(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong dài hạn, căng thẳng Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục leo thang, đồng nhân dân tệ (CNY) có thể tiếp tục trượt giá và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút dần khỏi thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phía Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm chặn đứng xu hướng chu chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua những nước khác để xuất khẩu vào Mỹ. Trong bối cảnh như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ rất khó khăn.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến và động thái của các nước lớn, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các mối quan hệ kinh tế song phương…
CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC ĐẾN KINH TẾ TOÀN CẦU
Từ ngày 1/8/2019, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu bước sang vòng thứ ba, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp mức thuế lên toàn bộ phần hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump cũng cho rằng, Trung Quốc đang cố tình định giá đồng nhân dân tệ (CNY) ở mức thấp hơn giá trị thực để giành lợi thế thương mại; đồng thời cảnh báo, sẽ áp thuế lên hàng Trung Quốc cho tới khi đạt được thỏa thuận thương mại.
Nguyên nhân cơ bản buộc Mỹ phải sử dụng biện pháp trừng phạt này là do Trung Quốc cố tình kéo dài thời gian và trì hoãn đàm phán với mục tiêu chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020. Ý đồ này của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ nét, sau khi vòng đàm phán thứ 12 tại Thượng Hải vẫn “dậm chân tại chỗ” và Trung Quốc quyết định không mua nông sản của Mỹ như đã hứa. Các quan chức Mỹ cho biết, các nhà đàm phán Trung Quốc đã từ chối cam kết cải thiện luật bảo vệ sở hữu trí tuệ, triệt phá hoạt động buôn bán trái phép chất gây nghiện fentanyl và từ chối mua nông sản Mỹ nhiều hơn cho tới khi một thỏa thuận thương mại toàn diện được ký kết.
Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ - Trung kết thúc hai ngày làm việc tại Thượng Hải với rất ít dấu hiệu tiến bộ, mặc dù cả hai bên đều mô tả đàm phán mang tính xây dựng.
Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ mở các cuộc đàm phán sơ bộ vào cuối tháng 9 này để chuẩn bị cho các cuộc họp vào đầu tháng 10. Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà đàm phán hai bên kể từ khi các cuộc đàm phán đổ vỡ ở Thượng Hải hồi cuối tháng 7, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đánh thuế lên toàn bộ 300 tỷ đô la giá trị hàng hóa còn lại của Trung Quốc. Kể từ đó cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang với việc Trung Quốc đánh thuế trả đũa lên 70 tỷ đô la hàng hóa Mỹ và Tổng thống Trump tăng thuế lên thêm 5% đối với những hàng hóa Trung Quốc đã bị đánh thuế trước đó.
Ngày 5/8, giá Nhân dân tệ trên thị trường đã vượt 7 CNY một USD, lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính 2008. Việc này khiến Bộ Tài chính Mỹ gắn nhãn Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ. PBOC liên tiếp hạ giá nội tệ sau đó. Đến ngày 22/8, giá nhân dân tệ tại Trung Quốc mất 0,15% so với đôla Mỹ, về 7,074 CNY đổi một USD. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2008, cũng là phiên giảm thứ 6 liên tiếp của đồng tiền này.
Ngày 16/9, Trung Quốc tiến hành giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 0,5 % đối với tất cả các ngân hàng. Động thái này được cho là nhằm bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung –Mỹ vẫn đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nước này.
Trong suốt thời gian qua, thị trường chứng khoán toàn cầu luôn bất ổn, nhiều thời điểm sụt giảm giá mạnh giữa lúc những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu. Một lo lắng khác là thị trường trái phiếu đang ra những tín hiệu được cho là cảnh báo tình trạng suy thoái.
CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG CHỈ ĐEM LẠI LỢI ÍCH ÍT ỎI CHO VIỆT NAM
Căng thẳng thương mại đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế Trung Quốc, trầm trọng thêm xu hướng giảm tốc của nền kinh tế này, các hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh đều suy giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay.
