Chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, đến nay, làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha lêê, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam ngày càng là điểm đến được nhiều du khách yêu thích bởi định hướng dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững và quan trọng nhất là vẫn giữ được bản sắc văn hóa làng Cơ Tu.
Du lịch cộng đồng ở vùng Ta Lang
Nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, Tây Giang là một huyện miền núi xa xôi nhất của tỉnh Quảng Nam. Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 120km, trong đó có hơn 100km là đường đồi núi với những con dốc cao, quanh co, tuy nhiên Tây Giang lại là điểm đến hấp dẫn du khách, đặc biệt là các bạn trẻ yêu thích khám phá, trải nghiệm bởi nơi đây có nhiều bản làng dân tộc vẫn còn giữ được những nét đẹp văn hoá đặc sắc hình thành qua nhiều thế hệ.
Làng du lịch cộng đồng Ta Lang, xã Bha lêê, huyện Tây Giang tỉnh Quảng Nam chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2019, là một trong những điểm đến được nhiều du khách yêu thích bởi định hướng dựa vào cộng đồng để phát triển du lịch sinh thái, bền vững và quan trọng nhất là vẫn giữ được bản sắc văn hóa làng Cơ tu.
Bên con suối Chơr Lang hiền hòa, làng Ta Lang lưu giữ nhiều dấu ấn văn hóa dân tộc Cơ Tu đặc sắc, tiêu biểu như nghề chế tác và trình diễn các loại hình nhạc cụ dân tộc của cố nghệ nhân Alăng Avel - người đã sáng chế nhiều loại hình nhạc cụ độc đáo như aheen (sáo 3 lỗ), abel (đàn cò)… cùng nhiều loại hình văn hóa khác đang được cộng đồng làng giữ gìn, bảo tồn và phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch.
Điều hấp dẫn du khách khi đến Ta Lang là trải nghiệm được trở thành một phần của cộng đồng Cơ Tu với nghi thức chào đón bằng lễ cầu an và nhập làng trang trọng. Du khách sẽ được thư thái thả mình vào điệu dân ca “Rụm Cây” hay sôi nổi trong điệu múa “Tung tung da dá” dưới ánh trăng huyền ảo, giữa không gian yên tĩnh, lãng mạn của vùng thung lũng nằm giữa núi rừng của thôn Ta Lang.
Ta Lang cũng là lựa chọn cho những du khách ưa khám phá khi được xuôi dòng Ch’Lang bằng bè tre, đắm mình bên thác R’Cung trắng xoá, hay đi bộ 12km đường rừng tìm hiểu đường mòn Hồ Chí Minh cũ còn lại ở Tây Giang, thăm địa đạo Axoò và đạp xe trải nghiệm cung đường Trường Sơn huyền thoại.
Đến đây, du khách còn được trải nghiệm cùng người dân lên rừng hái rau trái rừng, xuống suối bắt tôm cá và đi tìm các loại gia vị đặc biệt làm món Zơ Dá truyền thống của đồng bào Cơ Tu; được tự tay sơ chế và chuẩn bị từ những nguyên liệu sạch của thôn Ta Lang thành những món ăn mang đậm hương vị địa phương dưới mái nhà Gươl đầm ấm.
Phát huy văn hóa bản địa để làm du lịch
Tây Giang có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, với những cánh rừng nguyên sinh quý hiếm nằm trong Sách Đỏ như: rừng lim xanh, rừng pơ mu, rừng hoa đỗ quyên cổ. Đặc biệt, Tây Giang có khí hậu mát mẻ quanh năm, đa dạng về hệ thống sông, suối với nhiều thác ghềnh hoang sơ như: thác R’cung (Bhalêê), thác R’măng (xã Gari).
Làng du lịch sinh thái cộng đồng Ta Lang được Viện Phát triển Du lịch châu Á, Dự án Trường Sơn Xanh do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tài trợ và Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam hỗ trợ chính thức được bàn giao cho cộng đồng làng Ta Lang đưa vào khai thác và phục vụ du khách vào cuối năm 2019. Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng góp phần đánh thức, khôi phục văn hóa Cơ Tu. Đây được xem là hướng phát triển bền vững nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Làng du lịch sinh thái Ta Lang hiện có nhà sàn lưu trú cho khách, quầy lễ tân nơi bán các sản phẩm văn hóa của địa phương. Mỗi không gian nhà lưu trú đều được thiết kế, bố trí mang đậm đặc trưng bản sắc văn hóa của người Cơ Tu. Nếu khách ngủ qua đêm trả phí mỗi người 70 ngàn đồng/đêm; mỗi suất ăn trung bình từ 50 đến 150 ngàn đồng/người.
Với người dân Ta Lang, từ khi làng làm du lịch cộng đồng, sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau như văn hóa làng xưa nay cũng được người làng đem ra ứng xử, đối đãi để đón khách đến với làng. Giá trị, nét độc đáo của Ta Lang chính là văn hóa cộng đồng Cơ Tu còn được lưu giữ tại làng.
Theo chuyên gia Viện Phát triển Du lịch châu Á- Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng đã góp phần đánh thức, khôi phục, khai thác kho báu văn hóa Cơ Tu. Việc kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng một cách khoa học đã đem lại hiệu quả, giúp tạo việc làm, nguồn thu nhập cho cộng đồng. Đây được xem là con đường phát triển kinh tế bền vững giúp nâng cao sinh kế của bà con, góp phần phát triển kinh tế địa phương, giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên hữu hạn từ rừng, hạn chế việc làm nương làm rẫy, săn bắt động vật hoang dã, bảo vệ rừng và khu bảo tồn loài sao la ngày càng tốt hơn, đồng thời quảng bá được nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.