Thứ Năm, 24/4/2025
Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Sau 3 phiên bật tăng mạnh, VN-Index gặp áp lực chốt lời ngắn hạn trong phiên giao dịch hôm nay (15/4). Kết thúc phiên, chỉ số chung điều chỉnh giảm gần 14 điểm.
VN-Index mở cửa phiên sáng giảm gần 9 điểm với sắc đỏ lan tỏa diện rộng. Tuy nhiên, nhờ động lực từ các cổ phiếu vốn hóa lớn quen thuộc trong các phiên gần đây như VIC, VHM, HPG, chỉ số chung dần thu hẹp biên độ giảm và lấy lại sắc xanh. Mặc dù vậy, với sự gia tăng ở diễn biến chốt lời ngắn hạn (tính riêng trong rổ VN30 có 25 mã đỏ), chỉ số chung dần hụt hơi và lùi về vận động giằng co trong sắc đỏ. Thanh khoản tiếp tục giảm cho thấy tâm lý thận trọng hiện hữu trên thị trường.
Quán tính điều chỉnh tiếp diễn trong phiên chiều khi lực cung tiếp tục dâng cao và VN-Index có lúc giảm gần 20 điểm so với tham chiếu với vận động giằng co chủ đạo. Mặc dù chưa thể lấy lại sắc xanh, sự nâng đỡ từ cổ phiếu blue-chips như HPG, VIC, VCB, HVN đã giúp chỉ số chung thu hẹp biên độ điều chỉnh.
Trong bối cảnh sắc đỏ chiếm ưu thế, dòng tiền thể hiện rõ nét hơn sự phân hóa khi tìm đến một số nhóm ngành/cổ phiếu riêng lẻ như nhóm đầu tư công (VCG tăng 2,76%, CTD tăng 4,58%), vận tải biển (HAH tăng 6,67%, VOS tăng 3,02%).
Tại rổ VN30, hai mã giảm sâu nhất gọi tên GVR nằm sàn và BCM giảm 6,6%. Nhiều mã bất động sản khu công nghiệp khác cũng ghi nhận giảm kịch sàn như KBC, SIP, SZC.
Ngược chiều với khối nội, khối ngoại mua ròng nhẹ với tổng giá trị ròng đạt gần 100 tỷ đồng, chủ yếu mua HPG, MWG.
Kết thúc phiên giao dịch, sàn HOSE có 145 mã tăng và 334 mã giảm, VN-Index giảm 13,65 điểm (-1,10%), xuống 1.227,79 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 1,07 tỷ đơn vị, giá trị đạt 24.216,2 tỷ đồng, tương đương cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,6 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.454 tỷ đồng.
Sàn HNX có 38 mã tăng và 136 mã giảm, HNX-Index giảm 4,76 điểm (-2,21%), xuống 210,24 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,7 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.198,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 16,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 137,4 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,73 điểm (-0,80%), xuống 91,03 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 493,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,25 triệu đơn vị, giá trị đạt 37,7 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2504 mất 9,3 điểm, tương đương giảm 0,71% xuống 1.307,7 điểm, khớp lệnh hơn 275.200 đơn vị, khối lượng mở hơn 35.600 đơn vị.
Theo nhận định của CTCK Vietcombank (VCBS), lực cung áp đảo đã khiến VN-Index vận động dao động biên độ hơn 24 điểm trong phiên. Tuy nhiên, việc một số nhóm ngành/cổ phiếu vẫn giữ được sắc xanh cho thấy dòng tiền tiếp tục phân hóa và tìm kiếm các cơ hội đầu tư mới.
Do đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên tận dụng nhịp rung lắc để cơ cấu danh mục theo hướng bán giảm những mã bước vào nhịp điều chỉnh sau khi phục hồi mạnh, đồng thời chọn lọc cổ phiếu không thuộc nhóm bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình thuế quan, duy trì được quán tính hồi phục và có tín hiệu vượt kháng cự thuyết phục cùng lực cầu tham gia tốt để giải ngân thăm dò trong các phiên tiếp theo.