(thitruongtaichinhtiente.vn) - Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), khu vực hộ kinh doanh (kinh tế cá thể - bao gồm cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) chiếm tỷ trọng 30% trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố báo cáo "Giải pháp thuận lợi hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh cho hộ kinh doanh Việt Nam". Theo VEPR, đến nay, khu vực hộ kinh doanh (kinh tế cá thể - bao gồm cả khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản) đã chiếm một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế (chiếm tỷ trọng tương đối ổn định, bình quân 30% GDP trong gian đoạn 2015-2019). Tuy có xu hướng giảm nhẹ trong 5 năm qua nhưng đến hết 2019, đây vẫn là thành phần kinh tế chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu GDP của toàn bộ nền kinh tế (29,4%).

Một đóng góp quan trọng khác của khu vực hộ kinh doanh là tạo ra công ăn việc làm cho xã hội. Chỉ tính riêng các hộ kinh doanh phi nông nghiệp, tỷ trọng lao động bình quân trong giai đoạn 2015-2019 là 17% tổng lao động cả nước. Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, 9 triệu lao động làm việc tại các hộ kinh doanh là kết quả có ý nghĩa quan trọng trong tình hình sức ép rất lớn về việc làm trong xã hội như hiện nay. Hộ kinh doanh còn giúp tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo trực tiếp cho chính những người sở hữu, quản lý và làm việc ở khu vực này, gián tiếp cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, người nghèo ở cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn.

Hộ kinh doanh khi chưa được coi là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân

Tuy nhiên theo VEPR, khu vực hộ kinh doanh đã thu hút được tỷ lệ cao các lao động có trình độ thấp, chưa qua đào tạo trong khi nhóm lao động này thường có tỷ lệ ít trong khối doanh nghiệp. Ngoài ra, khu vực hộ kinh doanh cũng đã đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước, mặc dù tỷ trọng còn khiêm tốn so với khu vực doanh nghiệp.

Theo báo cáo thống kê sơ bộ được Tổng cục Thống kê công bố, trước khi bùng phát dịch COVID-19 vào đầu năm 2020, cả nước ghi nhận có khoảng 5,37 triệu hộ kinh doanh, cao hơn khoảng 9 lần so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Đây được coi là một khu vực kinh tế quan trọng, đặc biệt trong việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm, với tổng số lao động tham gia trong khu vực này ghi nhận khoảng 9 triệu người trong năm 2019.

Trong khi đó, theo kết quả Tổng Điều tra kinh tế 2017 của Tổng cục Thống kê, tổng số nộp ngân sách nhà nước năm 2017 của khu vực hộ kinh doanh chỉ đạt mức rất khiêm tốn là 12.000 tỷ đồng, bình quân 2,7 triệu đồng/hộ trong khi con số của khu vực doanh nghiệp lần lượt là 861.000 tỷ đồng và 1,7 tỷ đồng/doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm còn hạn chế của khu vực hộ kinh doanh bởi bên cạnh việc quy mô kinh doanh của khu vực này còn nhỏ, hiệu quả chưa cao thì mức đóng góp ngân sách thấp còn xuất phát từ nguyên nhân thất thoát trong việc đánh giá và thu thuế.

Khu vực kinh tế hộ kinh doanh còn tồn tại nhiều điểm hạn chế; việc quản lý hoạt động của các hộ kinh doanh cũng còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề quản lý thuế và các nghĩa vụ khác với xã hội và người lao động. Ở thời điểm hiện tại, việc quản lý đối tượng hộ kinh doanh vẫn chưa có một khung pháp lý cụ thể, cho dù điều này đã được đề cập trong một văn bản pháp lý có từ năm 2006, và được điều chỉnh một vài điều khoản có trong Luật Doanh nghiệp ban hành lần lượt vào các năm 1999, năm 2005, năm 2014 và mới đây nhất là năm 2020.

Do những hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh và do không có pháp nhân nên hộ kinh doanh cũng bị hạn chế hơn trong việc vay vốn ngân hàng, hỗ trợ vốn của các hiệp hội ngành nghề. Ngoài ra, hộ kinh doanh cũng không được phát hành thêm chứng khoán để huy động vốn phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, do hộ kinh doanh không có tư cách pháp nhân và quy mô hoạt động nhỏ nên khả năng tiếp cận thị trường, tiếp cận với công nghệ của hộ kinh doanh cũng còn hạn chế. Theo VEPR, hiện nay, đa số các chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ của Chính phủ đều dành cho khu vực doanh nghiệp. 

VEPR cho biết, những năm gần đây, Nhà nước đã và đang ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nhóm hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, nhưng kết quả không mấy khả quan và không được các hộ kinh doanh đón nhận. Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, hộ kinh doanh cũng như các doanh nghiệp khác chịu vô vàn khó khăn bởi vì các làn sóng dịch COVID-19 tấn công nền kinh tế, cũng như chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Tỷ trọng đóng góp GDP theo các thành phần kinh tế. Nguồn: VEPR

Trong bối cảnh nêu trên, VEPR đã có nghiên cứu đánh giá nhằm xác định những hạn chế, khó khăn trong hoạt động của hộ kinh doanh từ góc độ pháp lý cũng như thực tế hoạt động; lượng hóa mức độ ảnh hưởng của các hạn chế, khó khăn này tới kết quả kinh doanh và khả năng phát triển của các nhóm hộ kinh doanh khác nhau (phân theo quy mô và lĩnh vực hoạt động). Đồng thời, nghiên cứu cũng xem xét những hạn chế về khung pháp lý hiện tại trong việc quản lý hoạt động của hộ gia đình, đăc biệt là trong việc thực hiện nghĩa vụ với xã hội (với ngân sách, với quyền lợi người lao động, ...) của khu vực này. Từ đó, đưa ra những gợi ý về chính sách để các cơ quan quản lý xem xét, có những điều chỉnh cần thiết nhằm hỗ trợ tốt hơn cũng như quản lý hiệu quả hơn với khu vực kinh tế này. ới những chính sách hỗ trợ về công tác quản lý và phát triển kinh doanh. 

VEPR cho rằng, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ hộ kinh doanh nâng cao lợi thế kinh doanh. Đây là yếu tố được đánh giá có tác động mạnh mẽ nhất điến hiệu quả hoạt động kinh doanh của các hộ kinh doanh hiện nay. Mặc dù các hộ kinh doanh có số lượng khá đông nhưng việc kinh doanh vẫn chưa được bài bản và nhiều khi chưa được công khai, minh bạch và chính thức hóa. Điều này sẽ làm giảm lợi thế của họ trong các quan hệ giao dịch trên thị trường. Bên cạnh đó, cần tăng cường các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác;  Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích hộ kinh doanh tiếp cận với các cơ quan quản lý hành chính.

Bởi theo VEPR, hộ kinh doanh khi chưa được coi là đơn vị kinh tế có tư cách pháp nhân, vị thế sẽ kém hơn các doanh nghiệp, do vậy, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các đơn vị quản lý hành chính Nhà nước đề giải quyết các vấn đề họ gặp phải trong quá trình kinh doanh. Ngoài ra, cần mở rộng các chính sách khuyến khích phát triển và hỗ trợ khó khăn cho các hộ kinh doanh trong bối cảnh mới và thúc đẩy và cải tiến các điều kiện khuyến khích, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp kinh doanh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
VEPR: Hộ kinh doanh đóng góp 30% GDP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO