Trước VinFast, một số doanh nghiệp Việt Nam từng “đánh tiếng” về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có VinFast là cái tên đã tiến gần nhất đến mục tiêu này.
Hôm nay (14/8), VinFast và Black Spade dự kiến hoàn tất giao dịch hợp nhất kinh doanh. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast dự kiến sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq vào ngày 15/8.
Trước VinFast, một số doanh nghiệp Việt Nam từng “đánh tiếng” về việc niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ có VinFast là cái tên đã tiến gần nhất đến mục tiêu này.
Sau khi niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, mức định giá của VinFast được dự đoán có thể lên đến 27 tỷ USD. Theo dữ liệu từ Companies Market Cap, không tính VinFast, thế giới hiện chỉ có 12 công ty sản xuất xe điện có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Mức định giá cao sau niêm yết sẽ đưa hãng xe của Việt Nam trở thành công ty lớn thứ 3 trong lĩnh vực sản xuất xe điện, sau Tesla và Li Auto.
Như vậy, “phép thử Mỹ” một lần nữa được VinFast, Vingroup vượt qua.
Thời điểm VinFast vừa nộp hồ sơ đăng ký lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ để phát hành cổ phiếu phổ thông lần đầu ra công chúng (IPO), một số ý kiến quan ngại về tình hình tài chính của VinFast. Thông tin về những vấn đề này, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vingroup, kiêm Tổng giám đốc VinFast từng khẳng định VinFast hoàn toàn tự tin đủ sức khoẻ tài chính để tiến ra thế giới.
Bà Thuỷ cũng cho biết, một khi VinFast đã thành công niêm yết, công ty có thể tiếp tục huy động vốn từ thị trường chứng khoán quốc tế, và việc niêm yết cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng quy mô của VinFast trên thị trường quốc tế.
“Chúng tôi tin rằng việc đạt được các mục tiêu ngắn hạn này sẽ giúp chúng tôi tiếp tục các kế hoạch mở rộng toàn cầu và mang lại giá trị cho các bên liên quan trong dài hạn”, bà Thuỷ nói.
Từ thời điểm VinFast được thành lập năm 2017, đến nay đã gần 5 năm, nhưng câu hỏi vì sao Vingroup làm xe ô tô điện, và vì sao VinFast lại chọn Mỹ mà không phải bất kỳ quốc gia nào khác để đặt bước chân đầu tiên trong hành trình chinh phục khách hàng toàn cầu, vẫn còn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
“Có hai lý do Vingroup làm xe điện”, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup nói tại đại hội đồng cổ đông thường niên Vingroup năm 2023.
“Thứ nhất, đóng góp của Vingroup cho xã hội, đất nước không đơn thuần là kinh doanh, chúng ta có trách nhiệm đóng góp cho đất nước, xây dựng thương hiệu đẳng cấp cao, có sức ảnh hưởng và sự quan tâm trên trường quốc tế. Làm VinFast không đơn giản là kinh doanh kiếm tiền, nếu kinh doanh kiếm tiền không dại gì lao vào công việc khó khăn như vậy. Chúng tôi làm VinFast thể hiện tình yêu với đất nước và không có toan tính gì.
Thứ hai, cách mạng xanh, xe điện là cơ hội rất lớn do đó, định giá VinFast kì vọng không dừng lại ở 23 tỷ USD. Đội ngũ VinFast đang ngày càng vững mạnh với nguồn cảm hứng, sức sáng tạo ngày càng quyết liệt”, ông Vượng nói.
Về lý do chọn thị trường Mỹ, ông Phạm Nhật Vượng từng lý giải, Mỹ giống như một phép thử, nếu vào được thị trường khó nhất thì vào những thị trường khác cũng khá dễ dàng.
Song song với việc sản xuất và vận chuyển xe đến thị trường quốc tế, VinFast cũng liên tục mở rộng mạng lưới kinh doanh trên toàn cầu. Hiện ngoài thị trường Việt Nam, hãng đã mở hơn 30 cửa hàng và xưởng dịch vụ tại Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Hà Lan, sẵn sàng cho việc kinh doanh các dòng xe điện thông minh được xuất khẩu từ Việt Nam.
Bình luận về sự kiện VinFast niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, Vingroup có mục tiêu rất rõ ràng và dám thay đổi đến cùng để đạt được mục tiêu.
Theo ông Minh, khi hướng đến mục tiêu niêm yết VinFast trên sàn Mỹ, tập đoàn đã nỗ lực tìm cách để thực hiện bằng được nó. Điều này được thể hiện qua chiến lược thay đổi mô hình từ xe xăng sang xe điện một cách triệt để. Đến bây giờ VinFast đã ra được thành phẩm và đang dẫn dắt thị trường.