Viglacera bị Tổng Cục thuế yêu cầu nộp khoảng 11 tỷ đồng tiền phạt và truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp giai đoạn 2018-2022.
Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) vừa công bố thông tin về việc bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế. Theo đó, ngày 12/1/2023, Viglacera nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) do đã có hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp.
Cụ thể, Viglacera bị phạt hơn 1,4 tỷ đồng do kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp từ năm 2018 đến 2022. Đồng thời, cơ quan thuế yêu cầu công ty nộp bổ sung hơn 7,1 tỷ đồng số thuế còn thiếu vào ngân sách. Cùng với đó, Viglacera phải nộp thêm tiền thuế chậm nộp gần 2,5 tỷ đồng. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính và truy thu mà Viglacera phải nộp là hơn 11 tỷ đồng.
Số tiền chậm nộp thuế trên được tính hết ngày 29/12/2023. Viglacera có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ ngày 30/12/2023 đến ngày nộp đủ số tiền thuế truy thu vào Ngân sách Nhà nước theo quy định. Ngoài ra, công ty phải giảm số thuế GTGT còn được khấu trừ chuyển kỳ sau kỳ tính thuế tháng 12/2022 với số tiền hơn 877 triệu đồng.
Theo kết quả kinh doanh sơ bộ công bố mới đây, năm 2023, Viglacera ước đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.593 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn vượt 32% so với kế hoạch. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ ước đạt 1.919 tỷ đồng, vượt 47% so với kế hoạch năm 2023.
Năm 2024, Viglacera đặt mục tiêu tổng doanh thu 13.468 tỷ đồng và lãi trước thuế 1.216 tỷ đồng, giảm 24% so với con số ước tính năm 2023. Theo Viglacera việc đặt mục tiêu lợi nhuận thận trọng hơn trong năm 2024 được đặt trong bối cảnh dự tính kinh tế thế giới sẽ phục hồi chậm và có thể vẫn khó khăn trong nửa đầu năm 2024.
Trong năm nay, Viglacera sẽ tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại trong năm 2023, đồng thời đẩy mạnh triển khai, thực hiện các giải pháp điều hành trọng tâm như tập trung triển khai công tác thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty theo Quyết định của Bộ Xây dựng và Thủ tướng Chính phủ. Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Viglacera là CTCP Tập đoàn Gelex nắm hơn 50% vốn. Bộ Xây dựng còn sở hữu khoảng 38% và đã kế hoạch thoái hết phần vốn này.
Viglacera cũng sẽ tái cơ cấu lại các đơn vị sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, giảm chi phí; tập trung công tác phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; kiểm soát tồn kho và công nợ; tập trung công tác phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh đầu tư nước ngoài...
Đặc biệt, trong lĩnh vực bất động sản, Viglacera sẽ tập trung phát triển kinh doanh các dự án bất động sản khu công nghiệp gắn với xu thế chuyển đổi xanh, gia tăng dịch vụ tiện ích, nâng cao khả năng cạnh tranh; là nguồn lực chính đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thoái vốn của tổng công ty do các nhà đầu tư tài chính rất quan tâm đến mảng hoạt động này.
Bên cạnh đó, công ty sẽ tập trung hoàn thành đầu tư xong và đưa vào kinh doanh khai thác 3.800 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, hưởng ứng chương trình tạo lập mới 1 triệu căn nhà ở xã hội của Chính phủ và Bộ Xây dựng phát động, vừa tạo lợi thế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp. Trong năm 2024, công ty dự kiến sẽ hoàn thành đầu tư 2.180 căn nhà ở xã hội và nhà ở công nhân.