Chứng khoán

VN-Index mất mốc 1.100 điểm

Mai Hương 19/10/2023 - 16:39

Sau khi đã chọc thủng đường xu hướng dài hạn ở phiên hôm qua, trong phiên hôm nay (ngày 19/10) VN-Index cũng mất tiếp mốc 1.100 điểm trong ngày đáo hạn phái sinh tháng 10.

Định vị thị trường

Tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán châu Á đã kém đi sau khi các nỗ lực hồi phục tỏ ra yếu ớt. Lực bán xuất hiện mạnh hơn khiến NIKKEI 225 (-1,86%), CSI 300 (-2,13%), KOSPI (-1,9%), TWSE (-1,21%), đồng loạt quay đầu giảm mạnh.

Không có được chỗ dựa từ xu hướng khu vực, tâm lý của nhà đầu tư trong nước càng dễ dàng bị sự sợ hãi thúc đẩy hành động bán ra.

index1910aa.png

Trong phiên đáo hạn phái sinh, VN-Index đã bị kéo xuống dưới 1.100 điểm, sau khi đã xuyên thủng MA200 điểm ở phiên hôm qua.

Chất xúc tác

Đợt phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị bước sang tháng thứ 2 và sắp có những tín phiếu được đáo hạn. Dù vậy, can thiệp của NHNN vào đầu cơ chênh lệch lãi suất vẫn đang tiếp diễn. Phiên hôm qua, có 12.025 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 1,0%. Như vậy, NHNN hút ròng 12.025 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 255.700 tỷ đồng.

Mức lãi suất liên ngân hàng qua đêm sáng nay được Refinitiv Eikon công bố là 0,84%, tăng 2 điểm cơ bản so với phiên hôm qua.

Trong khi đó, với việc chỉ số DXY chưa bứt phá khỏi mốc 106 điểm, tỷ giá trong nước cũng ít có biến động đáng chú ý. Sáng nay (ngày 18/10), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.096 VND/USD, tăng 3 đồng so với phiên liền trước.

Sự sợ hãi của nhà đầu tư nước ngoài đã không được thể hiện trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục thể hiện sự bất ổn. Sau phiên mua ròng hơn 500 tỷ đồng trên HOSE, khối ngoại đã giải ngân tiếp 316 tỷ đồng, với các mã: FPT (+80,3 tỷ đồng), STB (+68,28 tỷ đồng), HPG (+51,43 tỷ đồng) được ưu ái nhất.

Vận động thị trường

Phiên hôm nay cũng đồng thời là phiên đáo hạn phái sinh của HĐTL VN30F2310. Với các diễn biến khó lường trước ngày đáo hạn, nhà đầu tư càng dành sự quan tâm nhiều hơn tới rổ VN30. Nhóm này vẫn tỏ ra rất yếu trong việc ổn định niềm tin thị trường. Tới cuối phiên có tới 23/30 mã giảm trong đó các mã: VNM (-3,4%), MSN (-2,8%), VHM (-1,8%), VCB (-1,6%), VIC (-1,4%), đều bị tuột dốc khiến VN30 mất 1,84% xuống 1.104,89 điểm.

Kể cả VPB (-4,7%) cũng khiến các hy vọng của nhiều nhà đầu tư bị đánh gục. Các phiên vừa qua, VPB là cổ phiếu hiếm hoi của rổ VN30 lẫn cả nhóm ngân hàng đã thể hiện được sự kiên cường nhưng kết quả khi đóng cửa, VPB vẫn chốt ngay dưới MA20.

Sự tổn thương của nhà đầu tư trong nước phải được lượng hóa rõ nhất bằng biến động của nhóm cổ phiếu Midcap và Penny. Nhóm đầu tư công dù được kỳ vọng vào kết quả kinh doanh cuối năm do đặc điểm mang tính "mùa vụ"; nhưng một loạt cổ phiếu như: VCG (-4%), HHV (-3,3%), LCG (-6,2%), đã không cho thấy sự phản kháng nào.

Các mã bất động sản, chứng khoán đều bị tâm lý thị trường chi phối khiến: FTS, VCI, CTS, AGR, giảm sàn, trong khi ORS, BSI, VND giảm trên 4%. Hiện nhiều doanh nghiệp ngành chứng khoán đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với số liệu tích cực. Tuy nhiên, việc thanh khoản yếu cùng đợt giảm sâu đang kéo dài khiến cho triển vọng quý IV/2023 của nhóm chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Một số cổ phiếu còn yếu tố hỗ trợ như: Dầu khí, thủy sản, cảng biển, diễn biến không quá xấu nhưng cũng có một vài mã như: IDC (-4,9%), SZC (-3,4%), KBC (-3,3%), ANV (-6,9%), CNG (-3,8%), POS (-4,8%), nằm trong vận động chung của thị trường.

vnindex1910a.jpg

VN-Index sau khi đã xuyên thủng đường MA200 ở phiên hôm qua đã để mất tiếp mốc 1.100 điểm. Chỉ số giảm 15,55 điểm xuống 1.087,85 điểm (-1,41%). Giá trị giao dịch của sàn đạt 13.712 tỷ đồng.

2 chỉ số còn lại cũng đều giảm trên 1%, HNX-Index mất 1,61% còn UPCoM-Index mất 1,11%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn chỉ đạt hơn 2.100 tỷ đồng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index mất mốc 1.100 điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO