Xây dựng khung pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng

Phương Anh| 06/04/2019 08:30
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Dịch vụ cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending - P2P) đã và đang bùng nổ trong lĩnh vực Fintech với nhiều mới mẻ cho người tham gia. Tuy nhiên ở Việt Nam, hoạt động này còn mới và chưa hoàn thiện thể chế chính sách, khung pháp lý điều tiết, nên hiện đã có dấu hiệu biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội.

Ngày nhận bài: 13/3/2019 - Ngày biên tập: 15/3/2019 - Ngày duyệt đăng: 15/3/2019 (Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 6/2019)

Tóm tắt: Thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực Fintech (công nghệ tài chính) trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng (Peer-to-Peer Lending - P2P). Tại Việt Nam, một số công ty cung cấp mô hình cho vay này đang bị biến tướng và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Nguyên do chủ yếu là hệ thống pháp luật hiện chưa có quy định quản lý riêng và cũng không cấm mô hình hoạt động này (trừ trường hợp được xác định là hoạt động ngân hàng). Vì thế, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý loại hình kinh doanh cho vay ngang hàng là rất cần thiết. Ngoài ra, đây là kinh doanh có điều kiện nên phải được cơ quan Nhà nước cấp phép.

Từ khóa: cho vay ngang hàng, khung pháp lý, kinh doanh, P2P Lending

Building suitable legal framework to manage peer to peer lending activity

Abstract: Recently, the emergence of 4.0 industrial revolution‘s applications in the field of financial technology (Fintech) in the world in general and in Vietnam in particular has made the generation of new services and products, including peer to peer lending. In Vietnam, some companies providing this lending model has shown signs of distortion, making negative social impacts. The reasons are defined: at present, in our legislation system, there are not any specific regulations regulating this activity and this type of business is not prohibited in any laws (with exemptional case when it is defined as banking activity). Therefore, it is necessary to set up legal framework to manage peer to peer lending. In addition, it is a kind of business with certain conditions, thus, it should be allowed by state authorities.

Key words: peer to peer lending, legal framework, business, P2P Lending

P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng công nghệ số, kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính. Hoạt động P2P Lending nếu được quản lý tốt sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là tại các nền kinh tế có hệ thống tài chính chưa phát triển, với số đông dân số chưa hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng. Mô hình P2P Lending dựa trên nền tảng công nghệ, thủ tục vay vốn nhanh, đơn giản, qua đó gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn trong xã hội đối với người dân có thu nhập thấp, không có khả năng, điều kiện chứng minh năng lực tài chính, năng lực trả nợ với ngân hàng, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (SMEs) chưa hoặc không tiếp cận được kênh tín dụng chính thống từ hệ thống ngân hàng; tạo thêm một kênh cung ứng vốn đa dạng, thuận tiện trong hệ thống tài chính quốc gia bên cạnh kênh tín dụng ngân hàng truyền thống.

Rủi ro từ mô hình P2P Lending có thể xảy ra ở Việt Nam

Bên cạnh các điểm lợi thế như đã đề cập, mô hình P2P Lending cũng có nhiều rủi ro tiềm ẩn cho các bên tham gia nếu hoạt động này không được quản lý, vận hành tốt. Có thể gây mất ổn định kinh tế xã hội do các bên liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã gặp phải thời gian qua.

Ở Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự như mô hình các công ty vận hành P2P Lending trên thế giới. Một số trong những doanh nghiệp này đã có những biểu hiện hoạt động biến tướng, thay vì làm trung gian kết nối thông tin, số công ty này huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn; huy động vốn để cho vay tràn lan, phát sinh nợ xấu và thực hiện chức năng thanh toán trung gian bất hợp pháp nhằm chiếm dụng vốn, lừa đảo…

Thực tế hoạt động của các công ty này cho thấy còn tồn tại một số vấn đề bất cập có khả năng gây nhiều tranh chấp, khiếu kiện cụ thể như: quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.

Ngoài ra, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.

Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 quy định: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.(1) Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật.

Theo quy định của pháp luật, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật NHNN và Luật các TCTD. Tuy nhiên đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể xem xét là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật NHNN và Luật các TCTD.

