Áp lực chốt lời chiếm ưu thế khiến chỉ số chung rung lắc trồi sụt quanh mốc tham chiếu và đóng cửa giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch hôm nay (18/10).
Nối tiếp đà tăng từ phiên trước, thị trường mở phiên tăng nhẹ với lực cầu chủ yếu đến từ nhóm ngành Ngân hàng. Tuy nhiên sự phân hóa thể hiện rõ ràng khi ở chiều ngược lại, một số cổ phiếu như VPB và CTG đều giảm nhẹ về dưới tham chiếu. Nhóm ngành bán lẻ và thép tiếp tục gặp áp lực chốt lời ngắn hạn. Chỉ số tiếp tục giao dịch lình xình quanh mốc tham chiếu với áp lực bán kìm hãm đà tăng.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán ở nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng giảm mạnh khi các mã như STB bất ngờ bật tăng gần 5%. Sự tích cực lan tỏa sang các mã cổ phiếu trụ ngành Ngân hàng còn lại như VCB và BID kéo chỉ số chung có thời điểm vượt mốc 1.290. Tuy nhiên lực cầu tốt không duy trì được lâu, áp lực bán lại gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngành thép, bán lẻ và điện khiến VN-Index nhanh chóng quay về với sắc đỏ.
Nhóm VN30 phân hóa với 12 mã tăng và 13 mã giảm. Trong đó, STB và HDB là 2 mã tăng tốt nhất, lần lượt tăng 2,7% và 1,5%. Trong khi đó VPB lại giảm sâu nhất trong rổ này khi để mất 1,7%. Đây cũng là các cổ phiếu tác động lớn nhất tới chỉ số chung.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên hôm qua, duy trì ở mức trung bình với giá trị giao dịch cả 3 sàn đạt gần 17.000 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn “miệt mài” bán ròng sang phiên thứ 6 liên tiếp. Giá trị bán ròng hôm nay đạt gần 160 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung bán FUEVFVND, MSB và VHM.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, VN-Index giảm 1,06 điểm (-0,08%), xuống 1.285,46 điểm với 157 mã tăng và 211 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 689 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị đạt 15.385 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 81,2 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.469 tỷ đồng.
HNX-Index giảm 0,91 điểm (-0,40%), xuống 229,21 điểm với 57 mã tăng và 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 66 triệu đơn vị, giá trị 1.136 tỷ đồng, tăng 32% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 36,5 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.015 tỷ đồng.
UPCoM-Index đứng giá tham chiếu với 184 mã tăng và 111 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 37,8 triệu đơn vị, giá trị đạt 437 tỷ đồng, giảm 69% về khối lượng và 77% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,4 triệu đơn vị, giá trị đạt 111,6 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, có 2 hợp đồng giảm, 1 hợp đồng tăng và 1 hợp đồng đứng giá tham chiếu, trong đó VN30F2411 giảm 3,1 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.365,9 điểm, có thanh khoản sôi động nhất với gần 257.600 đơn vị, khối lượng mở gần 41.330 đơn vị.
Thị trường tuần này ghi nhận diễn biến điều chỉnh hồi phục với biên độ gần 30 điểm trong tuần. Cụ thể, sau phiên đầu tuần gặp kháng cự tại mốc 1.300, VN-Index suy yếu và đánh mất nỗ lực chinh phục lại đỉnh cũ do áp lực bán gia tăng. Giao dịch ở các phiên sau cũng dần chậm lại do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư, mặc dù dòng tiền vẫn có sự phân hóa khi tìm đến những cổ phiếu riêng lẻ, tuy nhiên dòng tiền lớn nhìn chung vẫn còn dè chừng tạo ra vận động trồi sụt rung lắc cho thị trường chung.
Nhận định về chiến lược giao dịch trong diễn biến hiện tại, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường vẫn chưa thể bứt phá do thiếu sự đồng thuận và sức mạnh của vùng kháng cự tâm lý 1.300. Các nhịp giằng co rung lắc phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư bị dao động, trong khi dòng tiền cũng thiếu sự lan tỏa.
Chuyên gia VCBS khuyến nghị nhà đầu tư bám sát diễn biến thị trường và có thể tận dụng các nhịp rung lắc để lướt sóng ngắn hạn với các cổ phiếu vẫn đang nhận được sự chú ý của dòng tiền như ngân hàng, chứng khoán.