Việt Nam là thị trường cung ứng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Điều này thể hiện rõ khi Việt Nam đang là nguồn cung đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ. Do năng lực sản xuất và xuất khẩu ngày càng lớn, đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, phòng vệ thương mại của thị trường này.
Nhu cầu từ các thị trường chủ lực tăng, mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ Việt Nam trong năm 2024
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,3 tỷ USD, tăng 69,4% so với tháng 2/2024 và tăng 14,1% so với tháng 3/2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 887,1 triệu USD, tăng 87% so với tháng 2/2024 và tăng 13,8% so với tháng 3/2023.
Tính chung 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,54 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực, nhờ nhu cầu từ các thị trường chủ lực tăng.
Dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là thị trường Hoa Kỳ đạt 1,9 tỷ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 482,2 triệu USD, tăng 29,6%; Canada đạt 54,4 triệu USD, tăng 31,7%; Anh đạt 53,5 triệu USD, tăng 28,3%; Úc đạt 34,6 triệu USD, … Nhìn chung, trong 3 tháng đầu năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với 3 tháng đầu năm 2023.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, riêng thị trường này đã chiếm tới 53,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chỉ riêng tháng 3/2024 xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt 702,51 triệu USD, tăng 90% so với tháng 2/2024 và tăng 16,4% so với tháng 3/2023.
“Sự khởi đầu thuận lợi trong những tháng đầu năm, cùng với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp ngành gỗ tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho ngành gỗ của Việt Nam trong năm 2024”, đại diện Cục XNK nhận định.
Dẫn số liệu thống kê của Uỷ ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (USITC), Cục XNK cho biết, trong tháng 2/2024 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ vào Hoa Kỳ đạt 1,75 tỷ USD, tăng 19,7% so với tháng 2/2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đạt 3,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Các rào cản thương mại tại thị trường Hoa Kỳ ngày càng tăng
Theo đại diện Cục XNK, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ tăng đáng kể trong 2 tháng đầu năm 2024 nhờ nhu cầu thị trường tăng và hàng tồn kho giảm. Đáng chú ý, các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đánh giá cao và xác định Việt Nam là thị trường cung ứng mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ quan trọng trên thế giới. Điều đó thể hiện rõ khi Việt Nam đang là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ.
Trong thời gian này, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 40,8% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ. Ngoài thị trường Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2024, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ thị trường Trung Quốc, đạt 607,5 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, nhập khẩu từ các thị trường lân cận như Mexico và Canada đang có xu hướng giảm.
Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp và đồ nội thất văn phòng. Đáng chú ý, những mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ chính mà thị trường này đang có xu hướng tăng nhập khẩu đều là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu những mặt hàng này từ Việt Nam đều tăng trong 2 tháng đầu năm 2024.
Tuy nhiên, Cục XNK cũng lưu ý đến các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt là những doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, do năng lực sản xuất và xuất khẩu ngày càng lớn, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đối mặt nhiều hơn với các vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại của thị trường Hoa Kỳ.
Cùng với đó, Hoa Kỳ cũng đang xem xét ban hành hàng loạt các thay đổi trong điều tra phòng vệ thương mại với xu hướng ngày càng khó khăn cho doanh nghiệp và có khả năng tăng mức thuế trong tương lai.
“Các doanh nghiệp ngành gỗ của Việt Nam cần chủ động tìm hiểu, cập nhập xu hướng mới của thị trường, các tiêu chuẩn và quy định mới của Hoa Kỳ về các mặt hàng gỗ nội thất và ngoại thất, đồng thời chú trọng hơn về tìm hiểu tình hình tài chính của đối tác, lựa chọn khâu thanh toán an toàn có thể duy trì đà tăng trưởng bền vững vào thị trường này trong thời gian tới”, đại diện cục XNK khuyến cáo.