(Thitruongtaichinhtiente.vn) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ đã làm đổi thay phương thức kinh doanh ngân hàng truyền thống và ngân hàng số là một hướng đi tất yếu nếu các nhà băng không muốn "bị bỏ lại phía sau" trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Thống kê của Vietnam Report cho thấy, có tới 93% ngân hàng thương mại đang đầu tư vào công nghệ mới và số hóa. Mục tiêu "trở thành ngân hàng số hàng đầu" có thể đã trở thành slogan của nhiều ngân hàng trong nước. Trên thực tế, bức tranh ngân hàng số tại Việt Nam cũng thay đổi từng ngày và có nhiều bước đột phá lớn trong mấy năm gần đây.

Mới đây, Nam A Bank đã ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với sự xuất hiện của Robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA. Hay như TPBank có ngân hàng tự động LiveBank; Vietcombank có Digital Lab, VPBank có ngân hàng số YOLO, LienVietPostBank có Ví Việt, VietinBank áp dụng corebank mới,...

Một nghiên cứu mới của Grant Thornton - doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kiểm toán và tư vấn tài chính - cho biết, việc sử dụng ngân hàng số nhằm làm tăng thị phần cho các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống cũng như việc mở rộng danh mục sản phẩm, dịch vụ mới để bắt kịp xu hướng. Ngoài ra khách hàng sử dụng ngân hàng số sẽ tránh được sự bất tiện phải đi lại tới các chi nhánh.

Grant Thornton dẫn số liệu cho biết, đã có 2 tỷ người sử dụng dịch vụ ngân hàng số trong năm 2018, trong đó Trung Quốc, Ấn Độ, Nga… là những nước có tỷ lệ người dùng dịch vụ công nghệ tài chính cao. Theo khảo sát của PwC, năm 2018 việc áp dụng ngân hàng di động tại Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Ảnh minh họa

Tại Mỹ, dịch vụ ngân hàng số được giới trẻ (18-34 tuổi) sử dụng chủ yếu để kiểm tra số dư và hoạt động của tài khoản, đồng thời thanh toán các hóa đơn. Ngoài ra, còn sử dụng để chuyển khoản.

Trong tương lai, 76% công ty dịch vụ tài chính sẽ hợp tác với ngân hàng số. Việc chuyển đổi sang ngân hàng số nhằm phát triển khách hàng, giảm chi phí và tăng doanh thu trên mỗi khách hàng.

Tuy nhiên, Grant Thornton cũng cảnh báo nguy cơ về rủi ro gian lận, giả mạo và sự cố kỹ thuật đối với ngân hàng số. Việc gian lận định danh khách hàng trực tiếp khá đơn giản do đó cần nâng cao bảo mật, giao tiếp từ xa; quét và xác nhận tài liệu, hình ảnh của khách hàng bằng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc xác thực sinh trắc học.

Một số rủi ro khi chuyển sang ngân hàng số có thể xảy ra đó là giả mạo email, SMS… dụ dẫn người dùng bấm vào đường link nguy hiểm để đánh cắp mật khẩu, tài khoản đăng nhập. Hoặc có thể các cuộc gọi giả mạo cơ quan chức năng đề nghị cung cấp thông tin….

Grant Thornton thống kê đã có những ngân hàng gặp sự cố an ninh mạng gây thiệt hại tương đối lớn. Thậm chí có giám đốc điều hành (CEO), giám đốc tài chính (CFO) phải từ chức vì những sự cố gây thiệt hại.

Ông Claude Spiese, cố vấn cấp cao Grant Thornton Việt Nam cho biết, để chuyển đổi số, các ngân hàng cần đào tạo bài bản về an ninh mạng cho nhân viên. Đồng thời liên tục giám sát 24/7 các hệ thống công nghệ thông tin của mình để phát triển xử lý kịp thời các mối đe dọa an ninh mạng. Bên cạnh đó, cần truyền thông liên tục cho khách hàng về các rủi ro an ninh mạng để đề cao cảnh giác.

Ông Claude Spiese khuyến cáo khách hàng, trước khi thực hiện bất cứ giao dịch không trực tiếp nào, luôn kiểm tra kỹ và yêu cầu tư vấn từ ngân hàng nếu thấy cần thiết.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị các ngân hàng cần hình thành Bộ phận quản lý rủi ro trong ngân hàng số, hoạt động như một trung tâm giám sát và hỗ trợ thông tin, hơn là một ban pháp chế.

Trả lời báo giới trước đây, TS. Cấn văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho biết, đối với hệ thống ngân hàng thông thường chỉ có 3 cấp độ để chuyển đổi số. Ở cấp độ 1, các ngân hàng có thể tiếp tục những gì đang làm. Còn cấp độ 2 là thành lập bộ phận riêng như trung tâm ngân hàng số, công ty ngân hàng số, đơn vị kinh doanh số trong ngân hàng. Cấp độ 3, các ngân hàng thực hiện số hoá một số bộ phận, quy trình, sản phẩm dịch vụ kinh doanh trong hoạt động.

Theo TS. Cấn văn Lực, đa số các ngân hàng hiện nay số hoá ở cấp độ 2,3 cũng là cấp độ tương đối tích cực khi một số đã thành lập đơn vị riêng, một số ngân hàng khác có chi nhánh thí điểm ngân hàng số… TS. Cấn Văn Lực cũng đánh giá về mặt tổng quan, Việt Nam vẫn chưa có ngân hàng số thuần túy nếu xét theo cách hiểu về ngân hàng số là mô hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong kỷ nguyên số, ứng dụng nền tảng công nghệ mới nhất đối với tất cả các chức năng và dịch vụ và ở mọi cấp độ trong hoạt động của ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua ngân hàng số 
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO