Chứng khoán

VN-Index lại mất mốc 1.100 điểm, HAG trở thành cổ phiếu cá biệt

Mai Hương 23/10/2023 17:59

Sự hồi phục của thị trường trong ngày thứ Sáu tuần trước chưa đủ sức vực dậy tinh thần của nhà đầu tư. Bối cảnh chứng khoán thế giới cũng chưa ủng hộ cho sự tham gia quyết liệt của dòng tiền.

Định vị thị trường

Sự thiệt hại của thị trường Việt Nam lớn hơn hầu hết các thị trường khu vực trong tuần qua. Nếu tính từ đầu tháng 10, VN-Index và SET của Thái lan là 2 chỉ số giảm sâu nhất với biên độ lần lượt hơn 7% và 8,1%.

Vì vậy, trạng thái hồi phục kỹ thuật phiên ngày thứ Sáu tuần trước đến như một hệ quả tất yếu. Tuy nhiên, để tâm lý nhà đầu tư thực sự thay đổi sẽ cần những câu chuyện có sức nặng và điều này lại khó xảy ra.

Chứng khoán thế giới vẫn đang kém thuận lợi với SHCMP (-1,47%), NIKKEI 225 (-0,83%), TWSE (-1,15%), SET (-1,66%) vẫn đang chịu áp lực khá mạnh.

Chất xúc tác

Biến số tỷ giá cho thấy vận động không đi theo sự lo ngại của một bộ phận nhà đầu tư. Tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết sáng nay ở 24.090 VND/USD, giảm 6 VND so với phiên liền trước.

Hiện chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND thu hẹp rất nhanh sau khi các kỳ hạn ngắn đang liên tục tăng mạnh. Lãi suất qua đêm của VND đã tăng tiếp 60 điểm cơ bản lên 2,15%, tương ứng với mức tăng 40%. Trong ngày thứ Sáu lãi suất này đã tăng gần 80%.

bschutsbv.png

Điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống đã không còn sự dư thừa trong ngắn hạn dù NHNN đã giảm cường độ hút ròng. Tuần qua, NHNN chỉ hút ròng 35.899,7 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên gần 241.600 tỷ đồng.

Trong bối cảnh này, nhà đầu tư ngoại đã có phiên mua ròng thứ 4 liên tiếp. Tuy nhiên, VHM (+1.038 tỷ đồng) vẫn là cổ phiếu có vai trò chủ chốt trong cán cân giao dịch. Nếu loại VHM, thực tế, khối ngoại đã bán ròng tới gần 1.000 tỷ đồng trên HOSE. Đóng góp của khối ngoại chiếm 15% tổng giá trị giao dịch 2 chiều của sàn.

Vận động thị trường

So với phiên thứ Sáu, VHM (0%) đã không tạo ra hiệu ứng lan tỏa tương tự. Bản thân việc cổ phiếu này chỉ đóng cửa ở ngay giá tham chiếu cũng là dấu hiệu rõ nhất để nhà đầu tư trong nước hành động.

Rổ VN30 có 27/30 mã giảm giá với một số mã trụ như GAS (-3,1%), VNM (-2,9%), MSN (-2,5%), VPB (-2,5%), GVR (-3,7%), SAB (-3,1%) gây ra áp lực lên chỉ số và thị trường chung.

Khi không có sự định hướng, rất khó để VN-Index có thể thừa kế được đà hồi phục của phiên ngày thứ Sáu. Chỉ số dành toàn bộ thời gian giao dịch dưới tham chiếu, đóng cửa tại 1.093,53 điểm (-1,31%).

Một loạt nhóm ngành rơi vào trạng thái thiếu lực đỡ trong khi vẫn còn lực bán thoái lui. Tại nhóm Chứng khoán là các cổ phiếu AGR (-4,1%), VIX (-4%), VCI (-3,5%), FTS (-3,1%), VND (-2,8%) còn tại nhóm Bất động sản là NVL (-3,3%), CKG (-2%), NTL (-2,2%).

Khu Công nghiệp với D2D (-2,3%), SZC (-2,1%), VGC (-1,1%) hay Dầu khí với PVD (-1,4%), PVT (-1,8%) đều không tạo sự khác biệt so với mặt bằng chung.

Thị trường thể hiện rõ sự bế tắc của dòng tiền nên có rất ít cơ hội. Chỉ có riêng HAG (+6,87%) được xem là cá biệt sau khi có thông tin ký kết hợp tác toàn diện giữa LPB và HAG. Giá trị giao dịch của HAG đạt 279 tỷ đồng.

Screenshot 2023-10-23 161842.png

Tính chung cả sàn, HOSE tiếp tục khớp dưới mức bình quân 20 phiên. Tổng khối lượng giao dịch của sàn đạt 553,1 triệu đơn vị, tương đương 12.123 tỷ đồng.

Còn HNX-Index và UPCoM-Index giảm lần lượt 0,96% và 0,41%. Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt chưa đến 1.800 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index lại mất mốc 1.100 điểm, HAG trở thành cổ phiếu cá biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO