Chứng khoán

VN-Index tăng điểm 5 phiên liên tiếp, lượng cổ phiếu có xu hướng tăng ngắn hạn đạt trên 70%

Mai Hương 16/02/2024 17:01

Phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp giúp chỉ số VN-Index tiếp tục vươn xa hơn khỏi ngưỡng 1.200 điểm. Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn vẫn liên tục cải thiện nhanh chóng trên sàn.

screenshot-2024-02-16-161033.png

Định vị thị trường

Chứng khoán châu Á có phiên giao dịch đầy lạc quan với sắc xanh xuất hiện ở một loạt thị trường khu vực như NIKKEI 225 (+0,86%), HSI (+2,48%), SHCMP (+1,28%), SZI (+1,29%), STI (+1,47%), KOSPI (+1,34%) đều tăng điểm.

Chỉ số TWSE (-0,2%) ghi nhận sắc đỏ nhưng không phải là trạng thái bất thường bởi ở phiên giao dịch hôm qua đã có sự bứt phá khá ngoạn mục để lập kỷ lục điểm số mới.

Sự hậu thuẫn tích cực từ khu vực đã giúp cho thị trường Việt Nam có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp. So với các chỉ số kể trên, biên độ tăng là chưa quá nổi bật nhưng trong bối cảnh ngưỡng 1.200 điểm là chướng ngại không dễ dàng để vượt qua thì đây cũng là nỗ lực rất đáng ghi nhận.

Chất xúc tác

Vận động của dòng tiền trên thị trường đang dựa chủ yếu vào nội lực khi nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp trong 5 phiên. Phiên hôm nay, HOSE bị khối ngoại rút ròng gần 400 tỷ đồng trong khi 2 sàn còn lại bị rút ròng chưa đến 10 tỷ đồng.

3ex-2024-02-16.png
Các mã bị khối ngoại bán ra nhiều nhất là VNM (-123 tỷ đồng), STB (-120 tỷ đồng), VND (-84 tỷ đồng).

Tỷ trọng giao dịch của tiền nội duy trì trên 90%, đạt 92,5%. Đồng thời, nhà đầu tư nội vẫn đủ khả năng duy trì mức khớp lệnh cao hơn bình quân 20 phiên.

Các biến số về lãi suất và tỷ giá đầu xuân Giáp Thìn đang vận động cân bằng trở lại, hỗ trợ khá tốt cho dòng tiền nội có sự an tâm trong giao dịch. Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm xuống 1,14% sau khi đã có thời điểm nhảy vọt lên gần 4% giai đoạn trước tết. Còn tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố cũng đang được giữ dưới ngưỡng 24.000 VND/USD.

Vận động thị trường

Thông tin đáng chú ý nhất trong sáng nay là về chỉ đạo của Thủ tướng về giải ngân đầu tư công năm 2024. Theo đó, cả nước dành 657.000 tỷ đồng cho đầu tư công năm 2024, chủ yếu cho hạ tầng giao thông và phấn đấu tỷ lệ giải ngân ít nhất 95%.

Điều này có thể xem là nỗ lực tái khẳng định của Chính phủ trong việc điều hành chính sách tài khóa với đầu tư công được xem là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.

Vận động của các cổ phiếu nhóm xây lắp và vật liệu xây dựng chưa ghi nhận những phản ứng tức thì nhưng hiện các mã như HHV, VCG, LCG, KSB vẫn đang giữ xu hướng tăng ngắn hạn khá tốt.

Thực tế, thị trường chung có chút trùng xuống sau khi đã vượt mốc 1.200 điểm trong phiên giao dịch đầu xuân Giáp Thìn. Các mã ngân hàng đã đóng vai trò nòng cốt trong nỗ lực kéo điểm đều tạm chững lại, ngoại trừ MSB (+1%), ACB (+1,5%) tăng trên 1%.

Lực đẩy của VN-Index đến từ các cổ phiếu nằm ngoài nhóm ngân hàng như GVR (+6,8%), VNM (+3,6%), VIC (+3,3%), BVH (+2,9%), VRE (+2,3%), MSN (+2%) trong đó GVR thậm chí còn tăng trần. Nhìn chung, các cổ phiếu lớn đều thể hiện được ý thức trách nhiệm ngay khi ngân hàng cần có sự nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, sự luân chuyển dòng tiền sang các nhóm ngành là chưa nhịp nhàng bởi các mã đều tăng trong biên độ khá hẹp. Một vài trường hợp như BCG (+4,74%), HAH (+3,11%), HAG (+3,11%) không tăng ấn tượng nhưng vẫn tốt hơn mặt bằng chung.

Độ rộng của sàn có 50% mã tăng giá so với 35,5% mã giảm giá. Chỉ số VN-Index tăng 7,2 điểm lên 1.209,7 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt 18.252 tỷ đồng.

abo20162a.png
Xét về xu hướng, hiện HOSE đã có hơn 70% mã đạt trạng thái tăng ngắn hạn

Trong khi đó, HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa với trạng thái tăng yếu hơn, lần lượt 0,13% và 0,01%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 1.800 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VN-Index tăng điểm 5 phiên liên tiếp, lượng cổ phiếu có xu hướng tăng ngắn hạn đạt trên 70%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO