(thitruongtaichinhtiente.vn) - Tiếp nối chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt”, ngày 12/6/2020, tại TP.Hồ Chí Minh, báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-NHNN), Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức Hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Triển khai chính sách, hướng tới tương lai”.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, Chương trình “Ngày không tiền mặt” năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 31/12/2016. Đây không những là dịp để nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) mà còn là để ngành Ngân hàng cùng với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng và doanh nghiệp cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những hạn chế cần khắc phục và hướng tới các mục tiêu mới trong thời gian tới.
Thanh toán không dùng tiền mặt có những thay đổi tích cực
Thông tin tại hội thảo cho thấy, trong những tháng đầu năm 2020, hoạt động TTKDTM đã có những chuyển biến rõ nét. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua, những sản phẩm, dịch vụ thanh toán tiện ích cùng nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ thiết thực đã tạo thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ TTKDTM.
Những kết quả nổi bật trong hoạt động thanh toán được thể hiện ở các mặt, như: Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại; Hạ tầng thanh toán (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; hệ thống chuyển mạch, bù trừ) tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện; Hệ sinh thái thanh toán điện tử đã được hình thành với sự kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác; Hầu hết các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đã được ứng dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thanh toán; Vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán luôn được quan tâm; khách hàng được đặt là vị trí trung tâm ưu tiên trong việc quá trình cung ứng các sản phẩm, dịch vụ…
Nhờ đó, hoạt động TTKDTM có sự phát triển mạnh mẽ. Số liệu được ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN đưa ra tại hội thảo cho thấy, trong 4 tháng năm 2020, thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng tăng 26,2% về số lượng và 15,7% về giá trị; thanh toán qua kênh Internet tăng 3,2% về số lượng và 45,7% giá trị; thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng 189% về số lượng và 166,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019; Xu hướng thanh toán trong nền kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sử dụng các phương tiện TTKDTM nhiều hơn. Thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công đã được chú trọng, tăng cường.
Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn và thông suốt. Tổng giá trị giao dịch qua Hệ thống TTĐTLNH tăng 18,30% so với cùng kỳ năm 2019. Giao dịch qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 73,36% về số lượng và tăng 129,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, trong thời gian thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các yêu cầu thanh toán của người dân và xã hội vẫn được đáp ứng đầy đủ, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ATM hoạt động liên tục, thông suốt.
3 trụ cột cơ bản trong phát triển TTKDTM
Các khách mời trong phiên thảo luận |
“Ngày không tiền mặt” là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án nói trên và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông NHNN cho biết, các Đề án có đề cập đến 3 trụ cột cơ bản trong phát triển TTKDTM là: hành lang pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính (hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng thanh toán) và truyền thông.
“Để thực hiện tốt các mục tiêu của Đề án trên cần sự đồng bộ của 3 trụ cột này. Trong đó, truyền thông, giáo dục tài chính có vai trò quan trọng”, bà Sen cho biết. Trên thực tế, NHNN đã rất chủ động, trách nhiệm và tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng các chương trình truyền thông đến công chúng về tiện ích, giá trị, cách sử dụng các hình thức TTKDTM đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật, đặc biệt truyền thông minh bạch về phí để người dân yên tâm sử dụng. “Để khuyến khích người dân sử dụng phương thức TTKDTM, các cơ quan đơn vị liên quan cần truyền thông để người sử dụng hiểu rõ tiện ích, an ninh, an toàn và chi phí thấp. Chính những điều đó là yếu tố quan trọng hình thành và thay đổi thói quen cộng đồng”, bà Sen nhấn mạnh.
Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã phối hợp các đơn vị triển khai các chương trình truyền thông, giáo dục tài chính như “Tiền khéo, tiền khôn”, “Những đứa trẻ thông thái”, “Đồng tiền thông thái”, phối hợp trường học tổ chức cuộc thi cho học sinh phổ thông “Hiểu đúng về tiền” được dư luận đánh giá cao, đồng thời đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Phát huy những kết quả đạt được, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh TTKDTM, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển TTKDTM, trong đó trước mắt tập trung vào việc hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 101 về TTKDTM, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, ban hành Thông tư hướng dẫn việc mở tài khoản thanh toán với định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC),..
Thứ hai, triển khai có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020; tiếp tục đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá kết quả triển khai Quyết định 2545/QĐ-TTg và Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán online, xử lý tức thời, dịch vụ 24/7 cho mọi đối tượng và người dân.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh phát triển thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ Chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng các sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ.
Thứ năm, giám sát các hệ thống thanh toán đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; giám sát hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ tiền gửi thanh toán đảm bảo hoạt động đúng quy định.
Cuối cùng, tích cực phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về TTKDTM, giáo dục tài chính; tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ thanh toán.