Xác định định hướng chiến lược để thực sự đưa SCIC trở thành doanh nghiệp trọng yếu

N.L| 13/04/2020 10:04
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 11/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), các khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ.

Tổng công ty SCIC: Vốn hoá thị trường đạt 146.512 tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình với SCIC về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty, sáng 11/4, tại Trụ sở Chính phủ,  sau gần 14 năm đi vào hoạt động (8/2006),  SCIC đã triển khai thành công bước đầu mô hình đại diện chủ sở hữu thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước với tổng vốn đầu tư đã giải ngân đến thời điểm hiện nay là khoảng 28.000 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh cho thấy, lũy kế từ khi thành lập đến hết năm 2019, vốn chủ sở hữu của SCIC đạt trên 51.911 tỷ đồng; tổng tài sản đạt trên 55.828 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách); vốn hóa thị trường đạt 146.512 tỷ đồng (khoảng 6,2 tỷ USD). So với thời điểm thành lập, doanh thu của SCIC tăng gấp 46,8 lần; lợi nhuận sau thuế tăng gấp 37,1 lần; vốn chủ sở hữu tăng gấp 14,2 lần; tổng tài sản tăng gấp 10,5 lần; tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 13,1%/năm; tỷ suất lợi nhuận/tổng tài sản (ROA) bình quân 12,2%/năm.

Năm 2019, doanh thu của SCIC đạt 6.782 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế và sau thuế đạt 4.105 tỷ đồng và 4.104 tỷ đồng; nộp NSNN (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế) đạt 5.346 tỷ đồng, bằng 146% so với kế hoạch. Nếu không tính ảnh hưởng của việc tiếp nhận Tổng công ty Thép Việt Nam, lợi nhuận trước thuế và sau thuế SCIC đạt 6.293 tỷ đồng và 5.919 tỷ đồng, tương ứng đạt 125% và 131% so với kế hoạch.

Tính đến 8/4/2020, tổng doanh thu của SCIC đạt 1.384 tỷ đồng, bằng 20% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế và sau thuế SCIC đạt 1.019 tỷ đồng và 858 tỷ đồng, tương ứng đạt 21% và 19% kế hoạch; nộp NSNN (bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận sau thuế) ước đạt 762 tỷ đồng, bằng 22% so với kế hoạch.

Kết quả bán vốn thu được 4,2 lần giá vốn

Một trong những kết quả lớn của SCIC là từ khi thành lập đến nay, SCIC đã tiếp nhận được 1.068 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 21.969 tỷ đồng, trong đó, năm 2019, tiếp nhận được 13 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước hơn 7.160 tỷ đồng, cao nhất kể từ khi thành lập SCIC đến nay. 

Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, SCIC đã hoàn thành tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 35/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước là 10.742 tỷ đồng (chiếm 95.2% số vốn phải tiếp nhận). Sau khi có Quyết định 1232, kết quả tiếp nhận DN về SCIC tăng đáng kể so với các năm trước, cụ thể: năm 2015: 438 tỷ đồng; 2016: 818 tỷ đồng; 2017: 996 tỷ đồng; 2018: 4.136 tỷ đồng; 2019: 7.160 tỷ đồng.

Từ khi thành lập đến nay, SCIC đã bán vốn tại hơn 1.000 doanh nghiệp với giá vốn 11.169 tỷ đồng và thu về 47.306 tỷ đồng. Các doanh nghiệp thuộc diện bán vốn chủ yếu có quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp 4,2 lần giá vốn (bình quân cả nước là 1,48 lần). 

Đặc biệt, SCIC đã triển khai bán vốn thành công tại một số doanh nghiệp có quy mô lớn như: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex…

Phần lớn DN trong danh mục quản lý của SCIC bị ảnh hưởng rất nặng nề trong 3 tháng đầu năm

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh cả nước ứng phó với dịch Covid-19, phần lớn các doanh nghiệp trong danh mục quản lý của SCIC (những doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trực tiếp) bị ảnh hưởng rất nặng nề do các yếu tố đầu vào tăng giá/khan hiếm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, khó khăn trong việc tiêu thụ đầu ra. Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3, một số doanh nghiệp ước tính mức thiệt hại rất lớn như: Tập đoàn dệt may Vinatex dự kiến giảm 22% doanh thu (284 tỷ đồng) và 79% lợi nhuận (237 tỷ đồng) so với kế hoạch; FPT Telecom dự kiến giảm 15% doanh thu (1.789 tỷ đồng) và 20% lợi nhuận (413 tỷ đồng) so với kế hoạch; CTCP Sữa Việt Nam dự kiến giảm 2.089 tỷ đồng doanh thu và 413 tỷ đồng lợi nhuận so với kế hoạch; TCTCP Thép Việt Nam Vnsteel dự kiến giảm 20% doanh thu (4.050 tỷ đồng) và 124% lợi nhuận (372 tỷ đồng) so với kế hoạch; Công ty Seaprodex dự kiến giảm 29% doanh thu (50 tỷ đồng) và 31% lợi nhuận (16 tỷ đồng) so với kế hoạch; Công ty TNHH MTV đầu tư SCIC (SIC) dự kiến giảm 37% doanh thu (45 tỷ đồng) và 89% lợi nhuận (16,3 tỷ đồng) so với kế hoạch...

Do đó, khả năng doanh thu năm 2020 của SCIC có thể bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, trong đó, doanh thu từ cổ tức giảm do hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp (trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn) hết sức khó khăn. Doanh thu bán vốn giảm do thị trường chứng khoán sụt giảm cả về cung và cầu, một mặt khó thu hút nguồn vốn từ nước ngoài, mặt khác hoạt động của các doanh nghiệp bán vốn rất khó khăn nên chất lượng nguồn cung không tốt. Doanh thu tài chính giảm do xu hướng lãi suất hạ để hỗ trợ nền kinh tế (trong tháng 3 Fed hạ lãi suất về 0%, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất điều hành từ 0.5-1%/năm và xu hướng này có thể tiếp tục nếu dịch bệnh chưa kết thúc).

Theo ông Nguyễn Đức Chi,  Chủ tịch Hội đồng Thành viên  SCIC căn cứ theo diễn biến của dịch Covid-19, SCIC đã xây dựng 3 kịch bản triển khai kế hoạch trong năm 2020, trong đó, kịch bản 1: Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý II/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến cùng đạt 82% kế hoạch. Kịch bản 2: Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý III/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến đạt tương ứng 64% và 46% kế hoạch. Kịch bản 3: Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý IV/2020, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của SCIC dự kiến chỉ đạt tương ứng 50% và 16% kế hoạch.

Phó Thủ tướng Thường trực: SCIC không nên ôm đồm quá nhiều DN địa phương chuyển về

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận SCIC đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giao và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt hoạt động, góp phần đẩy nhanh tiến trình sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN Nhà nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng với vị trí và tiềm lực của mình, SCIC có thể làm được nhiều hơn nữa. SCIC cần hoàn thiện định hướng chiến lược để phát triển cho trúng, cho đúng, nâng cao vị trí, vai trò của SCIC trong hệ thống DN Nhà nước nói riêng, ngành kinh tế của đất nước nói chung. Một mặt, SCIC phải góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, nhưng đồng thời phải kinh doanh có lãi, phát triển được đồng vốn, làm đúng pháp luật.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý SCIC “không nên ôm đồm quá nhiều DN địa phương chuyển về, không quản trị được, trong khi lại đang chịu ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, bán vốn khó, chứng khoán, cổ phiếu dao động, trái phiếu khó phát hành”…

Nhấn mạnh, không nên đầu tư quá phân tán, chỉ nên tập trung vào những lĩnh vực trọng yếu, then chốt của nền kinh tế như công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông, chế biến thực phẩm, tài chính, xăng dầu, vận tải hàng không, đường sắt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu SCIC làm rõ lĩnh vực, ngành nghề nào để thực hiện chiến lược phát triển, lĩnh vực, ngành nghề nào thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, không sa vào vụn vặt, các công ty con cần cơ cấu lại, bán, cho thuê, sáp nhập, giải thể…, đảm bảo kinh doanh hoạt động theo hướng thị trường, mục tiêu bảo toàn vốn, tối đa hóa lợi nhuận.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực quan tâm đến chủ trương thoái vốn hiện nay của SCIC và yêu cầu việc thoái vốn cần “công bố công khai về chủ trương thoái vốn, mời các đơn vị tư vấn, thẩm định độc lập, định giá đúng giá trị của DN, nếu không dư luận sẽ đặt vấn đề có hay không lợi ích nhóm, dẫn đến việc bị thanh tra, kiểm tra, xử lý sau này”.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đặt ra yêu cầu, xác định định hướng chiến lược để thực sự đưa SCIC trở thành DN trọng yếu hay “quả đấm mạnh” của nền kinh tế nhưng phải thực sự tham gia vào hệ thống chủ đạo của kinh tế Nhà nước một cách có hiệu quả.

(Theo Chinhphu.vn)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xác định định hướng chiến lược để thực sự đưa SCIC trở thành doanh nghiệp trọng yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO