Điều đáng buồn của ngành gạo là vấn nạn tranh mua, tranh bán vẫn diễn ra, khiến giá gạo thường xuyên bị đẩy lên, gây bất lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Từ đầu năm đến nửa đầu tháng 11/2024, cả nước xuất khẩu được 8,05 triệu tấn gạo, trị giá 5,05 tỷ USD, tăng 9,16% so với cùng kỳ về lượng nhưng tăng đến 21,49% về kim ngạch nhờ giá xuất khẩu tăng cao.
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, sau mỗi lần Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức đi xúc tiến thương mại ở nước ngoài về thì giá gạo xuất khẩu lại bật tăng. Trong chuyến đi mới nhất gần đây, đã có nhiều hợp đồng xuất khẩu được ký kết với giá 640-645 USD/tấn (FOB).
10 ngày qua giá gạo xuất khẩu trong nước cũng đã tăng mạnh. Cụ thể, ngày 24/11, gạo OM18, DT8 và OM5451... chào hàng tàu giá 685 USD/tấn, hàng container từ 710-715 USD/tấn (FOB).
Giá gạo tăng không phải do VFA có tác động đẩy giá lên mà xét về bản chất hàng hóa, do thời điểm xúc tiến thường rơi vào lúc nguồn cung cạn kiệt nên giá gạo khá nhạy cảm.
Một khi thị trường người mua nhiều hơn người bán thì giá gạo sẽ tăng, chưa kể thời gian gần đây Philippines liên tục hứng chịu các cơn bão lớn, thương nhân Philippines tranh thủ mua để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, bất cứ hội nghị xúc tiến nông sản nào mà tổ chức đúng thời điểm giá mặt hàng đó khá nhạy cảm thì giống như giọt nước tràn ly, vì sau khi hội nghị đưa thông tin ra thì ngay lập tức người mua hàng có tâm lý lo ngại rủi ro buộc họ phải mua hàng vào.
Ông Nam cho biết thêm, điều đáng buồn của ngành gạo là vấn nạn tranh mua, tranh bán vẫn diễn ra tràn lan, để lấy cho được hợp đồng có những doanh nghiệp tự hạ giá bán, gây thiệt hại lẫn nhau, cùng với đó tình trạng bán trước mua sau. Đến thời điểm giao hàng trong kho chưa có đủ, buộc doanh nghiệp phải đẩy giá gạo lên cao để gom đủ hàng.
“Vấn đề tranh mua tranh bán của ngành hàng lúa gạo sẽ có lời giải nếu vai trò của các hiệp hội và chính phủ được điều tiết tốt. Bài học này có thể áp dụng từ các ngành hàng khác như cà phê, tiêu hay điều. Mới vào vụ, ai cũng nghĩ khi nguồn cung dồi dào cà phê sẽ xuống giá, trái với suy nghĩ thông thường đó, nguồn cung cà phê trên thị trường không dồi dào, do người dân thấy giá lên nên giữ hàng lại nên giá cà phê vẫn ở mức cao”, Phó Chủ tịch VFA nói.
Tại sao lại có câu chuyện này?
Theo ông Nam, do ai cũng nghĩ vào vụ thu hoạch nông dân đẩy mạnh bán ra nguồn cung dồi dào, giá cà phê sẽ giảm nên không mua vội, do không mua vội đến ngày giao hàng cà phê chưa có trong kho, buộc doanh nghiệp chạy đi mua, người dân biết họ đang có nhu cầu nên càng giữ hàng lại, đẩy giá lên.
Lợi thế của nông dân trồng cà phê là hạt cà phê có thể giữ lâu trong kho được mà không sợ mất phẩm chất như lúa gạo. Nhưng nông dân trồng lúa thì không có điều kiện này, chỉ doanh nghiệp mới có điều kiện về kho bãi và tài chính trữ lúa lại thì dễ thắng hơn so với trữ gạo, vì gạo trữ lâu sẽ bị xuống phẩm cấp.
“Trong điều kiện thị trường như hiện nay, doanh nghiệp nên đi theo hướng này, vì khi doanh nghiệp xuất khẩu gạo có kho trữ lúa sẽ giúp giải quyết tốt bài toán điều tiết thị trường”, ông Nam cho biết.
Hiện nay, ngoài doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua giao hàng cho các hợp đồng đã ký, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tăng cao nên nhiều thương nhân đang gom hàng chuyển ra Bắc cũng góp phần đẩy giá gạo nội địa tăng. Việt Nam đã xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo. Xuất khẩu càng nhiều thì nguồn hàng trong nước càng giảm và lượng hàng gối đầu sang năm sẽ không còn.