Một số mô hình quản lý P2P Lending trên thế giới

Trước những thuận lợi và rủi ro của hoạt động P2P Lending nêu trên, các nhà tạo lập chính sách tại nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp và khung khổ pháp lý để quản lý, hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động P2P Lending.

Theo đó, một số nước đã chính thức ban hành các quy định để quản lý, cấp phép triển khai mô hình P2P Lending khá thành công, cụ thể là: Latvia, Indonesia, Anh, Mỹ, Canada, New Zealand, Brazil, Thụy Điển… Qua đó cho thấy, mức độ quản lý, cấp phép của các quốc gia là rất đa dạng và khác nhau phụ thuộc vào hình thức và dịch vụ mà các công ty P2P Lending cung cấp cho thị trường. Ngoài ra, cơ quan thực thi các nhiệm vụ quản lý, cấp phép, kiểm tra, giám sát của các quốc gia cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào quan điểm pháp lý của từng quốc gia về hoạt động P2P Lending; cụ thể: Mỹ giao Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch (SEC), Anh giao cho Cơ quan Quản lý tài chính (FCA), Indonesia giao cho Cơ quan Dịch vụ tài chính (OJK)... Mặc dù có sự khác nhau về cách thức quản lý, nhưng đến nay cho thấy hầu hết các quốc gia đều xem hoạt động P2P Lending là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

Có thể nghiên cứu trường hợp điển hình của Trung Quốc – nền kinh tế có điều kiện tương đồng như Việt Nam; trong giai đoạn đầu khi mô hình P2P Lending hoạt động, các nhà quản lý gần như không kiểm soát, giám sát lĩnh vực này. Điều đó đã dẫn đến hoạt động của một số công ty P2P Lending không trong tầm kiểm soát (được các nhà quản lý Trung Quốc gọi là hoạt động ngân hàng ngầm – shadow banking); từ đó mang đến rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể: trên 4.000 công ty P2P Lending đã được hình thành, hoạt động tại Trung Quốc; đến nay một số hoạt động tốt nhưng có trên 2.000 công ty hoạt động theo mô hình xác sống (ponzi) với nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của cả người cho vay lẫn người đi vay (đặc biệt hay xảy ra tại các công ty ngoài việc cung cấp sàn giao dịch thì thực hiện luôn cả chức năng trung gian thanh toán cho nhà đầu tư và người đi vay). Từ những hệ lụy xấu mà các công ty P2P Lending mang lại cho nền kinh tế, các cơ quan quản lý tại Trung Quốc đã chuyển từ quan điểm cho phát triển hoàn toàn tự do sang quản lý và cấp phép chặt chẽ hoạt động của các công ty này và ban hành nhiều quy định liên quan đến hoạt động P2P Lending áp dụng cho cả công ty vận hành các nền tảng P2P Lending cũng như quy định áp dụng đối với người đi vay và người cho vay.

Cần có cơ chế quản lý P2P Lending phù hợp

Trước những rủi ro trong mô hình cho vay ngang hàng nói trên, về phía các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đánh giá, tham khảo kinh nghiệm quản lý quốc tế để đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế quản lý hoạt động P2P Lending phù hợp, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đổi mới, sáng tạo thành tựu công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân.

Trong thời gian hoàn thiện chính sách quản lý, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn, cảnh báo người dân đối với các rủi ro, nguy cơ khi đầu tư, tham gia vào hệ thống P2P Lending, tránh để người dân bị lợi dụng lừa đảo; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó tuyên truyền tín dụng chính sách đến nhiều đối tượng, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể chính quyền trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; đặc biệt là phổ biến quy định pháp luật về hoạt động tín dụng ngân hàng; qua đó góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, giúp người dân bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình, từ đó góp phần đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ và ổn định xã hội.

Phía người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, nâng cao hiểu biết, và nhận thức được rõ rủi ro có thể phát sinh khi tham gia các nền tảng P2P Lending. NHNN cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

Chú thích:

1 Khoản 12, Điều 4 Văn bản hợp nhất Luật các Tổ chức tín dụng quy định: “Hoạt động ngân hàng là việc kinh doanh, cung ứng thường xuyên một hoặc một số các nghiệp vụ sau đây: a) Nhận tiền gửi; b) Cấp tín dụng; c) Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng khung pháp lý phù hợp để quản lý hoạt động cho vay ngang hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO