(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô mới nhất, CTCK VNDIRECT dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,6% trong quý II/2022, cải thiện so với mức tăng trưởng 5,03% của quý I.
Nền kinh tế Việt Nam vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh và giá cả hàng hóa leo thang để ghi nhận mức tăng trưởng GDP 5,03% trong quý I/2022, cải thiện so với mức tăng 4,7% trong quý I/2021 và 3,7% của quý II, theo Tổng cục Thống kê. Tuy vậy, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó của VNDIRECT là 5,5%.
GDP Việt Nam tăng trưởng 5,03% trong quý I/2022. |
Bước sang quý II, đối với ba trụ cột của nền kinh tế, khu vực dịch vụ được dự báo sẽ phục hồi nhanh hơn trong quý II này nhờ mở cửa trở lại hầu hết các dịch vụ không thiết yếu (bao gồm du lịch, vận tải công cộng, vui chơi giải trí) và cầu tiêu dùng trong nước tiếp tục phục hồi sau khi không còn giãn cách xã hội, đồng thời chính phủ giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) VAT đối với nhiều mặt hàng từ 10% xuống 8% kể từ đầu tháng 2/2022. Do đó, khu vực dịch vụ được dự báo tăng trưởng 6,5% trong quý II, cao hơn mức tăng trưởng lần lượt là 4,6% và 4,2% trong quý I/2022 và quý II/2022.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng có thể chậm lại trong quý II do tác động tiêu cực của giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Dự báo khu vực này sẽ tăng trưởng 5,7% trong kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng lần lượt là 6,4% và 10,4% trong % trong quý I/2022 và quý II/2022.
Cuối cùng, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản được dự báo mở rộng 2,1% trong quý II. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng 2,4% của quý I do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.\
“Chúng tôi cho rằng đà phục hồi kinh tế trong nước đang được hỗ trợ bởi Việt Nam dần dịch chuyển trạng thái sang sống chung với COVID-19 và coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Tuy vậy, nền kinh tế lại phải đối mặt với những bất ổn bên ngoài gia tăng. Thứ nhất, sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới do khủng hoảng Nga - Ukraine có thể thu hẹp nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, đà tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chậm lại do giá vật liệu xây dựng và chi phí logistic gia tăng. Thứ ba, Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến, làm điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Và cuối cùng, Trung Quốc duy trì chính sách zero-Covid có thể tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối phân tích VNDIRECT, cho biết.
Các dự báo vĩ mô chính cho năm 2022. |
Với quan điểm trên, VNDIRECT quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% (dự báo trước đó là 7,5%). Tuy vậy, nhìn chung, nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay.