Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa

P.V| 09/01/2022 11:56
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 8/1, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào. Ảnh VGP/Quang Thương

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến tham luận, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ năm 2021 nước ta phải đối diện với nhiều khó khăn thách thức. Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư, đã tác động tới mọi mặt đời sống KT-XH đất nước. Trong đó những doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cũng không ngoại lệ.

Tuy nhiên, nhờ có sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, phản ứng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng ghi nhận, trân trọng và tự hào.

Trong những kết quả đó, có sự đóng góp quan trọng của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban. Những kết quả đã đạt được là cơ sở, nền tảng để chúng ta có thể lạc quan và kỳ vọng một bức tranh kinh tế tươi sáng hơn trong năm 2022.

Cơ bản tán thành với những nội dung nêu trong báo cáo và ý kiến tham luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Tuy mới đi vào hoạt động được gần 3 năm, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định tổ chức, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao, ngày càng chuyên nghiệp, trưởng thành.

Trong bối cảnh đất nước chịu tác động rất tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt để vừa ứng phó với dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy kết quả đạt được chưa thực sự đồng đều giữa 19 doanh nghiệp thuộc Ủy ban, nhưng về tổng thể, tổng doanh thu năm 2021 của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 816.015 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2020; tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 34.119 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch; tổng nộp ngân sách ước đạt 62.443 tỷ đồng, vượt 27% kế hoạch. “Đây là kết quả rất lớn, rất đáng ghi nhận”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời các doanh nghiệp thuộc Ủy ban cũng đã tham gia rất tích cực vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 và bảo đảm an sinh xã hội như: Đóng góp, ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 với số tiền 2.565 tỷ đồng; chủ động triển khai nhiều hoạt động từ thiện, chương trình an sinh xã hội góp phần hỗ trợ, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống của người dân; huy động cơ sở vật chất, kỹ thuật, hỗ trợ nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam...

Năm 2021, 19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã đạt được kết quả rất đáng ghi nhận: Tổng lợi nhuận trước thuế vượt 70% kế hoạch; tổng nộp ngân sách vượt 27% kế hoạch. Ảnh VGP/Quang Thương

Theo Phó Thủ tướng, trong năm qua, Ủy ban và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần quan trọng trong đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương,Ủy ban tham mưu cho Chính phủ các giải pháp xử lý phù hợp đối với 5/12 dự án, doanh nghiệp và đưa ra khỏi danh sách Ban Chỉ đạo theo dõi, xử lý.

Ủy ban đã tích cực triển khai sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước.

Ủy ban và các doanh nghiệp cũng đã tích cực trong triển khai thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp không chỉ thực hiện chuyển đổi số để đổi mới phương thức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp mà còn cung cấp các sản phẩm, dịch vụ số cho xã hội.

Một kết quả nữa là Ủy ban đã cơ bản thực hiện tốt công tác tổ chức, nhân sự của Ủy ban và của các Tập đoàn, Tổng công ty. Qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty.

Ủy ban cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, chủ động trao đổi ý kiến, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết công việc của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận và đánh giá cao các kết quả và thành tích quan trọng mà tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban và Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban đã đạt được trong năm 2021 hết sức khó khăn vừa qua.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khẩn trương khắc phục, nhất là về kiện toàn mô hình tổ chức; đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành…

Bày tỏ cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 báo cáo của Ủy ban và các ý kiến tham luận đã nêu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm tới, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn các công việc thuộc thẩm quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty.

Theo đó, Ủy ban cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong việc rà soát các quy định pháp luật còn gây vướng mắc để tập trung tháo gỡ; nghiên cứu, đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của Ủy ban, bảo đảm cho Ủy ban có đầy đủ các quyền hạn tương xứng với trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp và với các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Ủy ban cũng cần khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc thẩm quyền.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, nhất là công tác giám sát tài chính, giám sát đầu tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương. Tiếp tục chỉ đạo, phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty triển khai ý kiến của Bộ Chính trị; đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các doanh nghiệp đã triển khai nhiều dự án đầu tư trọng điểm, có tính kết nối, lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO