(thitruongtaichinhtiente.vn) - Năm 2021, Vietcombank là đơn vị tiên phong đồng hành cùng chính phủ, người dân và doanh nghiệp trước những khó khăn của đại dịch, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, đánh dấu nhiều thành tích nổi bật như lần đầu tiên có lãnh đạo cấp cao trúng cử vào ban chấp hành TW Đảng, đầu tư nguồn vốn lớn cho dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, đứng đầu về quản trị chất lượng tín dụng, khẳng định vị thế và uy tín vượt trội...
Lần đầu tiên Vietcombank có lãnh đạo cấp cao vinh dự trúng cử vào ban chấp hành TW Đảng
Tháng 1/2021, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đồng chí Nghiêm Xuân Thành (khi đó là UV Ban thường vụ Đảng ủy Khối DN TƯ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank) đã được tín nhiệm bầu tham gia BCH Trung ương với số phiếu cao. Đây không chỉ là vinh dự của cá nhân đồng chí Nghiêm Xuân Thành, mà còn là niềm tự hào của Vietcombank khi lần đầu tiên trong lịch sử Vietcombank có đại diện tham gia vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng.
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trao quyết định cho đồng chí Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang |
Sau khi đồng chí Nghiêm Xuân Thành được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ 2020-2025, Vietcombank đã tiến hành các thủ tục kiện toàn nhân sự cấp cao. Với sự tín nhiệm tuyệt đối của Ban chấp hành Đảng bộ, của các cán bộ chủ chốt trong hệ thống, được sự chấp thuận của NHNN và Đảng ủy Khối DNTW, đồng chí Phạm Quang Dũng – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietcombank đã được phân công giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, và được HĐQT bầu giữ chức chủ tịch HĐQT tại phiên họp ngày 30/8/2021. Cùng ngày 30/8/2021, trên cơ sở chấp thuận của NHNN, HĐQT cũng đã thống nhất giao đồng chí Nguyễn Thanh Tùng – UV BCH Đảng bộ Vietcombank, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank.
Tổ chức tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19
Trước sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 trong năm 2021 với quy mô lan rộng trong cả nước, nhiều địa phương phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội, giao thương hết sức khó khăn, các ngân hàng trong đó có Vietcombank chịu tác động chưa từng có.
Giao dịch 5K thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 |
Trong bối cảnh đó, Vietcombank đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt và đồng bộ. Tổ chức tiêm phủ vắc-xin COVID-19 rất sớm cho toàn bộ CBNV và người thân trong hệ thống. Tăng cường ứng dụng công nghệ để có thể tổ chức làm việc từ xa, làm việc theo ca. Đẩy mạnh triển khai các giải pháp giao dịch trực tuyến như VCB- ibanking, VCB Cash-up, VCB Digibank, VCB Digibiz, tài trợ thương mại trực tuyến… đảm bảo an toàn và thuận tiện cho khách hàng.
Nhờ vậy, Vietcombank đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ và hoạt động kinh doanh liên tục, góp phần đảm bảo sự thông suốt của huyết mạch tài chính quốc gia và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh doanh
Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có tiền lệ nhưng với nỗ lực, sáng tạo của toàn thể cán bộ nhân viên, định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo và một nền tảng vững chắc, Vietcombank tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong hệ thống Ngân hàng tại Việt Nam.
Trụ sở chính của Vietcombank tại 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Vietcombank đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh đề ra. Quy mô hoạt động tăng trưởng cao, cơ cấu chuyển dịch mạnh mẽ theo định hướng hiệu quả, bền vững; chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, thực chất; và hiệu quả kinh doanh cao. Lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch, sau khi đã hỗ trợ miễn giảm lãi, phí cho khách hàng và trích lập 100% DPRR cho nợ tái cơ cấu - trước 2 năm so với thời hạn theo quy định.
Vietcombank tiếp tục là Ngân hàng có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán (~ 16.5 tỷ USD).
Tiên phong đồng hành với chính phủ, người dân và doanh nghiệp trước những khó khăn của đại dịch
Tiếp theo năm 2020, trong năm 2021, Vietcombank đã liên tiếp triển khai 4 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, đặc biệt là tại địa bàn 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng giãn cách xã hội. Tổng số tiền lãi Vietcombank hỗ trợ khách hàng trên toàn quốc cả năm 2021 lên tới trên 7.100 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn nhất từ trước đến nay Vietcombank dành để chia sẻ với khách hàng.
Đại diện Ban lãnh đạo Vietcombank, đồng chí Phạm Quang Dũng - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc (bên trái) trao kinh phí ủng hộ phòng chống dịch COVID-19 cho đại diện Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam |
Song song với đó, Vietcombank đã tiên phong trong việc thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng; triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất thấp đối với các khoản vay mới. Cuối năm 2021, Vietcombank đã công bố áp dụng chính sách miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ cho tất cả các khách hàng cá nhân sử dụng VCB Digibank.
Trong năm 2021, Vietcombank cũng đã cam kết, thực hiện các chương trình ASXH với tổng số tiền gần 723 tỷ đồng, trong đó gần 400 tỷ đồng để hỗ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước
Với hiệu quả kinh doanh cao và mức chia cổ tức bằng tiền mặt lớn nhất trong số các NHTMNN (l2%), Vietcombank đã trở thành ngân hàng và đồng thời cũng là doanh nghiệp niêm yết nộp ngân sách lớn nhất với tổng số nộp thuế, phí và cổ tức cho Nhà nước năm 2021 lên tới gần 11 ngàn tỉ đồng. Tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong các doanh nghiệp đóng góp lớn nhất cho Ngân sách Nhà nước trong nhiều năm liên tục.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen cho bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, đại diện Vietcombank lên sân khấu nhận vinh danh -“Nhiều năm liên tục Vietcombank đã được vinh danh là ngân hàng nộp thuế lớn nhất Việt Nam” |
Thu xếp nguồn vốn lớn nhất từ trước đến nay cho dự án nhiệt điệt Quảng Trạch 1
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I có tổng mức đầu tư 41.130 tỷ đồng, trong đó vốn vay thương mại trong nước chiếm 70% do Vietcombank tài trợ.
Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank (bên phải) và ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Tổng Giám đốc EVN (bên trái) đại diện hai bên ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 trước sự chứng kiến của lãnh đạo các Bộ, Ngành, cùng lãnh đạo EVN và Vietcombank |
Đây là dự án nguồn điện đầu tiên của EVN được tài trợ 100% từ vốn vay của 1 tổ chức tín dụng trong nước và không có bảo lãnh của Chính phủ. Đây cũng là Dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay do một TCTD trong nước đứng ra thu xếp vốn và Vietcombank là tổ chức tín dụng đầu tiên đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Quyết định 13/2018/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp tín dụng đối với EVN để thực hiện tài trợ Dự án này. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 được đánh giá sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Quảng Bình và khu vực Bắc Trung Bộ.
Tập trung đầu tư và quyết liệt chuyển đổi số
Năm 2021, Vietcombank đã ban hành hai văn bản có tính định hướng quan trọng trong chuyển đổi số. Một là chương trình hành động chuyển đổi số với 7 Nhóm hành động và 15 mục tiêu cụ thể bám sát bám sát theo định hướng tại các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Đảng Ủy Khối DNTW, hai là kế hoạch chuyển đổi với 304 hành động theo 4 trụ cột: Số hoá (Digital), Dữ liệu (Data), Công nghệ (Technology) và Chuyển đổi (Transformation) cùng một lộ trình triển khai chi tiết.
Thành lập Khối Công nghệ và chuyển đổi số (Thành viên Ban lãnh đạo Vietcombank tham dự buổi lễ chụp ảnh lưu niệm cùng ông Colin Richard Dinn - tân Giám đốc Khối Công nghệ thông tin và chuyển đổi số kiêm Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số Vietcombank) |
Khối Công nghệ thông tin và chuyển đổi số được chính thức thành lập từ ngày 01/12/2021, đóng vai trò hạt nhân trong công tác chuyển đổi số toàn hàng.
Trong năm 2021, Vietcombank đã và đang triển khai 107 sáng kiến chuyển đổi số hướng tới hai mục tiêu chính là nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa quy trình nội bộ. Giải pháp số VCB Digibank khẳng định vị thế khi có được số lượng người dùng cao nhất thị trường, triển khai thành công giải pháp E-KYC, dịch vụ DiziBiz…
Đứng đầu về quản trị chất lượng tín dụng
Với việc ứng dụng quản trị rủi ro tiên tiến theo chuẩn mực Basel 2, danh mục khách hàng chọn lọc, và đặc biệt là việc triển khai các biện pháp ứng phó ứng phó chủ động, linh hoạt, hiệu quả, sát với biến động của nền kinh tế, năm 2021 Vietcombank tiếp tục khẳng định vị thế đứng đầu về chất lượng tín dụng với tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp nhất trong số các NHTM quy mô lớn (0,63%), tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ ở mức rất thấp (0,34%). Vietcombank đã chủ động trích lập dự phòng đối với 100% dư nợ được cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sớm trước 2 năm so với quy định. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng cao nhất trong hệ thống ngân hàng (mức kỷ lục~424%). Đây là nhân tố đóng góp rất tích cực cho sự phát triển bền vững của Vietcombank.
Thực hiện tốt việc quản trị rủi ro cũng lựa chọn danh mục khách hàng tốt và tiềm năng để đồng hành (PGS.TS Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội và Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank đại diện 2 bên ký kết thỏa thuận hợp tác) |
Khẳng định vị thế và uy tín vượt trội
Năm 2021, sự đánh giá và ghi nhận của cộng đồng tài chính khu vực và thế giới đối với Vietcombank không ngừng được củng cố và nâng cao. Tháng 5/2021, S&P Global Ratings đã nâng đánh giá triển vọng tín nhiệm của Vietcombank từ mức ổn định lên mức tích cực và tiếp tục thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng tại Việt Nam. Fitch Ratings cũng có điều chỉnh nâng đánh giá Sức mạnh độc lập của Vietcombank. Forbes Việt Nam đánh giá thương hiệu Vietcombank đứng đầu về giá trị trong danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu Việt Nam với giá trị 705 triệu USD, tương đương với tổng giá trị của 2 Ngân hàng TMCP Nhà nước khác cộng lại.
Đại diện Vietcombank nhận vinh danh Top 10 ngân hàng thương mại uy tín năm 2021 |
Bên cạnh đó là hàng loạt các giải thưởng quốc tế và trong nước khác.
Chủ tịch HĐQT Vietcombank được tín nhiệm bầu là Phó chủ tịch không chuyên trách VCCI
Thủ tướng Phạm Minh Chính (hàng đầu, thứ 14 từ phải sang), ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2011 – 2026 (hàng đầu thứ 13 từ phải sang), ông Phạm Quang Dũng - Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTƯ, Phó Chủ tịch không chuyên trách của VCCI nhiệm kỳ 2021 – 2026, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank (hàng đầu thứ 12 từ phải sang) cùng các đại biểu tại Đại hội |
Tháng 12/2021, đồng chí Phạm Quang Dũng – Ủy viên BCH Đảng bộ Khối DNTW, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT Vietcombank được bầu giữ chức Phó chủ tịch không chuyên trách Liên đoàn công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là sự kiện khẳng định sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đối với vị thế, vai trò và uy tín của Vietcombank.