Rổ VN30 chỉ còn 2 mã tăng trong phiên giao dịch ngày 9/8 khiến phe chốt lời có cơ hội để vươn lên. Dù vậy, độ rộng và biên độ của các cổ phiếu trên thị trường chưa phát đi tín hiệu cảnh báo rõ rệt.
Định vị thị trường
Trước khi có những chính sách kích thích từ Chính phủ, số liệu kinh tế của Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới vẫn đang kém tích cực. Chỉ số CPI của nước này trong tháng 7 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ, trong khi Chỉ số nhà sản xuất (PPI) cũng giảm 4,4%.
Các chỉ số CSI 300 (-0,31%), SHCMP (-0,49%) đóng cửa trong sắc đỏ. Các chỉ số NIKKEI 225 (-0,4%), TWSE (-0,7%) cũng đều giảm theo.
Từ phiên hôm qua, VN-Index đã chững lại và tới hôm nay chỉ số đã đi theo những vận động chung của chứng khoán châu Á. Chỉ số chốt phiên với mức giảm 0,66%.
Chất xúc tác
Sau một khoảng thời gian ngắn tỷ giá hạ nhiệt, các phiên gần đây, câu chuyện này lại thu hút được sự quan tâm khá lớn từ nhà đầu tư. Theo ghi nhận, tỷ giá trung tâm sáng nay được niêm yết ở mức 23.831 VND/USD, tăng mạnh tới 29 đồng so với phiên liền trước.
Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng ghi nhận áp lực tỷ giá gia tăng trong tháng 7 và đầu tháng 8. Theo dự báo của VNDIRECT, tỷ giá có thể biến động mạnh hơn trong nửa sau năm 2023, tuy nhiên, tỷ giá USD/VND sẽ dao động không quá +/- 2,0% so với đầu năm 2023.
Hiệu ứng tỷ giá có thể chưa phản ánh hết vào vận động thị trường bởi phiên điều chỉnh hôm nay, khớp lệnh vẫn đạt trên mức bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, so với phiên hôm qua, thanh khoản đã hụt gần 10%.
Đóng góp của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 6,6% tổng giá trị toàn sàn và khối này đã quay lại mua ròng 338 tỷ đồng sau 2 phiên bán ra liên tiếp. Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất là HPG (+253 tỷ đồng), MSN (+157 tỷ đồng), SGN (+97 tỷ đồng).
Vận động nhóm ngành
Bóng dáng của các cổ phiếu nhóm Vingroup gần như không hiện hữu khi cả VIC (-1,8%), VHM (-3,5%), VRE (-0,3%) đều điều chỉnh.
Đây là diễn biến hoàn toàn bình thường sau nhịp bứt phá mạnh mẽ của nhóm Vingroup nhưng thị trường lại một lần nữa bộc lộ ra những khoảng trống khi các trụ kéo điểm dừng lại hoặc điều chỉnh.
Ngoài nhóm Vingroup, các mã ngân hàng như VCB (-0,6%), BID (-0,9%), CTG (-0,3%), VPB (-0,7%) cũng đều giảm giá. Cả nhóm ngân hàng chỉ ghi nhận sự đột biến của STB (+4,7%). Cùng với HPG (+2,2%), STB là 2 cổ phiếu duy nhất có được sự đi ngược so với số đông trong rổ VN30.
Thị trường cũng bị chia rẽ và phân hóa. Phe chốt lời đã thể hiện được sự lấn lướt hơn với sắc đỏ chiếm 51% tổng số mã trên sàn. Các mã như DIG (-1,53%), KBC (-2,19%), HAG (-2,65%), DBC (-2,33%), FRT (-2,02%), HCM (-2,08%), VGC (-2,75%), PVT (-2,67%), HAH (-2,18%) xuất hiện khá nhiều.
Tuy nhiên, biên độ giảm nhìn chung chưa lớn và vẫn có những trường hợp ngược chiều như HSG (+2,15%), BCG (+2,2%), TTF (+4,7%), TCD (+3,3%), HHS (+3,75%), DGW (+1,27%), DXG (+1,33%), HBC (+3,35%).
Bài kiểm tra tâm lý vẫn chưa thể ngã ngũ với kết quả giao dịch của phiên hôm nay. Sự lùi lại của VN-Index sau 3 phiên tăng liên tiếp có thể còn tiếp diễn khi đang tồn tại một khoảng "gap" của phiên ngày 7/8. Chốt phiên, chỉ số giảm 8,24 điểm xuống 1.233,99 điểm (-0,66%). Tổng giá trị giao dịch đạt 21.709 tỷ đồng.
Với tâm lý giằng co, kịch bản HNX-Index và UPCoM-Index trái chiều trong biên độ hẹp cũng là điều thường hay xảy ra. HNX-Index giảm 0,08% còn UPCoM-Index tăng 0,17%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn hơn 3.000 tỷ đồng.