(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật vĩ mô mới nhất, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo lạm phát năm nay của Việt Nam có khả năng vượt ngoài mức mục tiêu 4% của Quốc hội.
Triển vọng kinh tế thế giới kém lạc quan hơn trước các căng thẳng địa chính trị, xung đột leo thang giữa Nga – Ukraine xoáy sâu áp lực lạm phát. Gián đoạn chuỗi cung cung ứng toàn cầu dự báo nối dài sang 2022. Lạm phát tiếp tục leo thang tại nhiều quốc gia khi giá nhiên liệu liên tục tăng.
Tại Việt Nam, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2022 tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017 - 2020.
Theo Tổng cục Thống kê, giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu chịu áp lực tăng theo giá thế giới là nhân tố khiến CPI trong quý vừa qua tăng. Ngược lại, một số nhân tố làm giảm CPI trong kỳ là giá các mặt hàng thực phẩm giảm so với cùng kỳ năm ngoái, giá dịch vụ giáo dục do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí.
VCBS đánh giá trong thời gian tới, nhà điều hành vẫn có trong tay các công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá.
Đối với nhóm lương thực thực phẩm, nhìn chung Việt Nam với thế mạnh nông nghiệp, hoàn toàn có thể chủ động và kiểm soát nguồn cung đi kèm với các chương trình bán hàng bình ổn giá. Chính sách tiền tệ linh hoạt, có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, Chính phủ còn dư địa kiểm soát giá cả của một số loại hàng hóa dịch vụ công.
Mặc dù vậy, rủi ro trong giai đoạn này là việc các xung đột tiếp diễn khiến việc leo thang giá cả chưa thể sớm dừng lại. Lạm phát dự kiến còn tiếp tục tăng trong các tháng tiếp theo khi giá cả hàng hoá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới vẫn ở mức cao và dần có mức phản ánh nhiều hơn vào chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm. Cùng với đó là áp lực lạm phát vòng hai do giá xăng dầu tăng cao. Giá than đầu vào sản xuất điện leo thang tạo áp lực lên giá điện đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa hè. Trong khi đó, cầu tiêu dùng nội địa sẽ hồi phục đáng kể sau đại dịch.
Trong tháng 4, VCBS dự báo CPI nhiều khả năng tiếp đà tăng 0,3 - 0,4% so với tháng trước, tương ứng với mức tăng 2,21 - 2,31% so với cùng kỳ do giá xăng dầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi cuộc xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, mặc dù vậy việc giảm thuế bảo vệ mội trường góp phần làm chậm lại đà tăng giá. Đối với dự báo cho cả năm 2022, VCBS dự báo lạm phát có khả năng vượt ngoài mức mục tiêu 4% của Quốc hội.