Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030

P.V| 13/08/2020 11:43
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong chương trình phiên họp thứ 47, chiều ngày 12/8, với tỷ lệ 100% ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030.

Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết 

Trước đó, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo thẩm tra Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Báo cáo cho biết, qua gần 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản thực hiện được các mục tiêu chiến lược đã đặt ra. Do vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập, định hướng rõ các mục tiêu và các giải pháp nhằm phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, việc xây dựng Chiến lược phát triển cho KTNN giai đoạn tiếp theo là cần thiết và phù hợp với Luật KTNN.

Về thời điểm ban hành: Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, để đảm bảo tính liên tục, kịp thời trong tổ chức và hoạt động của KTNN, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội   xem xét, quyết định ban hành Chiến lược tại phiên họp tháng 8/2020, trên cơ sở đó, KTNN xây dựng kế hoạch triển khai Chiến lược để thực hiện từ năm 2021 là phù hợp.

Đối với nội dung chiến lược phát triển KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, trong giai đoạn 2021-2030, KTNN cần tập trung hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN tạo đầy đủ căn cứ pháp lý cho KTNN thực hiện nhiệm vụ. Việc hoàn thiện hệ thống các quy trình kiểm toán, chuẩn mực KTNN vừa để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng cũng cần phải đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT trong môi trường kiểm toán số.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định rõ cơ sở pháp lý để Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức các hoạt động giải trình về kết quả của các cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện, phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.

Đối với việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN cần cân nhắc để thống nhất đồng bộ với Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính đã xin ý kiến Quốc hội và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 10/2020. Tại dự thảo Luật này, Chính phủ trình Quốc hội không quy định thẩm quyền của KTNN xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN.

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản nhất trí với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, tuy nhiên đề nghị lưu ý: Phát triển nguồn nhân lực là một trong các trụ cột phát triển quan trọng nên cần chú trọng đến việc hoàn thiện và đẩy mạnh cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan Quốc hội, giám sát nội bộ của KTNN nhằm nâng cao phẩm chất, đạo đức cán bộ, kiểm toán viên khi thi hành công vụ; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng lãng phí của kiểm toán viên.

Ngoài ra, trước yêu cầu của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, KTNN cần lưu ý việc tuyển dụng, đào tạo kiểm toán viên, sắp xếp tổ chức, bộ máy đáp ứng việc thay đổi phương thức kiểm toán trong môi trường công nghệ thông tin.

Đối với chiến lược nâng cao chất lượng kiểm toán, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị, KTNN xem xét lại nhận định trong nội dung này khi coi chất lượng kiểm toán là một trong những trụ cột quan trọng trong Chiến lược để tránh tạo ra sự không thống nhất với mục Các trụ cột phát triển đã nêu trước đó (chỉ có 3 trụ cột là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ).

Để nâng cao năng lực kiểm toán quyết toán NSNN, KTNN cần đổi mới phương pháp kiểm toán báo cáo tài chính, cân nhắc triển khai hợp lý số lượng các cuộc kiểm toán toàn diện ngân sách, tiền, tài sản nhà nước với các cuộc kiểm toán chỉ hướng tới mục tiêu kiểm toán tài chính để đánh giá, xác nhận báo cáo tài chính. Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá, chất lượng ý kiến về dự toán NSNN của KTNN còn hạn chế, việc hình thành ý kiến về dự toán chưa thực sự là hoạt động kiểm toán theo đúng nghĩa. Vì vậy, trong Chiến lược, thay vì sử dụng cụm từ “đánh giá dự toán NSNN” nên đổi thành “ý kiến về dự toán NSNN” để đảm bảo thống nhất, đúng với tinh thần của Luật KTNN.

Cũng theo Ủy ban Tài chính-Ngân sách, thời gian qua, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhất là việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh; việc công khai kết quả của các cuộc kiểm toán còn hạn chế. Vì vậy, KTNN cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, phấn đấu đến năm 2025 trên 90% kiến nghị và đến năm 2030 cơ bản các kiến nghị kiểm toán được thực hiện…

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán, Ủy ban Tài chính-Ngân sách lưu ý KTNN cần: bố trí hợp lý nguồn lực, đổi mới phương pháp kiểm toán, rút ngắn thời gian, giảm chi phí kiểm toán; nâng cao chất lượng công tác lập kế hoạch kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; xây dựng, hoàn thiện các quy định, hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán cho tất cả các loại hình kiểm toán, trong đó lưu ý sớm sửa đổi chuẩn mực kiểm toán phù hợp với điều kiện ứng dụng CNTT; xây dựng hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán tương thích với Luật NSNN, Luật kế toán để thuận lợi cho đơn vị được kiểm toán cung cấp thông tin, kiểm toán viên lập Biên bản, Báo cáo kiểm toán và phù hợp, đồng bộ khi KTNN xác định số liệu chênh lệch với số báo cáo.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, Ủy ban cơ bản đồng tình với Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao. Tuy nhiên cần nhấn mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi phương thức kiểm toán trong môi trường kỹ thuật số và phục vụ kiểm soát, điều hành hoạt động kiểm toán. Việc ứng dụng CNTT ngoài việc phục vụ hoạt động kiểm toán còn để công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán.

Về giải pháp thực hiện, Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, Chiến lược cho giai đoạn 10 năm nên chỉ đề cập được mục tiêu và định hướng lớn. Vì vậy để thực hiện Chiến lược, KTNN cần bổ sung giải pháp: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược trong đó nêu lộ trình, nội dung, giải pháp cụ thể thực hiện.

Trên cơ sở các vấn đề đặt ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-  Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban thống nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO