Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ

Ngô Hải| 18/05/2020 13:59
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Chính sách tiền tệ (CSTT) đã được điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa (CSTK) và các chính sách kinh tế vĩ mô khác… Quy mô tín dụng được kiểm soát phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên…

Đây là một trong những điểm nhấn trong điều hành chính sách tiền tệ được nêu tại báo cáo vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) gửi tới Quốc hội về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội. Tại báo cáo, NHNN cho biết, thực hiện các nhiệm vụ được giao, NHNN đã chủ động nghiên cứu, rà soát, phân công các đơn vị chức năng triển khai quyết liệt, có hiệu quả những nội dung có liên quan đến lĩnh vực Ngân hàng.

Điều hành CSTT góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Báo cáo cho biết, nhận thức được vai trò và trách nhiệm của ngành, ngay từ đầu nhiệm kỳ, NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ CSTT, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 1 con số (lạm phát bình quân không vượt quá 4%/năm), nâng cao giá trị đồng bản tệ, đảm bảo thanh khoản hệ thống, ổn định thị trường, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững.

Theo báo cáo, dù dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục nhưng mức tăng của tổng phương tiện thanh toán (M2) và lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: M2 các năm 2016, 2017, 2018, 2019 và 4 tháng đầu năm 2020 (đến ngày 22/4/2020) tăng lần lượt là 17,65%; 14,91%; 12,21% 14,22% và 1,75% so với cuối năm trước, phù hợp với định hướng đề ra. Lạm phát bình quân năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 2,66%; 3,53%; 3,54% và 2,79%, luôn duy trì thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%) và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 7,8%/năm của giai đoạn 2011-2015.

Đối với điều hành ổn định mặt bằng lãi suất. Dù phải đối mặt với nhiều thách thức, như: tâm lý thị trường trong nước phản ứng với các biến động của thị trường thế giới; hệ thống TCTD tiếp tục quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, nâng cấp về chuẩn mực quản trị điều hành NHTM theo thông lệ quốc tế… Nhưng trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, NHNN đã điều hành đồng bộ các giải pháp để nỗ lực duy trì ổn định và giảm mặt bằng lãi suất.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong những tháng đầu năm 2020, NHNN đã điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với quy mô cắt giảm tương đối mạnh trong nhiều năm qua. Cùng với các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ nền kinh tế, việc giảm mạnh các mức lãi suất điều hành của NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Đến nay lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức trung bình so với mặt bằng của các nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực.

Chính sách tỷ giá đã được NHNN điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu CSTT trong từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, NHNN thực hiện công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu CSTT góp phần ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2020, kinh tế, tài chính thế giới biến động nhanh, phức tạp do tác động của dịch bệnh Covid-19… nhưng tỷ giá và thị trường ngoại tệ về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường không xáo trộn, nhất là cân đối cung, cầu vẫn khá thuận lợi, thanh khoản thông suốt.

Thống kê được NHNN đưa ra cho thấy, tỷ giá trung tâm các năm từ 2016-2019 biến động ở mức lần lượt: +1,23%; +1,2%; +1,78%; +1,45%. Mức biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tương ứng các năm 2016-2019: +1,2%; -0,25%; +2,16%; -0,12%. Đồng Việt Nam ổn định hơn nhiều so với đồng tiền của nhiều đối tác thương mại.

Đối với thị trường vàng. Giai đoạn 2016-2020, với việc NHNN triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định số 24/2012/ND-CP và các Thông tư hướng dẫn, thị trường vàng trong nước tiếp tục diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế tiếp tục được hạn chế, một phần nguồn vốn bằng vàng được chuyển hóa thành tiền phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, có thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ ra thị trường quốc tế để thu về ngoại tệ cho nền kinh tế.

Điều hành tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát

Báo cáo với Quốc hội, NHNN cho biết, bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát bình quân được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm và căn cứ mức tăng trưởng tín dụng năm trước, NHNN đã điều hành tín dụng nhằm kiểm soát quy mô phù hợp chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng và kiểm soát lạm phát, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán… tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tăng cường triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn.

NHNN cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể, nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen như: Ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen; Rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; Chỉ đạo các TCTD phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay…

Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên, từ năm 2016 đến nay, tín dụng đều có mức tăng trưởng dương ngay từ những tháng đầu năm và có mức tăng trưởng bình quân năm trên 16%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào lĩnh vực đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế như lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

“Những năm gần đây, tín dụng tăng trưởng phù hợp, được kiểm soát theo mục tiêu nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ở mức cao, cho thấy các giải pháp, chính sách tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, vừa đảm bảo mở rộng tín dụng hiệu quả, an toàn, cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, vừa phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát”, NHNN báo cáo.

Tại báo cáo NHNN cũng cho biết, doanh số cho vay lũy kế của chương trình cho vay khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt khoảng 53.500 tỷ đồng, dư nợ trên 38.000 tỷ đồng với hơn 17.000 khách hàng còn dư nợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm khoảng 90% tổng dư nợ của chương trình.

NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD cân đối vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn; có giải pháp tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng như: dịch tả lợn châu Phi, hiện tượng tiêu chết tại các tỉnh Tây Nguyên, giảm giá lúa gạo vụ Đông Xuân 2019 tại Đồng bằng Sông Cửu Long…

Với hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.055 khách hàng với dư nợ trên 1.295 tỷ đồng. Miễn, giảm lãi vay cho 610 khách hàng với số tiền 1,7 tỷ đồng. Tiếp tục cho vay mới để khôi phục sản xuất đối với 733 khách hàng với doanh số cho vay đạt trên 632 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện khoanh nợ cho 72 khách hàng với dư nợ 1,5 tỷ và đang xem xét khoanh nợ cho 156 khách hàng bị thiệt hại bởi hạn mặn với dư nợ trên 2 tỷ đồng.

Đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành Ngân hàng đã chủ động vào cuộc kịp thời để triển khai có hiệu quả các giải pháp cấp bách nhằm ứng phó và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. NHNN đã khẩn trương ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 12/3/20220, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 31/3/2020... Thực hiện điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất kể từ ngày 17/3/2020. Cũng như có chính sách miễn, giảm phí thanh toán như: miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng…

Với các dự án BOT, BT giao thông. NHNN cho biết, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đồng thời chỉ đạo các TCTD: Kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Tăng cường kiểm soát rủi ro trong việc cho vay đối với các dự án BOT giao thông; Thường xuyên nắm bắt thông tin về dự án, khách hàng vay vốn, phối hợp với khách hàng để giải quyết khó khăn, vướng mắc…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO