Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU

P.V| 20/11/2020 15:54
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Sáng ngày 20/11, tại Kiên Giang, Báo Lao Động tổ chức Hội thảo “Hiệp định EVFTA: Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU”, để làm rõ bức tranh tổng thể, từ khâu chính sách hỗ trợ của các ban, bộ, ngành đến thực tế tiếng nói từ phía doanh nghiệp, người dân.

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc NHNN, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, đại diện các NHTM, các doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản và bà con nông dân…

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu mở đầu Phiên thảo luận thứ nhất về “Khung chính sách hỗ trợ hình thành vùng nông sản đạt chuẩn EU” của Hội thảo, điểm lại những Nghị quyết quan trọng của Đảng, Chính phủ thể hiện toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hoá thương mại đã và đang là xu hướng phát triển của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức, đầu tiên là chất lượng sản phẩm làm sao đáp ứng thị trường khắt khe như EU. Tiếp đến là làm sao để giá cả cạnh tranh được với hàng hóa của các nước khác.

“Điều này, các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã cùng đưa ra nhiều giải pháp, vào cuộc rất tích cực. Riêng ngành Ngân hàng, chúng tôi đã nhìn thấy câu chuyện cần phải phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp là sống còn, từ trước khi có EVFTA”, Phó Thống đốc NHNN chia sẻ.

Tính đến ngày 17/11/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%); trong đó, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao đạt 27.000 tỷ đồng; nguồn vốn ngân hàng luôn sẵn sàng…

Ngành Ngân hàng đã ban hành, triển khai nhiều chính sách để hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực này, từ chính sách chung về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù, tới chính sách cụ thể về trần lãi suất cho vay (đã được điều chỉnh giảm nhiều lần và hiện chỉ còn 4,5%), chính sách cho vay bằng ngoại tệ để tạo điều kiện cho khách hàng lựa chọn nguồn vốn vay với chi phí phù hợp; gia hạn thời hạn TCTD phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn để bổ sung nguồn vốn trung dài hạn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thông qua tái cấp vốn, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc...

Đặc biệt, NHNN đã ban hành Quyết định số 1575/QĐ-NHNN ngày 4/9/2020 về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm liên quan đến đảm bảo ổn định tiền tệ, tài chính, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong quá trình hội nhập quốc tế; phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện các dịch vụ, tài chính ngân hàng; cung ứng kịp thời, đầy đủ nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng; tăng cường kết nối ngân hàng – doanh nghiệp nhằm gia tăng các cơ hội hợp tác và khai thác các mặt tích cực, lợi ích từ Hiệp định EVFTA nói riêng cũng như các Hiệp định thương mại tự do nói chung…

Việc không ngừng hoàn thiện khung pháp lý cũng như thường xuyên chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua của ngành Ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Vốn tín dụng đã giúp người dân, doanh nghiệp nông nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nêu trên, đến nay đã có trên 80 TCTD và 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn với địa bàn rộng khắp cả nước. Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá, đến cuối tháng 10/2020 ước đạt trên 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Vina T&T cho biết, sau 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, một số doanh nghiệp đã được hưởng những lợi ích đầu tiên. Đặc biệt, nhờ việc ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết, nông dân và doanh nghiệp sẽ có điều kiện nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xuất khẩu để tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn. Chỉ cần phương án kinh doanh của doanh nghiệp tốt, ngân hàng sẽ cho nông dân ở vùng trồng đó vay vốn. Muốn sản lượng được đảm bảo về lâu về dài, giữa nông dân - doanh nghiệp - ngân hàng cần duy trì được mối liên kết.

Sau hơn 3 tiếng cùng lắng nghe những kiến nghị, đề xuất giải pháp từ các chuyên gia, những câu hỏi từ phía nông dân, doanh nghiệp cũng đã được đại diện Bộ, ngành ghi nhận và tiếp thu và trả lời, đặc biệt là qua Hội thảo đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng nguồn lực tài chính, hỗ trợ và khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng cho nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nông, thủy sản để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, đáp ứng đòi hỏi của thị trường xuất khẩu sáng EU, tranh thủ cơ hội từ Hiệp định EVFTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của ngân hàng trong hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu vào thị trường EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO