Nghiên cứu - Trao đổi

Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều dư địa cho phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư

Linh Ly 10/03/2023 07:09

Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ về mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nhiệm vụ chung là cùng phối hợp chặt chẽ để tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác giữa hai bên. Cùng tìm kiếm, mở ra những cơ hội hợp tác mới phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên, tạo ra thành quả hợp tác tương xứng với tiềm năng to lớn của Quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản.

1.jpg
ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguồn: MPI

Phóng viên: Năm 2023 là năm Nhật Bản và Việt Nam sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Mối quan hệ hợp tác này đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kể từ ngày 21/9/1973 – ngày Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao tới nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn được đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện.

Đến nay, Nhật Bản là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.

Nhật Bản đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 5.000 dự án đầu tư của Nhật Bản còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD. Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 36 trong tổng số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Hiện đang có 104 dự án của Việt Nam đầu tư sang Nhật Bản với vốn đăng ký là 19,2 triệu USD.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD. Trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Phóng viên: Vốn ODA của Nhật Bản có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Cho đến nay, nguồn vốn viện trợ ODA của Nhật Bản chiếm hơn 30% số vốn viện trợ phát triển song phương dành cho Việt Nam. Kể từ năm 1992 đến nay, sau hơn 30 năm, Nhật Bản đã đưa tới Việt Nam hơn 2.700 tỷ Yên ODA vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và xấp xỉ 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật.

Vai trò quan trọng của vốn ODA từ Nhật Bản với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, thể hiện ở 5 điểm chính sau đây:

Thứ nhất, ODA Nhật Bản để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn (như sân bay, cảng biển, cầu và đường, hạ tầng đô thị…) đã tạo ra động lực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.

Thứ hai, Góp phần hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, qua việc thực hiện các dự án ODA vốn vay và các chương trình đào tạo của JICA. Nhiều công nghệ tiên tiến cũng sẽ được chuyển giao cho Việt Nam như lắp ráp vệ tinh (thông qua dự án Phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất), kỹ thuật xây dựng cầu, đường (đặc biệt đối với các cầu lớn).

Thứ ba, gián tiếp hoặc trực tiếp tạo ra điều kiện thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản.

Đặc trưng ODA Nhật Bản là được sử dụng cho các dự án xây dựng hạ tầng quy mô lớn trong các lĩnh vực quan trọng như phát điện, cấp thoát nước, giao thông vận tải, qua đó cải thiện hạ tầng kinh tế xã hội và có tác động to lớn trong việc thu hút FDI ở Việt Nam.

Thứ tư, trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần xoá đói giảm nghèo. Tác động trực tiếp của viện trợ phát triển Nhật Bản thông qua các dự án phát triển hạ tầng kinh tế quy mô nhỏ, đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện, đường giao thông nông thôn, cầu nhỏ và các công trình cấp nước, điện sinh hoạt tại các địa phương nghèo.

Thứ năm, tác động gián tiếp: Các dự án ODA hạ tầng quy mô lớn góp phần thu hút vốn đầu tư tư nhân trong nước và FDI, tạo công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở khu vực nông thôn; Các dự án viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực y tế, giáo dục cũng như cử tình nguyện viên đến công tác tại các địa phương của Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực cán bộ cấp cơ sở....

Phóng viên: Việt Nam đã tiếp nhận nguồn viện trợ phát triển từ Nhật Bản hơn 30 năm nhưng trong quá trình thực hiện đến nay vẫn có nhiều dự án sử dụng vốn ODA Nhật Bản, chậm tiến độ. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Để thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới, nhất là thực hiện 3 đột phá chiến lược, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài tiếp tục được xác định là cần thiết và quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Theo đánh giá của chúng tôi, nhìn chung định hướng thu hút và sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi của Việt Nam trong giai đoạn tới khá tương đồng với chính sách cung cấp ODA của Nhật Bản; các loại hình cung cấp ODA của Nhật Bản đa dạng như vốn vay, viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật, cung cấp ODA qua bên thứ 3,… phù hợp với nhu cầu tiếp nhận của Việt Nam.

Nhật Bản có khả năng cung cấp vốn vay ODA cho các dự án phát triển hạ tầng quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam, nhất là việc triển khai 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Đúng là bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc đối với một số chương trình, dự án, đòi hỏi hai bên phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết. Hai bên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để xử lý dứt điểm các vướng mắc đối với một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản đang triển khai tại Việt Nam. ​Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự nỗ lực chung, chúng ta sẽ cùng đưa quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của chúng ra là cùng phối hợp chặt chẽ để tiếp tục duy trì và phát triển hợp tác giữa hai bên. Cùng tìm kiếm, mở ra những cơ hội hợp tác mới phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của mỗi bên, tạo ra thành quả hợp tác tương xứng với tiềm năng to lớn của quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.

Chúng tôi cũng muốn đề nghị phía Nhật Bản xem xét, cung cấp những khoản vay lớn, tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho những dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như hạ tầng giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số và y tế.

Với nền tảng quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, với những nhận thức chung lớn đã được thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, cùng với sự đồng lòng nỗ lực của chúng ta, chúng tôi tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác phát triển Việt Nam – Nhật Bản nhất định sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho quan hệ hai nước.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam – Nhật Bản: Nhiều dư địa cho phát triển quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO