(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa tiến hành biểu quyết thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, với tỷ lệ 100% đại biểu tham dự cuộc họp biểu quyết tán thành. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2022.
Đại biểu tham dự phiên họp biểu quyết thông qua Pháp lệnh |
Tại phiên họp diễn ra ngày 18/8, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Pháp lệnh này ngày 15/8, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận tại phiên họp; đồng thời, gửi dự thảo Pháp lệnh xin ý kiến các cơ quan có liên quan; bảo đảm hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Pháp lệnh trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện dự thảo Pháp lệnh, bổ sung 01 điều quy định về trách nhiệm tổ chức thi hành, chỉnh lý một số điều, khoản cụ thể khác để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tính khả thi và hoàn thiện về kỹ thuật văn bản.
Cơ quan chủ trì soạn thảo, Cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan đều thống nhất. Dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua gồm có 4 chương, 48 điều; so với dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận ngày 15/8/2022 thì tăng thêm 03 điều, chỉnh lý 15 điều. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện, dự thảo Pháp lệnh đáp ứng đầy đủ mục đích, yêu cầu đặt ra.
Qua thảo luận, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đánh giá cao cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 15/8 về nội dung này, đồng thời bày tỏ đồng tình, thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Tư pháp.
Riêng về nội dung liên quan đến việc phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm biện pháp tước quyền sử dụng giấy phép hành nghề luật sư, tuy nhiên đề nghị Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục phối hợp để biên tập quy định này một cách phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với những quy định có liên quan giữa Pháp lệnh này với Nghị định 82.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Ủy ban Tư pháp đã rất khẩn trương, tích cực, cầu thị, nghiêm túc trong việc tiếp thu, giải trình dự án Pháp lệnh này; các nội dung của dự thảo Pháp lệnh cơ bản đạt được sự đồng thuận, thống nhất giữa các cơ quan.
Về nội dung liên quan đến việc phạt vi phạm hành chính đối với luật sư, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng nên biên tập cẩn thận bởi đây là nội dung quan trọng, cần quy định chặt chẽ về thẩm quyền tước và khi nào thì bị tước...?.
Sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và thảo luận một lần nữa về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Pháp lệnh. Tại phiên họp, 100% đại biểu tham gia đã biểu quyết tán thành thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết cũng như các ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Tư pháp tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh để Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thông qua có bố cục gồm 4 Chương, 48 Điều, quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Pháp lệnh nêu rõ, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng. Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 55 đến Điều 68 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển thì người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi biên bản và các tài liệu khác có liên quan cho người có thẩm quyền xử phạt để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 69 đến Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh quy định nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng, việc hủy bỏ hoặc thay thế các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 120 đến Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan. Lực lượng Công an nhân dân đang tham gia bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm buộc người vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ, áp giải theo quyết định của chủ tọa phiên tòa.
Pháp lệnh giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm tổ chức thi hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.