Để tránh tác động của cuộc chiến thương mại, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Trung Quốc bắt đầu rục rịch chuyển sang những quốc gia khác, nhất là các nước lân cận. Điều này tạo ra kỳ vọng là Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn từ xu hướng vận động này. Tuy nhiên thực tế là, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chỉ đem lại lợi ích ít ỏi cho Việt Nam, khi các doanh nghiệp có thể bù đắp thiếu hụt hàng hóa trên thị trường Mỹ trong ngắn hạn, nhưng không gây tác dụng tích cực cho nền kinh tế trong dài hạn.
Trong ngắn hạn, một số doanh nghiệp của Việt Nam sẽ hưởng lợi nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, nhất là nhóm các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm lắp ráp đồ điện tử, bán dẫn, da giày, đồ gỗ nội thất. Tuy nhiên, đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường khác, mà Việt Nam là điểm đến quan tâm hàng đầu. Bên cạnh nỗ lực chuyển hướng xuất khẩu này, xu hướng trượt dốc GDP và khó khăn trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải thu hẹp sản xuất và hạn chế nhập khẩu. Do nhu cầu nhập khẩu giảm thấp, các quy định về nhập khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên khắt khe hơn và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiếp tục bị phía Trung Quốc ép giá. Điều này đã được minh chứng rõ nét trong thời gian qua, khi hàng loạt mặt hàng nông sản bị phía Trung Quốc từ chối nhập khẩu, thậm chí đến quả vải xuất sang Trung Quốc cũng bị vặt trụi cuống và lá. Việc CNY sẽ tiếp tục mất giá còn khiến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ thương mại với Trung Quốc sẽ trở nên chật vật hơn. Tuy nhiên, các động thái của Việt Nam nhìn chung vẫn tỏ ra rất thận trọng trước những biến động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cả từ phía các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong nước.
Cho tới nay, tình trạng phụ thuộc vào nhập khẩu các yếu tố đầu vào cho sản xuất đã khiến giá thành sản xuất của phần lớn doanh nghiệp trong nước đều cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong điều kiện như vậy, nhập khẩu để tái xuất khẩu đã trở thành thói quen của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục bắt tay với các doanh nghiệp Trung Quốc để tránh các quy định của Mỹ về thuế quan. Chính những ưu đãi và sự tập trung cho khu vực doanh nghiệp nhà nước đã cản trở các nỗ lực cải cách, dẫn đến sự trì trệ của nền kinh tế và kìm hãm sự phát triển của những khu vực kinh tế khác. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI cũng muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, nhưng chênh lệch quá xa về trình độ chuyên môn, kỹ thuật đã cản trở những nỗ lực này. Cho tới nay, vẫn còn có những chủ trương, chính sách còn chưa sát với thực tiễn doanh nghiệp, thủ tục hành chính còn rườm rà.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; tiếp đến là thị trường EU; Trung Quốc; ASEAN… Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này chứng tỏ, nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đã bước sang giai đoạn mới. Đó là, đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam nhằm gian lận xuất xứ và lách các đòn trừng phạt về thuế. Trong chừng mực nào đó, Mỹ sẽ tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với hàng loạt nhóm hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, mà tiêu chí quan trọng là dựa trên những biến động bất thường về tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc và xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, sau đó mới có thể soi xét tờ khai và giấy chứng nhận xuất xứ sản phẩm. Trước những diễn biến này, phía Mỹ đã cảnh báo sẽ áp đặt mức trừng phạt rất nặng nề về tài chính đối với những doanh nghiệp vi phạm. Cảnh báo này đã được phía Mỹ đưa ra nhiều lần trong thời gian gần đây, nhất là khi nhiều mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ tăng đột biến cùng với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam, đối với các mặt hàng đồ gỗ, may mặc, đến linh kiện điện tử, máy tính ... Ngày 02/7/2019, Bộ Thương mại Hoa Kỳ ra thông cáo sẽ áp mức thuế 456,23% đối với sản phẩm thép chống gỉ và thép cán nguội xuất khẩu từ Việt Nam do có sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ Đài Loan và Hàn Quốc.
Sau thông cáo này và những lùm xùm về vụ gian lận xuất xứ hàng hóa tại công ty Asanzo, Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai các biện pháp thắt chặt quản lý nguồn gốc hàng hóa, Bộ Công thương cũng đã tiến hành xây dựng dự thảo thông tư quy định về sản phẩm và xuất xứ hàng hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là cung cách làm ăn của các doanh nghiệp Việt Nam. Khả năng cải tiến công nghệ để hạn chế sự phụ thuộc vào bên ngoài đòi hỏi phải mất nhiều năm, nên các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục “lối mòn” từ trước đến nay và đối phó bằng cách hạn chế xuất khẩu vào Mỹ đồng thời với việc đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường khác.
Bên cạnh triển vọng không mấy khả quan về hoạt động xuất nhập khẩu, kỳ vọng về dòng vốn FDI của các doanh nghiệp nước ngoài từ Trung Quốc chuyển sang cũng khá mờ mịt, do môi trường kinh doanh tại nhiều nước ASEAN được đánh giá là có tính cạnh tranh vượt trội hơn so với tại Việt Nam. Với diễn biến thị trường như vậy, lợi ích cho Việt Nam không thể tăng cao như mơ tưởng. Nếu xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư này mang lại lợi ích dài hạn cho nền kinh tế, đối tượng hưởng lợi là các doanh nghiệp FDI chứ không phải là các doanh nghiệp Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt 22,63 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 15,74 tỷ USD, chiếm 69,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo đối tác đầu tư, đã có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,63 tỷ USD. Hàn Quốc đứng thứ hai. Singapore đứng vị trí thứ ba. Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt xếp vị trí thứ tư và thứ năm.
Như vậy, lượng vốn FDI từ Trung Quốc đại lục đổ vào Việt Nam đang chiếm 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam, phản ánh tốc độ gia tăng đột biến từ tỷ trọng 8% vào năm 2012 của cả Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cộng lại.
Mặc dù dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh, nhưng nhiều ngành hàng của Việt Nam khó tận dụng được cơ hội này để mở rộng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Trong số này, nhóm hàng dệt may và da giày vẫn không đủ hấp dẫn so với sản phẩm của Trung Quốc, kể cả khi bị Mỹ áp thuế đến 25% đối với những mặt hàng này của Trung Quốc, mà nguyên nhân là do hai ngành sản xuất gia công này của Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Vào thời điểm hiện tại, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung chưa gây tác động đủ lớn để doanh nghiệp phải quyết định chuyển sản xuất sang những nước khác. Thậm chí, dòng vốn FDI vào Trung Quốc vẫn ở mức cao.
VIỆT NAM CẦN HÀNH ĐỘNG
Trong dài hạn, căng thẳng Mỹ - Trung được dự báo sẽ tiếp tục leo thang, CNY sẽ trượt giá sâu và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút dần khỏi thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phía Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhằm chặn đứng xu hướng chu chuyển hàng hóa từ Trung Quốc qua những nước khác để xuất khẩu vào Mỹ. Cùng với Mỹ, quy định của Liên minh châu Âu (EU) và những nước phát triển khác về xuất xứ hàng hóa cũng ngày càng khắt khe. Trong bối cảnh như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó khăn. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần phải tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến và động thái của các nước lớn, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, các mối quan hệ kinh tế song phương…; chủ động thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng dự phòng, sức chịu đựng của nền kinh tế trước các tác động từ bên ngoài, nhất là việc phân tích, đánh giá kỹ các rủi ro, dự báo nguy cơ tiềm ẩn để có giải pháp phù hợp nhằm chủ động đối phó với xu hướng phát triển trên thị trường quốc tế. Bên cạnh yêu cầu về cải thiện môi trường pháp lý, cần nâng cao tính minh bạch về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tăng cường các biện pháp hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho khu vực kinh tế tư nhân, thành lập các cơ quan chuyên trách tại các bộ, ngành với chức năng hỗ trợ doanh nghiệp; thay đổi phương thức giáo dục để học sinh, sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường; mở rộng chi tiêu đào tạo nguồn nhân lực, nhất là các chương trình hợp tác đào tạo với nước ngoài, kể cả với các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.
(Nguồn Tổng cục Thống kê, Bộ Công Thương, Reuters, WS, Journal)