(thitruongtaichinhtiente.vn) - Với tâm thế đón đầu và sự chuẩn bị tốt, mỗi Đảng viên Vietcombank sẽ tận dụng được những cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, mang theo mình đủ năm bản sắc văn hóa Vietcombank: Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số”...
Những năm gần đây đi đến đâu cũng thấy người ta nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó không có gì bất ngờ bởi lẽ đó không còn là khẩu hiệu, là lý thuyết xa xôi mà nó đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng ngày của con người, thậm chí có ý kiến cho rằng nó đã trở thành “hơi thở của cuộc sống hiện đại”.
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là kỷ nguyên công nghiệp lớn lần thứ tư kể từ cuộc cách mạng công nghiệp lần đầu tiên từ thế kỷ XVIII, trong đó cụm từ "cách mạng công nghiệp" hàm chứa sự thay đổi lớn lao, không chỉ biến đổi kinh tế mà cả văn hóa, xã hội một cách toàn diện. Đó là cuộc cách mạng số thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
Đảng viên VCB Sở giao dịch Đạt giải Nhì cuộc thi “Đổi mới - Sáng tạo” của VCB |
Bắt kịp xu thế đó, tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng thể hiện rõ quan điểm và đưa ra định hướng phát triển chính sách khoa học và công nghệ. Nhằm nắm bắt và tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0 để phát triển bứt phá, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0. Đây là Nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia CMCN 4.0; là cơ sở lý luận quan trọng để triển khai thực hiện CMCN 4.0 và chuyển đổi số tại Việt Nam.
Mặc dù không nằm trong 9 khu vực/lĩnh vực được đánh giá là chịu ảnh hưởng mạnh nhất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng lĩnh vực ngân hàng cũng có những thay đổi đáng kể:
- Thay đổi kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống từ các chi nhánh, quầy giao dịch, ATM vật lý sang các kênh số hóa và từng bước trở thành ngân hàng số khi hầu hết các giao dịch ngân hàng được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thông qua Internet. Qua đó gia tăng lợi thế cạnh tranh, tiết giảm nhân lực thủ công, giảm chi phí và nâng cao lợi nhuận. Đây là tác động mạnh mẽ và rõ nét nhất của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực ngân hàng.
- Thay đổi mô hình kinh doanh, quy trình nghiệp vụ và phương thức quản trị nhờ sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, trong lĩnh vực ngân hàng, trí tuệ nhân tạo đang được thử nghiệm để nhận dạng thời gian thực và ngăn chặn gian lận trong ngân hàng trực tuyến, trong các quy trình để xác định danh tính khách hàng
- Cải thiện và mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu ngân hàng: Với những ưu việt của công nghệ Big Data về quy mô, tốc độ xử lý việc thu thập và phân tích dữ liệu của ngân hàng trở nên thuận tiện hơn, hỗ trợ ngân hàng đưa ra những quyết định đúng đắn và phù hợp.
- Gia tăng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế của các ngân hàng; Mở ra cơ hội cho các ngân hàng tiếp cận và phục vụ số lượng lớn khách hàng, đặc biệt là khách hàng tại vùng sâu, vùng xa.
Trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, đồng thời bám sát Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng về tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0 đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Vietcombank đã xây dựng Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, cụ thể hóa quan điểm và nhận thức về phát triển ngân hàng số trong xu thế CMCN 4.0. Vietcombank đặt mục tiêu trở thành ngân hàng đứng đầu về ngân hàng số, xác định phát triển ngân hàng số là nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển của Vietcombank trong giai đoạn phát triển mới.
Căn cứ vào mục tiêu đó, Đảng bộ Vietcombank đã thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng, triển khai áp dụng công nghệ trên toàn hệ thống. Đưa vào áp dụng không gian giao dịch công nghệ số Vietcombank Digital Lab, VCBPAY - ứng dụng chuyển tiền nhanh, thanh toán tiện lợi dành cho nhóm khách hàng trẻ, năng động; triển khai thành công Dự án CoreBanking mới; ra mắt VCB Digibank và đang triển khai thực hiện Đề án phát triển công nghệ thông tin đến năm 2020, Dự án Ngân hàng số…
Từ sự thay đổi, đột phá của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mỗi cán bộ cũng như mỗi Đảng viên Vietcombank đều bị tác động mạnh mẽ từ lĩnh vực chuyên môn đến hoạt động Đảng cũng như trong cuộc sống:
*Lĩnh vực chuyên môn:
Với những đột phá về công nghệ, internet, kỹ thuật số… sẽ thay đổi hoàn toàn cách mà con người sống, làm việc, sản xuất; đặc biệt trong lĩnh vực lao động khi máy móc dần thay thế con người. Theo dự đoán, trong một vài năm tới máy móc có thể thay thế khoảng 30% công việc hiện có của nhân viên ngân hàng đặc biệt đối với lao động trình độ thấp và trung bình. Nhưng ở một khía cạnh khác, trong lĩnh vực ngân hàng khi các loại tiền điện tử mới ra đời, công nghệ Blockchain ngày càng được tích hợp thì nhu cầu về công việc mới liên quan đến bảo mật, phân tích, dự báo... sẽ gia tăng.
Công nghệ hiện đại đã tác động đáng kể đến chức năng cũng như hoạt động của ngân hàng truyền thống. Và để đáp ứng được với những sự thay đổi này mỗi Đảng viên Vietcombank phải trở thành những lao động am hiểu về công nghệ và kỹ năng mềm:
- Hiểu biết về công nghệ: Khi ngân hàng áp dụng công nghệ mới điều quan trọng là nhân viên phải hiểu được các khía cạnh chính về công nghệ và cách thức áp dụng. Đồng thời, phải nắm được sự thay đổi của công nghệ trong ngắn hạn và dài hạn.
- Kỹ năng thích ứng, tư duy nhanh nhẹn: đây là chìa khóa giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh trong thời đại công nghệ số.
- Kỹ năng truyền thông: sự gia tăng của các kênh phân phối hiện đại đồng nghĩa với việc cắt giảm các chi nhánh/phòng giao dịch ngân hàng. Khi đó các cam kết hiệu quả với khách hàng là điều cần thiết.
- Kỹ năng quản lý rủi ro: Khi áp dụng số hóa các dịch vụ ngân hàng, phát sinh rất nhiều loại rủi ro mới liên quan đến gian lận nhận dạng tổng hợp, an ninh mạng, tuân thủ quy định. Nếu ngân hàng không hiểu và quản lý được các loại rủi ro này sẽ có khả năng đe dọa sự kiểm soát của ngân hàng đối với trải nghiệm của khách hàng.
- Kỹ năng ra quyết định dựa trên dữ liệu: trong môi trường kỹ thuật số, phân tích dữ liệu là một yếu tố quyết định cho các tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ mục tiêu và xây dựng mối quan hệ khách hàng bền chặt hơn. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có kỹ năng áp dụng và kết hợp phân tích dữ liệu vào việc ra quyết định.
- Kỹ năng thiết kế sản phẩm lấy khách hàng làm trung tâm: công nghệ số tập trung vào khách hàng, cung cấp trải nghiệm khách hàng liền mạch thông qua các kênh khác nhau. Khi đó sản phẩm, dịch vụ phải được thiết kế từ góc độ của khách hàng để góp phần mang lại sản phẩm, dịch vụ với nhiều giá trị hơn cho khách hàng.
* Đối với công tác Đảng:
Song song với các hoạt động chuyên môn, các Đảng bộ cũng phải luôn nghiên cứu và có lộ trình ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới trong hoạt động Đảng để đảm bảo vai trò Đảng lãnh đạo, tiên phong dẫn dường:
- Chuyển đổi mô hình hội họp từ truyền thống sang trực tuyến thông qua các phần mềm tổ chức hội họp từ xa do các doanh nghiệp trong nước uy tín sản xuất như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT…Yêu cầu trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, hoạt động Đảng có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp tiết kiệm được thời gian và các chi phí liên quan.
- Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin: Các Đảng bộ tuân thủ nghiêm túc quy chế quản lý, sử dụng và bảo vệ mạng thông tin của Đảng. Triển khai các hệ thống tường lửa, thiết bị phát hiện xâm nhập trái phép, phần mềm phòng chống virus,… định kỳ rà soát, kiểm tra hệ thống, tập huấn, hướng dẫn các nội dung liên quan tới bảo mật, an ninh, an toàn thông tin.
- Cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn dưới các hình thức, phương thức khác nhau (ưu tiên trực tuyến, có thể dài hoặc ngắn hạn…) với các nội dung kỹ thuật chuyên sâu cho cán bộ kỹ thuật và rèn luyện kỹ năng sử dụng cho các Đảng viên sử dụng các ứng dụng trên mạng thông tin của Đảng và mạng Internet bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
- Xây dựng thư viện Đảng điện tử: Các phần mềm quản lý văn bản của Đảng được kết nối, liên thông một cách thông suốt và có tính hệ thống, văn bản điện tử được gửi, nhận nhanh chóng, an toàn giữa các Đảng bộ. Đồng thời lưu trữ các cơ sở dữ liệu cốt lõi như: Văn kiện Đảng, Văn bản quy phạm pháp luật, Hồ sơ đảng viên, Đề tài khoa học, Đơn thư tố cáo, khiếu nại, Mục lục hồ sơ kho lưu trữ… có phân cấp, phân quyền mục đích là để tạo một mô hình thống nhất, làm căn cứ để các Đảng bộ xây dựng và khai thác các thông tin phục vụ hoạt động Đảng, quản lý và điều hành; tăng cường kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu.
- Xây dựng các Cộng đồng/Diễn đàn của Đảng: Là nhịp cầu để các Đảng viên có thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm công tác, các hoạt động an sinh xã hội, tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ các Đảng viên có hoàn cảnh khó khăn…
* Đối với các hoạt động khác:
Một trong những ảnh hưởng lớn của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đối với cuộc sống hàng ngày của các Đảng viên nói chung, mỗi Đảng viên Viecombank nói riêng đó là sự xuất hiện của mạng xã hội như: Facebook, YouTube, Zalo; Messenger; Instagram….Được hiểu là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Các dịch vụ này có nhiều cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo nhóm (có cùng điểm chung về địa phương, trường học…), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail, số điện thoại…), dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), nghề nghiệp, lĩnh vực quan tâm...
Mạng xã hội đem lại nhiều lợi ích về mặt kết nối bạn bè, kinh doanh hay giải trí, nâng cao nhận thức và năng lực cá nhân, đặc biệt là vấn đề tư tưởng của người dùng như: Mở rộng một số quyền tự do cá nhân; Cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế; Cải thiện và nâng cao một số kỹ năng sống; Bày tỏ cảm xúc, chia sẻ cảm xúc và nắm bắt tâm trạng của nhiều người khác; Có khả năng tạo ra các trào lưu…. Bên cạnh đó mạng xã hội cũng là “con dao hai lưỡi” với những tác hại không nhỏ như: Có thể tiếp cận những thông tin sai sự thật với rất nhiều tin giả (fake news); Bị dẫn dắt, bị lôi kéo; Người dùng bị lừa đảo, bị lợi dụng; Dễ dẫn đến việc say sưa các giá trị ảo; Thúc đẩy xu hướng bạo lực, chỉ trích…
Đối với một số cá nhân việc sử dụng mạng xã hội chỉ là giải trí, nhưng trong cuộc chơi này, không phải là hoàn toàn vô bổ, cũng như không phải hoàn toàn vô hại. Vì thế, người sử dụng cần phải hết sức thận trọng, đặc biệt khi người dùng là Đảng viên thì lại càng phải thận trọng hơn. Thời gian qua, nhiều Đảng viên đã sử dụng các trang mạng xã hội… để đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin, hình ảnh thể hiện quan điểm, ý kiến của mình. Có thể nói đây là một trong những biểu hiện rõ nét nhất của việc tự do, dân chủ đang ngày càng được mở rộng và phát huy ở Việt Nam. Cùng với những người dùng khác, các Đảng viên có thể bày tỏ chính kiến, nguyện vọng, suy nghĩ của mình cũng như đưa các đề xuất, giải pháp về nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, kể cả của Đảng.
Tuy nhiên có một số Đảng viên đưa ý kiến, chia sẻ những bài viết chưa được kiểm chứng, hoặc sai lệch hoặc có dụng ý cá nhân không lành mạnh. Bản thân Đảng viên nói riêng và người đọc nói chung có thể dùng hiểu biết, nhận thức của mình để tự xác định thông tin nào là đúng, thông tin nào là bịa đặt, xuyên tạc. Nếu không rõ đúng sai mà đã dẫn lại, phát tán,…thì đó là thái độ không đúng mực, thậm chí sai trái của Đảng viên.
Để tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, Trung ương đã ban hành Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1/11/2011 “Quy định về những điều đảng viên không được làm” với 19 điều cụ thể, rõ ràng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đã có Hướng dẫn số 03-HD/UBKTTW ngày 15/3/2012 nêu chi tiết về những điều Đảng viên không được làm.
Trước sự phức tạp của mạng xã hội, Đảng bộ Vietcombank đã đưa ra các quy tắc để tạo ra một môi trường lành mạnh, đồng thời bản thân mỗi Đảng viên cũng cần tự lập các quy tắc riêng cho mình:
- Cần thận trọng với những thông tin trên mạng xã hội: Mạng xã hội có chứa tất cả những gì được gọi là “thượng vàng hạ cám”. Ở đó, có những thông tin, hình ảnh, video… quý giá mà chúng ta vô tình đọc và xem được từ bạn bè của mình chia sẻ, từ đó có thể cung cấp cho chúng ta những tư liệu hay hoặc gợi mở để chúng ta tiếp tục tìm hiểu và tìm thấy những thông tin cần thiết, có ích. Thế nhưng, không phải điều gì trên mạng xã hội cũng có thể đáng tin cậy. Có rất nhiều điều chỉ là sự gán ghép vô tội vạ, thiếu trách nhiệm, thậm chí là có ác ý của ai đó, về một cá nhân nào đó. Hoặc có những điều bịa đặt, xuyên tạc với dụng ý chính trị rõ ràng hay đơn giản chỉ là một trò đùa của một người nào đó mà thôi.
- Không trích dẫn, chia sẻ thông tin khi không chắc chắn về độ chính xác: Trước khi chia sẻ, trích dẫn cần xem nguồn gốc của thông tin, tìm hiểu người đưa thông tin; động cơ, mục đích của người đưa thông tin; thông tin đó có lợi cho ai; thái độ của người đăng ra sao…
- Cần suy nghĩ về hậu quả đối với bất kỳ hành vi nào của bản thân: Mỗi status, mỗi bài viết được đăng công khai thì đều cần nghĩ đến hậu quả và tác động của nó.
- Cần bày tỏ thái độ, quan điểm khi cần thiết: Khi tiếp xúc với một bài đăng mà bản thân thấy “có vấn đề” hoặc gây ra xúc cảm nào đó thì không nên lẳng lặng cho qua. Nếu các cán bộ, đảng viên có lẽ không nên chọn giải pháp lẳng lặng như thế, bởi trong một số trường hợp, “im lặng là đồng ý”. Các hình thức biểu thị thái độ tùy theo tính chất của vấn đề và mối quan hệ với chủ nhân thông tin đó có thể lựa chọn là: trao đổi trong tin nhắn riêng về điều mà mình cho là chưa phù hợp; Thể hiện ý kiến ngay bằng các bình luận dưới bài. Tất nhiên, các ý kiến nêu ra cần có sự xác thực và được thể hiện bằng thái độ phù hợp để bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý. Ngoài ra, có thể biểu lội thái độ của mình bằng cách dùng các icon, sticker. Ví dụ khi đọc một bài viết về Bác Hồ, hay gương người tốt việc tốt xúc động, chúng ta có thể “thả tim” để thể hiện sự yêu thích; còn khi đọc một chia sẻ về hành vi sai trái của một người nào đó, ta có thể dùng biểu tượng “phẫn nộ”…
Mỗi Đảng viên là một hình ảnh thu nhỏ của Vietcombank nên những hành động, việc làm của mỗi Đảng viên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu Vietcombank. Chính vì vậy mỗi Đảng viên cần luôn thận trọng trước những việc mình làm đồng thời luôn phấn đấu, không ngừng học hỏi, rèn luyện để trở thành những cán bộ có chuyên môn tốt, tác phong chuyên nghiệp, tận tâm và là những Đảng viên chuẩn mực, nhiệt huyết.
Với tâm thế đón đầu và sự chuẩn bị tốt, mỗi Đảng viên Vietcombank sẽ tận dụng được những cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, mang theo mình đủ năm bản sắc văn hóa Vietcombank: Tin - Chuẩn - Mới - Bền - Nhân sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu “Ngân hàng đứng đầu về chuyển đổi ngân hàng số”, Chiến lược phát triển Vietcombank đến năm 2025 và Tầm nhìn đến năm 2030: phát triển trở thành tập đoàn tài chính đa năng, một trong 50 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu và đóng góp lớn vào sự thịnh vượng của Việt Nam.