Chứng khoán

VCB, BID quay lại đỉnh cao lịch sử, tác động lớn đến chỉ số VN-Index

Uyên Tô 29/01/2024 - 10:35

Nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ tiếp tục là trụ cột của thị trường, giúp dòng tiền lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu...

Trái với diễn biến ở tuần trước đó, VN-Index bước vào tuần mới với việc áp lực chốt lời tăng cao khi chỉ số áp sát vùng cản 1.180 điểm. Đà giảm này sau đó liên tục xuất hiện để khiến chỉ số lùi về khoảng trống giá (tương đương mức 1.170 điểm).

Tuy nhiên, điểm tích cực là đà giảm đã chững lại tại mức hỗ trợ này và sự phục hồi tuy chưa thuyết phục nhưng đã diễn ra ở ngày cuối tuần.

Kết tuần, VN-Index giảm 5,83 điểm (-0,49%), đóng ở mức 1.175,67 điểm. Trong tuần, cả 3 nhóm chỉ số vốn hóa ghi nhận biến động trái chiều.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) và nhỏ (VNSML) ghi nhận áp lực chốt lời mạnh khi lần lượt giảm 0,2% và 0,3%.

Ngược lại, nhóm vốn hóa vừa (VNMID) tiếp tục tiến lên với mức tăng 0,26%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 14.091,11 tỷ đồng, giảm 2,76% so với tuần trước.

Thanh khoản 2 tuần trở lại đây đã sụt giảm đáng kể từ mức bình quân 22.000 tỷ đồng/phiên còn 16.000 tỷ đồng/phiên.

Theo CTCK MB (MBS), thanh khoản thấp nhưng dòng tiền vẫn tạo được một số “điểm nóng” riêng lẻ ở một số nhóm cổ phiếu hóa chất, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ hàng không, thép,…

"Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm dịch vụ tài chính như ngân hàng, chứng khoán…. Nổi bật là VCB và BID quay lại đỉnh cao lịch sử sẽ tác động lớn đến chỉ số VN-Index", MBS lưu ý.

Kịch bản dòng tiền tại nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi khối ngoại chuyển sang trạng thái bán ròng với giá trị 239 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cá nhân có tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 784 tỷ đồng. Ngược lại, tổ chức duy trì mua ròng với giá trị đạt 1.023 tỷ đồng.

jdfvkl.jpg

Ở tuần qua, khối ngoại tập trung mua ròng mạnh nhất ở HPG (+289,8 tỷ đồng), HCM (+176,3 tỷ đồng), VCG (+167,4 tỷ đồng)… Ngược lại, bán ròng mạnh ở VNM với giá trị 176,7 tỷ đồng, kế đến là SAB (-174,4 tỷ ), DGC (-159,3 tỷ đồng)…

Nhận định về thị trường tuần này, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể kiểm tra lại mức kháng cự 1.187 điểm.

Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa thể vượt được mức kháng cự 1.187 điểm trong tuần giao dịch tới.

Tuy nhiên, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu kết thúc nhịp điều chỉnh, do đó Yuanta Việt Nam kỳ vọng dòng tiền sẽ đồng thuận hơn trong tuần giao dịch này, tức là dòng tiền sẽ lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tăng nhẹ cho thấy nhà đầu tư đã giảm bi quan hơn so với những phiên giao dịch trước.

"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và hạn chế bán ra trong giai đoạn này", chuyên gia Yuanta Việt Nam cho biết.

Theo đồ thị tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa giảm nhẹ 0,5% so với tuần giao dịch trước đó. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên thị trường có thể sẽ còn xuất hiện các phiên tăng giảm đan xen trong tuần giao dịch tới. Ngoài ra, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

lkzcldc.jpg

Chứng khoán toàn cầu tiếp tục duy trì đà tăng sang tháng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý trong tuần vừa qua là chứng khoán Trung Quốc với mức tăng 2,75%.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã công bố “gói sơ cứu kinh tế” lớn nhất trong 2 năm. Các biện pháp này bao gồm cắt giảm 0,5% trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng, chuyển thành gói bơm thanh khoản khoảng 140 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng, bắt đầu từ ngày 5/2.

Các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo, với tăng trưởng tiếp tục vững nhịp và lạm phát duy trì xu hướng giảm.

Cụ thể, báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ tăng trưởng 3,3% trong quý IV/2023 vừa qua, cao hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 2% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Chỉ số chi tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được FED ưa chuộng - có mức tăng trong tháng 12 ở mức dưới 3% tháng thứ ba liên tiếp.

Sự vững vàng của nền kinh tế Mỹ khiến cho kỳ vọng về thời điểm mà FED bắt đầu cắt giảm lãi suất trở nên khó đoán hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VCB, BID quay lại đỉnh cao lịch sử, tác động lớn đến chỉ số VN-Index
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO