10 dấu ấn nổi bật của ngành Ngân hàng năm 2020

TTTCTT| 31/12/2020 17:26
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bất chấp những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đi qua năm 2020 với nhiều dấu ấn nổi bật.

 

Nhằm tổng kết những thành công nổi bật trong hoạt động của ngành Ngân hàng, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã tham vấn các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đầu ngành; các nhà quản lý, các lãnh đạo, điều hành ngân hàng, các tổ chức tài chính trong nước, quốc tế và những độc giả am hiểu chuyên sâu về lĩnh vực tài chính - ngân hàng, để lựa chọn ra 10 dấu ấn nổi bật nhất của ngành. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trân trọng giới thiệu.

 

Với tỷ lệ tán thành 97,08% (467/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với bà Nguyễn Thị Hồng trong phiên họp ngày 12/11/2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sinh năm 1968, tại Hà Nội, Thạc sỹ Kinh tế phát triển. Tháng 8/2014, bà Nguyễn Thị Hồng lần đầu được bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bổ nhiệm lại vào tháng 8/2019. Với việc được Quốc hội thông qua, bà Nguyễn Thị Hồng trở thành nữ Thống đốc đầu tiên của Việt Nam.

 

Nhằm chủ động giúp khách hàng và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành hàng loạt chính sách, trong đó 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020/TT-NHNN (ngày 13/3/2020) và Chỉ thị 02/CT-NHNN (ngày 31/3/2020) chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;

NHNN cũng đã 3 lần điều chỉnh giảm mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5 đến 2,0%/năm lãi suất điều hành (là một trong các ngân hàng trung ương có mức cắt giảm lãi suất điều hành lớn nhất trong khu vực), giảm 0,6 đến 1,0%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên…, tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ.

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị Tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ NHNN và sự vào cuộc tích cực của các TCTD, đến nay, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, đặc biệt đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng…; số phí dịch vụ thanh toán các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 ước đạt khoảng 1.004 tỷ đồng.

 

Cuộc đua chuyển đổi số giữa các ngân hàng đã và đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Thực tế năm qua đã chứng kiến hàng loạt ngân hàng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào số hóa, nhiều ngân hàng số mới đã được ra mắt như VCB Digibank, Lienviet24h, Timoplus…; hàng loạt ngân hàng áp dụng định danh điện tử (eKYC) trong hoạt động như: VPBank, Sacombank, NCB…

 

Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được rà soát, bổ sung với điểm nhấn nổi bật là việc ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, Thông tư 16/2020/TT-NHNN bổ sung Điều 14a quy định về mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC).

 

Công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục đạt kết quả tích cực. NHNN tiếp tục đứng đầu về chỉ số cải cách hành chính (Par index) và là năm thứ 5 liên tiếp đứng đầutrong các Bộ, cơ quan ngang Bộ.

Chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể khi ở vị trí 25/190 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 7 bậc so với Doing Business 2019 và đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN, thứ 2 trong khu vực châu Á (chỉ sau Brunei), hoàn thành mục tiêu tăng ít nhất một bậc mà Chính phủ yêu cầu.

Nguồn: VCCI

Quan điểm và trọng tâm trong điều hành của NHNN là điều hành chính sách tiền tệ và đẩy mạnh cải cách hành chính để đảm bảo mục tiêu kép, vừa thúc đẩy sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp, phục vụ người dân; đồng thời giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh tích cực bền vững.

 

Bám sát chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong và ngoài nước, trong năm 2020, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố cho biết, GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, đưa Việt Nam vào nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019, đạt mục tiêu dưới 4% của Quốc hội đề ra trong bối cảnh một năm có nhiều biến động khó lường.

 

Cùng với đó, NHNN đã điều hành tín dụng phù hợp chỉ tiêu định hướng, song hành với nâng cao chất lượng tín dụng, cơ cấu tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên là động lực cho phát triển kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Đến ngày 18/12/2020, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 12,83% so với cuối năm 2019 và tăng 14,62% so với cùng kỳ 2019. Thanh khoản của hệ thống TCTD thông suốt. Tín dụng cả năm 2020 tăng khoảng 11% so với cuối năm 2019 - một con số hết sức bất ngờ nếu nhìn lại hoạt động tín dụng những tháng đầu năm dưới tác động của đại dịch COVID-19.

Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Dự trữ ngoại hối đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay...

 

Năm 2020, NHNN tiếp tục chỉ đạo hệ thống các TCTD thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu… Qua tái cơ cấu, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, chất lượng quản trị điều hành từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế và tính minh bạch trong hoạt động tín dụng của TCTD từng bước được cải thiện. Đến ngày 31/10/2020, tổng tài sản của toàn hệ thống đạt 13.175.947 tỷ đồng, tăng 4,75% so với thời điểm cuối năm 2019; vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 643.196 tỷ đồng, tăng 5,05% so với cuối năm 2019.

Đến nay, hầu hết các TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN. Thậm chí, hàng loạt ngân hàng công bố hoàn thành 3 trụ cột của Basel 2 như: VIB, Vietcombank, SeABank, VPBank, TPBank, MSB, VietCapitalBank, Shinhan Bank, LienVietPostBank.

Chất lượng tín dụng được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%; tuy nhiên do tác động của dịch COVID-19, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%.

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng

Trong năm qua, bài toán tăng vốn cho các NHTM nhà nước cũng đã được giải quyết, cụ thể: Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã nhất trí bổ sung vốn điều lệ cho Agribank; vướng mắc về tăng vốn của Vietcombank, VietinBank và BIDV cũng được “tháo gỡ” khi Nghị định 121/2020/NĐ-CP đã khơi thông cơ chế tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Tính minh bạch trong ngành Ngân hàng ngày càng cao. Năm 2020 đã có 9 ngân hàng (LienVietPostBank, VIB, ACB, MSB, VietCapitalBank, NamABank, Saigonbank, PGBank…) lên sàn/chuyển sàn thành công.

Những kết quả này đã góp phần nâng mức triển vọng xếp hạng các TCTD Việt Nam. Năm 2020, có 14 NHTM của Việt Nam nằm trong danh sách Top 500 ngân hàng lớn và mạnh nhất châu Á-Thái Bình Dương.

 

Trong năm qua, ngành Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu đời sống nhân dân, doanh nghiệp, như: Sửa đổi quy định về cho vay của công ty tài chính tiêu dùng; Ban hành mới các văn bản hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Triển khai cho vay tái cấp vốn để cho vay lãi suất 0% đối với người lao động bị ngừng việc cho dịch COVID-19; chỉ đạo các TCTD mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng qua các kênh tín dụng chính thức… Bên cạnh đó, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Ảnh minh họa

Hệ thống ngân hàng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tích cực hạn chế người dân tìm đến các nguồn “tín dụng đen”. Tính đến ngày 21/12/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 9 triệu tỷ đồng, tăng 10,14% so với cuối năm 2019. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (là nơi dễ phát sinh hoạt động “tín dụng đen”) có mức tăng trưởng khá với dư nợ cho vay đạt khoảng 2,24 triệu tỷ đồng với hơn 14 triệu khách hàng còn dư nợ, chiếm 24,76% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, tăng khoảng 9,8% so với cuối năm 2019. Cho vay tiêu dùng đạt dư nợ trên 1,71 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ nền kinh tế, tăng 4,8% so với cuối năm 2019.

 

Năm 2020 là một năm với đầy ắp các sự kiện hợp tác quốc tế của Việt Nam trong vai trò chủ tịch ASEAN, theo đó NHNN đã chủ trì tổ chức một loạt các sự kiện, hội nghị, diễn đàn, hội thảo trong khuôn khổ hợp tác ngân hàng ASEAN và giữa ASEAN với các nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều cuộc họp cấp cao, trao đổi chính sách với các NHTW, cơ quan quản lý tiền tệ và tổ chức quốc tế.

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN 2020

Điểm nhấn nổi bật trong hoạt động hợp tác quốc tế năm qua là NHNN cùng với Bộ Tài chính tổ chức thành công hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc NHTW ASEAN với nhiều nội dung quan trọng. Một trong những kết quả nổi bật của Hội nghị là việc các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN đã thông qua sáng kiến của Việt Nam về “Tài chính bền vững trong ASEAN”, đây cũng là 1 trong 13 sáng kiến của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã được các Lãnh đạo cấp cao ghi nhận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 được tổ chức giữa tháng 11/2020. Sáng kiến này được xây dựng với mục đích thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững.

 

Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược Tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược và là cơ quan giúp việc của Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, ngày 24/7/2020, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của TCTD và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội); có ít nhất 25 - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20 - 25% hàng năm. Đặc biệt, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%.

 

Ngày 10/12/2020, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (HHNH) tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VII (2020-2024). Tại Đại hội, ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank được bầu là Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng nhiệm kỳ VII; và ông Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế  NHNN, làm Tổng Thư ký.

Đại hội nhiệm kỳ VII Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thành công tốt đẹp

HHNH hiện có 73 tổ chức hội viên, bao gồm 58 hội viên chính thức, 10 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 40 ngân hàng thương mại, 11 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 13 công ty Fintech và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 dấu ấn nổi bật của ngành Ngân hàng năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO