(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bất chấp những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới (WB) tiếp tục tin tưởng Việt Nam là “một trong những nền kinh tế sôi động nhất trên thế giới”.
Dự báo của WB về kinh tế Việt Nam trong 2-3 năm tới |
Tại buổi công bố trực tuyến Báo cáo Điểm lại, một ấn phẩm bán thường niên đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam, với chủ đề “Trạng thái Bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao?” được WB tại Việt Nam tổ chức vào chiều ngày 30/7, bà Stefanie Stallmeister, Quyền giám đốc WB tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn, có biện pháp ứng phó sớm và minh bạch thông tin, truyền thông sáng tạo, qua đó giúp chống dịch COVID-19 hiệu quả. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam sẽ tiếp tục phải chịu những ảnh hưởng do COVID-19 gây ra, khi vắc-xin chưa được thương mại hóa. Đồng thời, sự bùng phát của làn sóng Covid thứ hai tại Đà Nẵng cũng nhắc nhở và cho thấy sự mong manh của nền kinh tế.
Triển vọng trước mắt và trung hạn là tích cực
Trong báo cáo được công bố, WB đánh giá, mặc dù kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong nửa đầu năm 2020 nhưng viễn cảnh trước mắt và trong trung hạn vẫn tích cực.
Giả sử nền kinh tế thế giới được từng bước cải thiện, GDP sẽ phục hồi lại vào nửa sau của năm 2020, WB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 2,8% cho cả năm. Tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục được nâng lên đến 6,8% vào năm 2021 (theo kịch bản cơ sở). Trong trường hợp tình hình bên ngoài kém thuận lợi, nền kinh tế sẽ chỉ đạt tăng trưởng lần lượt ở mức 1,5% vào năm 2020 và 4,5% vào năm 2021 (theo kịch bản xấu hơn).
"Cho dù theo kịch bản gì thì Việt Nam vẫn được cho là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào năm 2020", WB nhấn mạnh.
Theo WB, thách thức chính của Việt Nam hiện nay là phải tìm ra động lực mới để hỗ trợ phục hồi theo dự kiến trong ngắn và trung hạn.
Bởi lẽ, trong thập kỷ vừa qua, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu dựa vào tăng trưởng xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. “Hai động lực nói trên chưa chắc có thể quay lại các mức như trước khủng hoảng trong tương lai gần do còn nhiều bất định tiếp diễn trong nước và quốc tế”, ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam nhận định.
Theo ông Jacques Morisset, để đẩy nhanh tốc độ khôi phục kinh tế trước mắt sau khủng hoảng COVID-19, Chính phủ cần đẩy nhanh việc triển khai chương trình đầu tư công nhưng yêu cầu đặt ra là phải cải thiện đáng kể về quản lý tài chính. Trọng tâm nên nhằm vào các dự án hiệu quả và cả các chương trình hạ tầng công cộng được phân cấp cho địa phương được cho là hiệu quả, nhằm tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho những người dễ bị tổn thương ở các vùng bị ảnh hưởng.
Tiếp đến là, đẩy mạnh hỗ trợ khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tạm thời bị ảnh hưởng do khủng hoảng. Tuy nhiên, hướng này cần được thực hiện thận trọng vì không phải doanh nghiệp nào cũng bị ảnh hưởng như nhau.
Ngoài ra, trợ giúp các doanh nghiệp ít có khả năng sống sót sau khủng hoảng COVID-19 cũng không có ý nghĩa nhiều, do cơ cấu sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế sẽ thay đổi. Trong trường hợp đó, nên hỗ trợ để các doanh nhân hoặc người lao động chuyển đổi sang các hoạt động hiệu quả hơn.
Dự báo triển vọng kinh tế của Việt Nam cũng không thể miễn nhiễm với rủi ro, tốc độ khôi phục có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng y tế và kinh tế ở các nước khác trên thế giới… WB khuyến nghị các gói hỗ trợ cần được thực hiện trong thời gian ngắn và đúng đối tượng để giảm rủi ro vay nợ quá mức theo thời gian.
Biến khủng hoảng thành cơ hội
Với nhận định “trong nguy luôn có cơ”, WB cho rằng, khủng hoảng COVID-19 đem lại cơ hội đặc thù cho Việt Nam. Quốc gia có thể tận dụng một số siêu xu hướng để củng cố dấu ấn của mình trên nền kinh tế thế giới đồng thời đẩy mạnh nghị trình cải cách chính sách, nhất là cải thiện về cung cấp dịch vụ thông qua công nghệ số. Đời sống con người được quan tâm nhiều hơn cũng giúp tạo ra những thay đổi cần có về hành vi của các cá nhân và tập thể hướng tới quản lý nguồn tài nguyên của quốc gia theo hướng có trách nhiệm hơn.
Nhìn nhận về thách thức, ông Jacques Morisset cho rằng, một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam là ngăn ngừa bất bình đẳng trỗi dậy vì COVID-19 dường như gây ra tác động khác nhau cho cả doanh nghiệp và người dân. Thực chất, một số ngành nghề bị các biện pháp hạn chế gây ảnh hưởng nhiều hơn, trong khi lại có những ngành nghề trở nên mạnh hơn nhờ cách ly.
“Mặc dù người lao động cổ cồn có thể làm việc ở nhà và được nhận lương đầy đủ nhưng những người lao động trực tiếp, lương thấp, lại phải chứng kiến thu nhập của họ bị giảm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên”, báo cáo của WB viết.
Theo WB, những tác động khác biệt nêu trên không chỉ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn mà còn định hình cho các xu hướng trên thị trường việc làm và hoạt động của doanh nghiệp ở Việt Nam trong tương lai.
Trong vài thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt thành tựu là cơ bản xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực nhờ tạo việc làm ở các ngành công nghiệp và chia sẻ thành quả chung của phát triển. Nhưng trong thời gian tới, những thành tựu đó cần được giữ gìn bằng cách đảm bảo sao cho người dân Việt Nam tiếp tục được tiếp cận việc làm đem lại của cải vật chất theo hướng nâng cấp và điều chỉnh kỹ năng cho phù hợp với nhu cầu mới của doanh nghiệp.
Để làm được điều này, WB cho rằng: “Chính phủ cũng cần thiết kế và triển khai chính sách tái phân phối sao cho công bằng và hiệu quả, chẳng hạn thông qua cải cách hệ thống thuế, là nhu cầu ngày càng trở nên cấp thiết trong thời đại mới và hậu COVID-19”.