Đại diện Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines tiếp tục làm việc với các định chế tài chính để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất.
Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines, mã HVN) và Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 Max với giá trị 10 tỷ USD.
Thông tin với báo chí, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết, Vietnam Airlines đang lập đề án tái cơ cấu tổng thể để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong tương lai và phải tính toán đến chiến lược phát triển đội máy bay trong thời gian tới. Trước đó, ảnh hưởng của địa dịch COVID-19, các hãng bay bị ảnh hưởng nặng nề và cạn kiệt tài chính.
“Theo kế hoạch, lịch nhận và giao máy bay sẽ diễn ra từ năm 2027-2030, có nghĩa là còn 4 năm để Vietnam Airlines chuẩn bị những vấn đề cần thiết tiếp nhận máy bay, kể cả huy động dòng vốn. Đây là dự án lớn nhất mà hãng triển khai thực hiện và vấn đề thu xếp vốn triển khai lập dự án cũng như quyết định chủ trương đầu tư được đặc biệt quan tâm”, ông Hiền nói.
Ông Hiền cũng cho rằng, sau sự kiện này, Vietnam Airlines và Boeing sẽ trao đổi tìm kiếm các cơ hội, giải pháp nguồn vốn phù hợp với năng lực tài chính và khả năng thu xếp của hãng. Vietnam Airlines chắc chắn đảm bảo cân đối một phần nguồn vốn cho dự án này thông qua quá trình tái cơ cấu tổng thể và toàn diện đồng thời kỳ vọng sự phục hồi của lĩnh vực hàng không song song với quá trình triển khai dự án này.
Cũng theo ông Hiền, Vietnam Airlines tiếp tục làm việc với các định chế tài chính khác để tìm kiếm các cơ hội và giải pháp thu xếp vốn cho dự án phù hợp nhất, bao gồm cả giải pháp ngắn và trung, dài hạn, cho khoản tiền trả trước và giải pháp bán và thuê lại máy bay.
Với nhu cầu dòng máy bay thân hẹp, Vietnam Airlines cần bổ sung khoảng 60 máy bay đến năm 2030 và khoảng 100 máy bay đến năm 2035, trong đó có phương án xem xét khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX. Dòng máy bay 737 MAX sẽ giúp Vietnam Airlines đạt tầm bay đến 3.500 hải lý (6.480km) nhằm phục vụ các đường bay quốc tế và khu vực ngày càng đông hành khách.
Đội máy bay của Vietnam Airlines hiện tại có 100 chiếc, trong đó gồm 65 máy bay thân hẹp, khai thác hơn 97 đường bay tới 21 điểm nội địa và 29 điểm đến quốc tế.
Về kết qủa kinh doanh, hiện Vietnam Airlines là doanh nghiệp hiếm hoi niêm yết nhưng chưa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán dù Uỷ ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) nhiều lần ra văn bản “thúc” việc công bố báo cáo tài chính kiểm toán.
Trong báo cáo tài chính năm 2022 tự lập, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 10.369 tỷ đồng, đánh dấu ba năm lỗ liên tiếp. Đồng thời, vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2022 âm hơn 10.199 tỷ đồng.
Nếu báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy Vietnam Airlines vẫn lỗ trong năm 2022 và vốn chủ tiếp tục âm, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết. Trước đó, HoSE cũng đã lưu ý về khả năng hủy niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này.
6 tháng đầu năm 2023, bối cảnh thị trường hàng không phục hồi, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines khả quan hơn với doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; lãi gộp đạt gần 2.900 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ sau thuế 5.237 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 1.331 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.