(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết thông qua kinh nghiệm triển khai Mobile Money tại Kenya và Haiti để đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.
Ngày nhận bài: 16/8/2019 - Ngày biên tập: 19/8/2019 - Ngày duyệt đăng: 8/11/2019. Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 22/2019.
Tóm tắt: Dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) là một trong những giải pháp để đưa người dân Việt Nam tiếp cận tới các dịch vụ tài chính này, với việc phải trả phí, sẽ mang tính đổi đời trên nền tảng Internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm, an sinh xã hội, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp. Bài viết thông qua kinh nghiệm triển khai Mobile Money tại Kenya và Haiti để đề xuất các giải pháp cho Việt Nam.
Từ khóa: Mobile Money, thời cơ, thách thức, kinh nghiệm
Global trend in Mobile Money service development - Opportunities and challenges for Vietnam
Abstract: Mobile Money service is one of solutions that increases financial services accessibility of Vietnamese people. It may be life-changing solution based on the Internet platform for various fields such as healthcare, education, finance, employment, social security, product consumption, agriculture. The article shows experience in Mobile Money implementation in Kenya and Haiti, then propose solutions for Vietnam.
Key words: Mobile Money, opportunities, challenges, experience
Hiện nay dịch vụ tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn cầu. Ước tính đã có gần 200 dự án Mobile Money được triển khai ở 90 nước trên thế giới, tốc độ phát triển rất nhanh so với khoảng 20 dự án được triển khai cách đây 3 năm. Tại Việt Nam, Mobile Money mới được bàn đến trên một số diễn đàn, các cơ quan quản lý nhà nước. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có một số ý kiến khác nhau, trong khi đó số lượng người dân đang sử dụng điện thoại di động đạt tỷ lệ rất cao, ngược lại một bộ phận dân cư chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính toàn diện, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế cũng còn ở mức thấp. Vì vậy, phát triển Mobile Money để góp phần thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là một vấn đề đặt ra cho Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Xu hướng phát triển Mobile Money trên thế giới
Một số thống kê đã chỉ ra rằng, trên thế giới hiện nay đang có khoảng 2,5 tỷ người không được tiếp cận với các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán qua hệ thống ngân hàng, trong khi đó có 5 tỷ người có điện thoại di động tạo nên một cơ hội lớn cho Mobile Money. Dự kiến, đến năm 2025 sẽ có khoảng 1 tỷ người nghèo không có tài khoản ngân hàng sẽ được tiếp cận các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán thông qua Mobile Money.
Theo Hiệp hội di động toàn cầu (Global System Mobile Associations - GSMA), Mobile Money được định nghĩa là các dịch vụ kết nối khách hàng về mặt tài chính thông qua mạng di động. Mobile Money bao gồm các dịch vụ chi trả di động (giao dịch lẻ và thanh toán hoá đơn), chuyển tiền qua mạng di động, chuyển tiền giữa các thuê bao, những giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản qua máy di động,…và những dịch vụ tương tự. Theo đó, người sử dụng dịch vụ Mobile Money không phải di chuyển đến các điểm giao dịch của ngân hàng vào các ngày giờ hành chính, để chờ đợi làm các giao dịch với nhân viên tại đây, mà có thể thanh toán từ xa thông qua điện thoại di động (tiền điện, tiền nước, học phí, truyền hình cáp, mua vé…), chuyển và nhận tiền (nhận và trả tiền từ các tổ chức tài chính vi mô, nhận tiền kiều hối hoặc tiền của những người đi làm xa gửi tiền về quê, chuyển tiền từ nông thôn cho con đi học ở các thành phố, cho người thân đi chữa bệnh tại các bệnh viện lớn), quản lý và lưu trữ tiền (người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể lưu tiền trên điện thoại thay vì phải để tiền dưới chiếu, cất trong tủ, dấu trên mái nhà hay để tiền trong người). Đây là dịch vụ dành cho những người nghèo không có tài khoản ngân hàng để giúp họ có thể tiếp cận với những dịch vụ tài chính cơ bản, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Bản chất của dịch vụ Mobile Money là chuyển đổi hình thức của tiền mặt sang tiền điện tử theo tỉ lệ 1:1. Theo đó, đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money không phải là đơn vị phát hành tiền điện tử vì không tạo ra lượng tiền mới đưa vào lưu thông, không phát hành tiền, mà chỉ chuyển đổi hình thức của tiền mặt để khách hàng có thể sử dụng thanh toán theo 1 hình thức mới tương tự như thẻ ATM, khi khách hàng nộp tiền mặt để nhận được một khoản tiền điện tử có giá trị tương đương. Mobile Money là mô hình kinh doanh mà tất cả các bên tham gia cùng có lợi: ngân hàng thu hút được dòng tiền mặt lưu chuyển thành tiền lưu trữ trong ngân hàng, người dân và các nhà cung cấp dịch vụ có lợi vì có thêm phương tiện thanh toán thuận tiện, người nghèo tiếp cận được dịch vụ tài chính toàn diện; Nhà nước không phải tốn kém các chi phí in tiền, vận chuyển, kiểm đếm, kho lưu trữ tiền mặt, nạn tiền giả, tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông….
Hiện nay, trên thế giới có 3 mô hình cung cấp các dịch vụ Mobile Money, gồm:
(1) Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông;
(2) Ngân hàng thương mại;
(3) Đối tác cung cấp giải pháp phối hợp chặt chẽ với nhà mạng và ngân hàng hoặc là một liên doanh giữa ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Trong số đó, thì mô hình thứ 3 đang dần trở nên quan trọng và chiếm ưu thế. Bởi vì mô hình Mobile Money này cần có cả nhà cung cấp dịch vụ di động và ngân hàng để đạt đến thành công nhanh nhất. Nhà cung cấp dịch vụ di động góp phần vào liên doanh hệ thống phân phối rộng khắp, có nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động cũng như hiểu được hành vi của khách hàng. Ngân hàng góp phần vào liên doanh bằng việc xây dựng và duy trì một tài khoản chuyên dụng để lưu giữ tiền điện tử, nhằm đảm bảo tính thanh khoản cho hệ thống và cung cấp các dịch vụ đối soát bù trừ.
Triển khai Mobile Money thành công ở các nước đang phát triển đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ thanh toán cho hàng triệu hộ gia đình, đồng thời giảm đáng kể thói quen dùng tiền mặt trong giao dịch hàng ngày. Có thể thấy rằng, đối với lĩnh vực ví điện tử, Mobile Money đang là xu hướng chung của thế giới và là mô hình duy nhất hiện nay có thể triển khai rộng và thành công cho những người không có tài khoản ngân hàng.
Tính đến hết năm 2018, trên toàn thế giới đã có 90 nước chấp nhận dịch vụ Mobile Money, với gần 900 triệu người sử dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ đô la Mỹ, tăng trưởng 20%, riêng châu Á tăng trưởng 31% so với mức bình quân của năm 2017. Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money chiếm tới trên 50% tổng số dân. Việt Nam tuy đi sau, nhưng lại có thuận lợi lớn nhất là có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia triển khai trước. Với 90 nước đã triển khai dịch vụ Mobile Money, hiệu quả của nó đối với phát triển không dùng tiền mặt và phát triển tài chính toàn diện đã được nhìn nhận; đồng thời tại các quốc gia đó, khung pháp lý cho Mobile Money cũng đã hình thành. Trên thế giới, có cả những tổ chức quốc tế lớn như GSMA thường niên nghiên cứu, tổng kết và đưa ra những khuyến nghị.
Kinh nghiệm về triển khai dịch vụ Mobile Money tại Kenya và Haiti
Kenya là một quốc gia ở châu Phi, nhưng đã triển khai dịch vụ Mobile Money từ hơn 10 năm trước. Cho đến nay, dịch vụ Mobile Money thành công nhất là M-PESA được cung cấp bởi Tập đoàn viễn thông Safaricom của Kenya từ năm 2007. M-PESA nhanh chóng được sử dụng phổ biến bởi nhiều người nhập cư đang làm việc tại các thành phố muốn gửi tiền về cho gia đình ở quê hương. Hiện nay tại Kenya có khoảng trên 7 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money trong tổng số 18,3 triệu người dùng điện thoại di động, với doanh số giao dịch giữa các cá nhân (P2P - Person to Person) lên đến 170 triệu USD/tháng. Dịch vụ này được sử dụng để trả tiền học phí (không cần phải xếp hàng tại ngân hàng hàng tháng và hoàn thành hàng chục loại giấy tờ khác nhau), trả tiền taxi (người lái taxi thích điều này bởi họ không phải mang theo nhiều tiền). Đây là cách chuyển tiền nhanh, rẻ và an toàn hơn so với cách chuyển tiền qua ngân hàng và bưu điện hoặc chuyển tiền qua các tài xế xe buýt.
Không chỉ kích thích sự phát triển của các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số, Mobile Money còn đẩy mạnh việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. Thí dụ tại Kenya, sau 3 năm triển khai Mobile Money, tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng tăng 19%, nhờ vào sự phát triển của dịch vụ Mobile Money. Mobile Money với các giao dịch nhỏ chính là sự đào tạo người dân để trở thành khách hàng của ngân hàng.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, tại Kenya, việc giảm chi phí chuyển tiền nội địa trong nước từ 2-5% sẽ tăng lượng chuyển tiền tới 50-70% và kích thích tăng trưởng kinh tế. Giảm phí chuyển tiền của mỗi cá nhân sẽ tăng lượng chuyển tiền giá trị nhỏ. M-PESA giúp tăng lượng giao dịch chuyển tiền giá trị nhỏ trong nội địa và giúp kích thích mạnh các hoạt động kinh tế. Tổ chức tư vấn trợ giúp người nghèo (Consultative Group to Assist the Poor - CGAP) sau khi tiến hành một cuộc điều tra và khảo sát đã đi đến kết luận, thu nhập của các hộ gia đình tại Kenya có sử dụng dịch vụ M-PESA đã tăng thêm từ 5% lên 30% sau khi họ sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Dịch vụ Mobile Money cũng có ưu thế vượt trội so với một số dịch vụ tài chính thông thường khác trong bối cảnh người dân không thể tiếp cận được với các tài khoản tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Mặc dù tài khoản M-PESA không trả lãi suất, nhiều người coi đó như tài khoản tiết kiệm, an toàn. Việc có một tài khoản tiết kiệm nhỏ cho phép người ta có thể xoay sở tốt khi chi phí bất ngờ phát sinh mà không phải bán các tài sản khác.
Haiti cũng là một quốc gia ở châu Phi nhưng sớm triển khai Mobile Money nhờ những lợi ích của nó đem lại cho đất nước, đặc biệt là số đông người dân còn nghèo, thu nhập thấp, giao thông và mạng lưới ngân hàng chưa phát triển.Trong trận động đất ở Haiti, nhờ việc triển khai Mobile Money mà Hội chữ thập đỏ có thể quyên góp gần 5 triệu USD trong vòng 48 giờ và ngay sau đó, chuyển tiền nhanh chóng đến tận tay các gia đình bị nạn.
Tiềm năng và thách thức cho triển khai Mobile Money tại Việt Nam
Dịch vụ Mobile Money đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trên thế giới. Tuy nhiên, với Việt Nam thì đây là một dịch vụ thanh toán tương đối mới. Hiện nay, ở Việt Nam còn một tỷ lệ không nhỏ người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ tiện ích ngân hàng. Tính đến hết tháng 6/2019, tổng số máy điện thoại di động của Việt Nam đã là 134,5 triệu thuê bao, bằng 112,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số máy điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là 51.128.599 thuê bao, bằng 109,30% so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam được đánh giá là có tốc độ tăng trưởng người sử dụng điện thoại di động và mạng Internet vào loại nhanh nhất trên thế giới trong 5 năm gần đây, nên có tiềm năng lớn về phát triển Mobile Money.
Dịch vụ Mobile Money là một cách thức đơn giản, hữu hiệu, an toàn để người dân không có tài khoản ngân hàng, những người sống ở khu vực nông thôn và miền núi có thể tiếp cận được với dịch vụ thanh toán. Thực tế Việt Nam có địa hình dài, việc di chuyển xa giữa 2 đầu đất nước cùng với việc ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều kênh rạch, nhiều khu vực thuộc vùng sâu và vùng xa. Các vùng miền núi và khu vực Tây Nguyên giao thông còn cách trở. Tuy nhiên mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, lượng kiều hối và lượng tiền gửi về nhà từ các công nhân đi làm xa; lượng tiền từ gia đình ở nông thôn gửi cho con em đi học, hay người nhà đi chữa bệnh, chi trả trợ cấp xã hội cho người già, người tàn tật và đối tượng chính sách xã hội khác,… cũng đang có nhu cầu rất lớn, không ngừng tăng cao. Những nhu cầu thực tế đó là thị trường đầy tiềm năng cho phát triển Mobile Money.
