn hiện nay
Những cơ hội đến từ bên ngoài
Cơ hội 1: Hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt
Hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo số liệu của tổng cục thống kê tính chung 5 tháng đầu năm tăng 12,6% (loại trừ yếu tố giá tăng 8,3%) so với cùng kỳ năm trước và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 nhờ lĩnh vực tiêu dùng, du lịch phục hồi tích cực (doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi doanh thu dịch vụ lữ hành tăng gấp 1,35 lần so với cùng kỳ năm trước).
Cơ hội 2: Giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê với lũy kế 5 tháng, vốn thực hiện đạt 177 nghìn tỷ đồng, bằng 25,5% kế hoạch năm và tăng 18,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 24,9% và tăng 10,8%). Theo cơ chế phân cấp, vốn đầu tư thực hiện do trung ương quản lý ước đạt 33,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,3% kế hoạch năm và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước; 143,4 nghìn tỷ đồng, bằng 25,6% kế hoạch năm và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Điều này có được là nhờ những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, hoạt động đầu tư công, kết quả này là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Những thách thức đến từ bên ngoài
Thách thức 1: Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 5 tháng đầu năm. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội được Tổng cục Thống kê mới công bố tính chung 5 tháng đầu năm, 95.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 88.000 doanh nghiệp (55.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 25.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 7.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thi trường. Điều này do vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh; vấn đề tài chính; đầu vào và đầu ra và lao động
Thách thức 2: Sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn
Chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung 5 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ước giảm 2% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Nguyên nhân chủ yếu do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, lạm phát, lãi suất còn ở mức cao, khiến nhu cầu đầu tư, tiêu dùng suy giảm, tác động tiêu cực đến thương mại và FDI dẫn đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng từ các thị trường XK chủ lực và truyền thống vẫn giảm; làm suy yếu lĩnh vực công nghiệp, sản xuất xuất khẩu.
Điểm tích cực của ngành Ngân hàng
Tích cực 1: Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm
NHNN đã tiếp tục giảm lãi suất điều hành và hạ trần tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng áp dụng từ ngày 16/6 (lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm). Đây là lần thứ tư Ngân hàng Nhà nước quyết định giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế kể từ đầu năm 2023...); tạo cơ sở để các TCTD hạ lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất cho vay cũng giảm khi các các gói tín dụng ưu đãi kích cầu tín dụng tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cho vay có thể có độ trễ từ 1-3 tháng khi các TCTD phải tiếp tục trả lãi suất huy động còn cao theo cam kết đối với các khoản tiền gửi trước đó, nhưng cơ bản đang được tích cực triển khai (kể cả đối với lãi suất các khoản vay hiện tại).
Tích cực 2: Cơ cấu quản trị nội bộ của các ngân hàng đều được định hình một cách rõ nét.
Cơ cấu quản trị nội bộ của các ngân hàng đều được định hình một cách rõ nét theo thống kê của ngân hàng nhà nước, hiện nay toàn hệ thống có 49 ngân hàng với cơ cấu quản trị đã tách bạch được 3 chức năng căn bản đó là: kinh doanh, quản lý rủi ro và tác nghiệp.
Điểm hạn chế của ngành Ngân hàng
Hạn chế 1: Tín dụng tăng trưởng thấp
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Tín dụng luỹ kế 5 tháng đầu năm đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng tương ứng với mức tăng trưởng là 3,17% so với cuối năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 8,09% của 5 tháng đầu năm 2022, điều này cho thấy nhu cầu tín dụng còn rất yếu, mặc dù lãi suất cho vay đã tiếp tục được giảm xuống. Điều này xuất phát từ 3 lý do: các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi và nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó hhăn về pháp lý.
Hạn chế 2: Nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng tăng
Theo Ngân hàng Nhà nước hiện nay tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát, nợ xấu nội bảng khoảng 2,91% và nợ xấu gộp khoảng 5%, số liệu đến tháng 2/2023). Đồng thời, căn cứ báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ cần chú ý (nhóm 2) đã tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ dư nợ vay nhóm 2-5/tổng dư nợ tăng mạnh từ 3,4% trong quý IV/2022 lên 4,4% trong quý I/2023.
Có 8 ngân hàng tăng trưởng nợ xấu nhiều nhất trong quý I/2023; trong số đó chỉ có 2 đơn vị duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3% (lần lượt là 1,76% và 2,02%). Rủi ro nợ xấu này, xuất phát từ môi trường lãi suất và nhiều dự án gặp khó về vấn đề pháp lý, triển vọng ngành bất động sản hiện nay kém tích cực, góp phần tăng nợ xấu chéo sang tín dụng ngân hàng khi có nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ trái phiếu.
Đề xuất các giải pháp cho ngân hàng thương mại dựa vào mô hình TOWS
Căn cứ vào các nhân tố: cơ hội, thách thức, điểm tích cực và hạn chế đã lựa chọn. Tác giả lựa chọn ra các cặp nhân tố sau để áp dụng vào mô hình TOWS nhằm đề ra các nhóm giải pháp cho ngân hàng thương mại trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhóm giải pháp tấn công được hình thành từ việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm mạnh - điểm tích cực (S) đó là mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm cơ hội bên ngoài (O) là hoạt động bán lẻ tăng trưởng tốt để hình thành nên các giải pháp tận dụng thế mạnh để đón bắt các cơ hội bên ngoài đó là: cần nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp gói sản phẩm huy động vốn với cơ chế lãi suất linh hoạt để có thể thu hút được nhiều khách hàng
Thứ hai, nhóm giải pháp phòng thủ được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm mạnh (S) – điểm tích cực: đó là cơ cấu quản trị nội bộ của các ngân hàng đều được định hình một cách rõ nét kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) đó là hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn để hình thành nên các giải pháp nhằm tận dụng thế mạnh để hạn chế các thách thức bên ngoài là tăng cường các giải pháp chỉ đạo xuyên suốt giữa các khối trong ngân hàng (front office, middle office, back office – kinh doanh, rủi ro và tác nghiệp) nhằm đề xuất các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, tạo điều kiện cho hai bên cùng phát triển theo tinh thần win - win
Thứ ba, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp tấn công được hình thành tự việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm cơ hội (O) là giải ngân đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) là sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn để tập trung đưa ra các giải pháp xây dựng các chính sách nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp tham gia vào quá trình giải ngân vốn đầu tư công gặp khó khăn.
Thứ tư, nhóm giải pháp xây dựng điểm mạnh cho giải pháp phòng thủ được hình thành từ việc sử dụng kết hợp một trong các yếu tố thuộc nhóm điểm yếu (W) là tín dụng tăng trưởng thấp kết hợp với một yếu tố thuộc nhóm thách thức bên ngoài (T) hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 5 tháng đầu năm để hình thành nên giải pháp giảm điểm yếu để né các thách thức bên ngoài đó là: xây dựng và triển khai các chính sách sản phẩm tín dụng với lãi suất phù hợp để giúp các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn một cách hợp lý nhất.
Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khó đoán định, với vai trò đầu tàu, điều tiết vốn cho nền kinh tế, ngành Ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng cần xác định cho mình một hướng đi phù hợp, theo hướng hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, các doanh nghiệp thực hiện vào quá trình giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo sự phát triển đồng bộ cho toàn nền kinh tế.
*Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV