(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt mức 6,96%; tỷ giá sẽ không có biến động nhiều trong năm 2019. Đây là những nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Việt Nam quý II/2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 11/7/2019.
Toàn cảnh buổi công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II/2019 |
Tăng trưởng GDP năm 2019 dưới 7%
Theo đó, VEPR dự báo, tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt mức 6,96% và lạm phát khoảng 3,5%, trong đó tăng trưởng quý III, IV đều trên 7%.
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết đưa ra kịch bản lạc quan khi cho rằng Việt Nam vẫn còn những lợi thế trước sự dịch chuyển của dòng vốn FDI tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Cùng với đó, Việt Nam có lợi thế từ các hiệp định CPTPP và EVFTA sẽ tạo nhiều cơ hội cho tăng trưởng các tháng cuối năm 2019.
TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, Việt Nam khó có thể tăng trưởng cao trong năm 2019. Tăng trưởng kinh tế năm 2019 trong khoảng 6,6 - 6,7% do các động lực tăng trưởng từ nay đến cuối năm đều thấp hơn năm 2018.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại ở mức hơn 7% so với mức hơn 16% cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018. Tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chính như EU, Trung Quốc đều thấp hơn năm trước. Riêng với Mỹ, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, đây là nước Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ thâm hụt thương mại.
TS. Nguyễn Đức Thành: Sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt, điều này sẽ giúp NHNN bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất |
Tỷ giá không biến động nhiều
Về vấn đề tỷ giá, VEPR cho rằng, sức ép từ tiến trình bình thường hóa tiền tệ ở các nền kinh tế lớn trên thế giới đã giảm bớt, điều này sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bớt áp lực hơn trong việc điều hành tỷ giá và lãi suất. Hai vấn đề này sẽ không biến động nhiều trong năm 2019 và có thể đạt trong mức mục tiêu đề ra.
Nhóm nghiên cứu VEPR chỉ ra 3 nguyên nhân: Thứ nhất, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khả năng cao sẽ giảm lãi suất trong tháng 7. Thứ hai, việc các đồng tiền châu Á đang được cho là bị đánh giá thấp so với USD. Thứ ba, Việt Nam nằm trong danh sách cần giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ trong tháng 5/2019. Việc Việt Nam bị giám sát tiền tệ do 2 yếu tố: thặng dư thương mại với Mỹ và thặng dư cán cân vãng lai, đặt NHNN dưới áp lực điều hành tỷ giá linh hoạt, hạn chế chính sách tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế.
Theo TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá đã ổn định hơn so với trước đây. Với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, với việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN cùng với nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung - cầu ngoại tệ cơ bản ổn định. Dự báo từ nay đến cuối năm tỷ giá biến động 1,5-2%.