Việc triển khai thành công Mobile Money là nền tảng để thực hiện các chương trình xã hội như tài chính vi mô, hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội giải ngân đến tận tay người dân trong các chương trình xóa đói giảm nghèo, hay trả nợ góp hàng tháng, hỗ trợ thiên tai lũ lụt hoặc các đối tượng bảo trợ xã hội. Đặc biệt, Mobile Money rất thuận tiện trong những trường hợp khẩn cấp như có người đau ốm, khi ngân hàng hết giờ giao dịch, mạng lưới ATM thì có hạn. Việt Nam thường xuyên bị lũ lụt ở miền Trung, một số vùng miền núi phía Bắc, khi đó, Mobile Money có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyên góp ủng hộ thiên tai lũ lụt. Ở những nước có địa hình khó đi (có nhiều đảo, sa mạc) như Phillipines, Indonesia và các nước châu Phi, Mobile Money là dịch vụ góp phần to lớn trong việc giải quyết những khó khăn về khoảng cách địa lý. Ngoài ra đối với những nước có lượng kiều hối chuyển về nhiều thì dịch vụ Mobile Money rất có điều kiện phát triển.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp, nhưng mật độ thuê bao di động thì đã đạt tỷ lệ trên 100% từ nhiều năm qua. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, phần lớn các giao dịch dưới 100.000 đồng là thực hiện thanh toán bằng tiền mặt. Mobile Money sẽ là giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Nền tảng cơ bản ở đây là, công nghệ có thể giúp giải quyết rất nhiều vấn đề của nền kinh tế. Vì vậy, cơ quan chức năng của Việt Nam cần thay đổi tư duy, dám chấp nhận các mô hình mới, không nên lo sợ, e ngại.
Dịch vụ Mobile Money thâm nhập thị trường nông thôn và số hoá chuỗi giá trị nông nghiệp. Tại các nước đang phát triển, khoảng 15% người trưởng thành có doanh thu từ bán nông sản, nhưng đa số họ nhận tiền mặt, hình thức thanh toán rủi ro, không hiệu quả và bất tiện khi thu tiền. Họ cũng không thể bán nông sản cho người ở xa. Mobile Money giúp người dân Việt Nam ở thành phố có thể mua một nải chuối ở vườn cây của một người cụ thể ở bất kỳ thôn bản nào trên toàn quốc, thậm chí ở cây nào trong vườn cây đó. Người nông dân cũng vì đó mà bán được giá cao. Đây là lợi ích khá sâu rộng về phát triển dịch vụ Mobile Money ở Việt Nam hiện nay.
Tất nhiên thực tế tại Việt Nam đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề pháp lý cho Mobile Money, đồng thời so sánh, cân nhắc những thách thức, rủi ro đi kèm.
Kết luận và khuyến nghị
Tại Việt Nam cho đến hiện nay, dịch vụ Mobile Money chưa được chấp nhận về mặt pháp lý cho triển khai thực hiện chính thức. Việc đưa ra một nền tảng pháp lý phù hợp cho Mobile Money là một vấn đề cần xem xét, giải quyết sớm, có thể coi đó là một dạng ví điện tử, để Mobile Money sớm được triển khai trong thực tế. Tất nhiên về mặt quản lý, cần đảm bảo an toàn, đảm bảo quyền lợi và tài sản người sử dụng, gắn trách nhiệm của các nhà cũng cấp dịch vụ. Việt Nam cũng có thể tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới, ngay cả một số nước châu Phi và các quốc gia đang phát triển khác ở khu vực châu Á, để có thể đẩy nhanh việc sử dụng dịch vụ này trên thực tế.
Tài liệu tham khảo:
- Một số báo cáo, thông tin, tài liệu từ Ngân hàng Nhà nước; Bộ Thông tin truyền thông
- FT Confidential Research
- Một số nguồn khác